Tăng theo cấp số nhân
Số liệu của Tổng cục Môi trường (Bộ TN&MT) cho thấy, nhu cầu nhập khẩu (NK) phế liệu làm nguyên liệu trong các ngành sản xuất thép, giấy, nhựa và xi măng có xu hướng gia tăng. Tổng khối lượng phế liệu NK năm 2017 tăng gấp 2 lần so với năm 2016. 5 tháng đầu năm 2018, khối lượng nhựa phế liệu NK tăng đột biến, gấp gần 2 lần so với cả năm 2017.
Qua thống kê, tình trạng phế liệu dồn ứ nhiều ở các cảng biển, đặc biệt là khu vực Hải Phòng và TP. Hồ Chí Minh. Tại Tân cảng Sài Gòn, tính đến ngày 26/6/2018 có 4.480 container, trong đó, riêng tại cảng Cát Lái là 3.464 container. Còn tại các cảng của Hải Phòng cũng đang tồn 737 container quá hạn trên 90 ngày.
Phân tích nguyên nhân dẫn đến sự gia tăng đột biến này, ông Hoàng Văn Thức - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường - cho hay: Nhiều chủ hàng hoặc doanh nghiệp NK không đến làm thủ tục thông quan do chưa có giấy xác nhận đủ điều kiện về bảo vệ môi trường trong NK phế liệu làm nguyên liệu sản xuất nhưng vẫn ký hợp đồng mua bán phế liệu. Điều này dẫn đến tình trạng ùn ứ cục bộ tại các cảng biển. Đáng nói thêm, từ cuối năm 2017, Chính phủ Trung Quốc đã ban hành quy định dừng NK 24 loại phế liệu phục vụ tái chế, khiến nhiều nước trước đây xuất khẩu chất thải rắn, phế liệu sang Trung Quốc phải tìm đối tác mới, và Việt Nam là điểm đến.
Kiểm soát chặt hoạt động nhập khẩu phế liệu |
Phối hợp kiểm soát
Để giải quyết tình trạng ùn ứ container phế liệu tại các cảng biển, đại diện Cục Hàng hải (Bộ Giao thông vận tải) cho rằng, trước khi hàng hóa phế liệu vào cảng, cần làm rõ: Chủ hàng là ai? hàng hóa NK cụ thể là gì?... Nếu không trả lời được thì cần tạm dừng việc nhập hàng phế liệu lên cảng.
Cùng quan điểm này, nhiều ý kiến tại cuộc họp nhấn mạnh, cần có cơ chế xử lý đối với các hãng tàu vận chuyển hàng không đúng quy định.
Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà cho biết, ngay sau cuộc họp, Bộ TN&MT sẽ hoàn thiện báo cáo Chính phủ về thực trạng, tình hình, xu thế đối với NK, sử dụng phế liệu của những nước trong khu vực và tình hình NK phế liệu của Việt Nam. Trong đó, dự báo được tình trạng gia tăng số lượng, nêu rõ việc NK này có phải dựa trên nhu cầu thực sự của nước ta hay không. Tuy nhiên, việc cấp bách cần làm ngay hiện nay là cần có cơ chế trao đổi thông tin liên quan đến NK phế liệu giữa các bên: Bộ Công an, Bộ Công Thương, Bộ Tài chính và Bộ TN&MT. Bên cạnh đó, thông tin này cần cung cấp cho các địa phương để cùng quản lý. Đối với những doanh nghiệp, lô hàng NK vào Việt Nam không có giấy phép NK thì cương quyết không cho nhập.
Ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương): Hiện chưa thể cấm nhập 100% phế liệu, nhưng phải có chiến lược sử dụng; cần xem xét tính cấp thiết của việc nhập phế liệu trong mối tương quan với khả năng gây ô nhiễm môi trường, khả năng đáp ứng của nguồn phế liệu trong nước, công nghệ chế biến… nếu không có công nghệ xử lý an toàn thì không cho phép nhập khẩu. |