Tăng cường quản lý lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam Hướng dẫn tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc với lao động nước ngoài tại Việt Nam |
Văn phòng Chính phủ đã phát Thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà tại cuộc họp về dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 152/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định về người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam và tuyển dụng, quản lý người lao động Việt Nam làm việc cho tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam.
Tại Thông báo, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà nêu rõ: Việc bổ sung sửa đổi quy định pháp luật đối với lao động Việt Nam làm việc cho tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam là vấn đề rất quan trọng, phức tạp, nhạy cảm liên quan đến an ninh quốc gia, chính trị đối ngoại, cần có thời gian rà soát, nghiên cứu kỹ, đánh giá toàn diện, thận trọng, đặc biệt phải lấy ý kiến của đối tượng chịu tác động trực tiếp, nhất là các cơ quan đại diện ngoại giao, tổ chức quốc tế.
Để xử lý toàn diện các vấn đề, Phó Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội tiếp thu, nghiên cứu, tổng kết, đánh giá và đề xuất sửa đổi những nội dung liên quan đến lao động Việt Nam làm việc cho tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam vào thời điểm phù hợp.
Ngoài ra, Phó Thủ tướng đề nghị, để tháo gỡ ngay những khó khăn, vướng mắc, tạo thuận lợi cho tổ chức, doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Phó Thủ tướng giao Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội khẩn trương tiếp thu ý kiến các đại biểu dự họp, thống nhất với các Bộ có liên quan, trong đó, lưu ý rà soát bảo đảm đơn giản trình tự, thủ tục cấp giấy phép lao động cho người nước ngoài làm việc tại Việt Nam; chú trọng cấp phép trực tuyến và đẩy mạnh chuyển đổi từ "tiền kiểm" sang "hậu kiểm", đảm bảo thông thoáng, minh bạch, rõ ràng, thuận lợi; tăng cường phân cấp, thể chế trách nhiệm, chế tài xử lý đối với các trường hợp vi phạm pháp luật; thực hiện đúng chủ trương thu hút, quản lý và sử dụng hiệu quả lao động nước ngoài tại Việt Nam; hoàn thiện dự thảo Nghị định, trình Thủ tướng Chính phủ trước ngày 25/8/2023.
Trước đó, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã có Tờ trình gửi Chính phủ về dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 152/2020/NĐ-CP ngày 30/12/2020 của Chính phủ quy định về người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam và tuyển dụng, quản lý người lao động Việt Nam làm việc cho tổ chức, cá nhân nước ngoài (Nghị định số 152).
Theo Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, hiện nay, việc tăng cường hiệu quả công tác quản lý, cấp giấy phép cho người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam đang được chú trọng. Trong thời gian qua, cơ quan này đã hướng dẫn các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân có sử dụng lao động nước ngoài thực hiện các quy định của pháp luật về quản lý lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam.
Các dịch vụ công về lĩnh vực quản lý lao động nước ngoài tại Việt Nam trên Cổng Dịch vụ công của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội và Cổng Dịch vụ công quốc gia đã, đang tiếp tục được triển khai.
Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội nhấn mạnh, việc ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 152 nhằm tháo gỡ khó khăn để phục hồi, ổn định nền kinh tế sau đại dịch Covid-19 và phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, hiệu quả, bền vững và hội nhập nhằm phục hồi nhanh kinh tế, xã hội cũng như việc phản ánh một số vướng mắc, khó khăn, bất cập một số quy định của Nghị định nêu trên.
Cụ thể gồm các nội dung như: Điều kiện tuyển dụng lao động nước ngoài, tính minh bạch trong tuyển dụng lao động nước ngoài, cải cách thủ tục hành chính, vướng mắc trong thẩm quyền trong quản lý lao động nước ngoài.
Tính đến tháng 6/2023, cả nước có hơn 121 nghìn lao động nước ngoài đang làm việc. Trong đó, số lao động không thuộc diện cấp giấy phép lao động là 9.339 người (chiếm 7,7% trên tổng số người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam. Số lao động nước ngoài thuộc diện cấp giấy phép lao động là 111.949 người (chiếm hơn 92%), trong đó đã cấp mới giấy phép lao động cho 81.568 người và gia hạn cho 14.100 lao động, cấp lại cho 8.990 người; còn lại 7.291 người đang hoàn thiện các giấy tờ trong hồ sơ đề nghị cấp giấy phép lao động.
Vì thế, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội nêu rõ, Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 152 nhằm tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong cấp giấy phép lao động được đề xuất sửa đổi, cụ thể: Về điều kiện cấp giấy phép lao động đối với các vị trí công việc; báo cáo giải trình nhu cầu sử dụng người lao động nước ngoài; xác nhận không thuộc diện cấp giấy phép lao động đối với trường hợp người nước ngoài kết hôn với người Việt Nam; nội dung về trình tự, thủ tục, hồ sơ cấp, cấp lại giấy phép lao động đơn giản, minh bạch hơn; quy định về công tác quản lý lao động nước ngoài (trong đó có cấp giấy phép lao động) cho Sở Lao động, Thương binh và Xã hội hoặc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh; nội dung về cơ quan có thẩm quyền quản lý lao động Việt Nam làm việc cho tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam...