Rút ngắn thời gian cấp phép
Theo số liệu của Bộ Lao động - Thương binh & Xã hội (LĐ-TB&XH), số lượng lao động nước ngoài có xu hướng tăng, nhất là từ năm 2016 đến đầu năm 2018. Hiện cả nước có trên 80.000 người lao động nước ngoài, trong đó đa số đã được cấp giấy phép lao động (chiếm trên 90% tổng số lao động nước ngoài thuộc diện cấp giấy phép lao động); số còn lại không thuộc diện cấp giấy phép lao động hoặc đang làm thủ tục xin cấp giấy phép lao động.
Các thủ tục cấp phép cho lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam cũng được Chính phủ tạo điều kiện thuận lợi. Chẳng hạn, theo Thông tư 35/2016/TT-BCT của Bộ Công Thương việc di chuyển trong 11 ngành dịch vụ sẽ được miễn cấp giấy phép lao động, tức là không thuộc diện cấp giấy phép lao động. Tại Hội nghị đối thoại giữa doanh nghiệp và chính quyền TP. Hồ Chí Minh về chính sách lao động, việc làm, an toàn lao động và giáo dục nghề nghiệp, bà Nguyễn Thị Nguyệt Ánh – Phó phòng Việc làm và An toàn lao động (Sở LĐ-TB&XH TP. Hồ Chí Minh) - cho rằng, di chuyển nội bộ phải hiểu theo hai vấn đề: Thứ nhất là di chuyển từ công ty mẹ sang công ty con tại Việt Nam, thứ hai là phải làm việc tại công ty mẹ ít nhất là 12 tháng thì mới đủ điều kiện di chuyển nội bộ và thủ tục này các doanh nghiệp phải chuyển cho Sở LĐ-TB&XH xác nhận là đối tượng này sẽ không thuộc cấp giấy phép lao động theo quy định.
Đặc biệt mới đây, Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định 140/2018/NÐ-CP ngày 8/10 sửa đổi, bổ sung nhiều nội dung của các nghị định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh và thủ tục hành chính thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ LĐ-TB&XH. Theo đó, với thủ tục cấp giấy phép lao động cho người nước ngoài tại Nghị định 11/2016/NÐ-CP, nghị định mới đã rút ngắn thời gian cấp giấy phép từ 7 ngày làm việc xuống còn 5 ngày làm việc, kể từ ngày Sở LĐ-TB&XH nhận đủ hồ sơ.
Hồ sơ xin cấp phép lao động chỉ còn yêu cầu bản sao hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị thay hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị đi lại quốc tế còn giá trị, không yêu cầu phải chứng thực như trước đây. Đồng thời, thêm trường hợp tiếp nhận người lao động nước ngoài là thành viên hội đồng quản trị của công ty cổ phần; thân nhân thành viên cơ quan đại diện nước ngoài tại Việt Nam làm việc sau khi được Bộ Ngoại giao cấp phép thì người sử dụng lao động không phải xác định nhu cầu sử dụng người lao động nước ngoài.
Tăng cường quản lý lao động
Mở cửa thị trường lao động đã và đang tạo điều kiện cho việc di chuyển lao động Việt Nam ra nước ngoài làm việc, đồng thời cũng tạo điều kiện cho lao động nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam ngày một gia tăng.
Tuy nhiên, công tác phối hợp, trao đổi thông tin trong quản lý lao động nước ngoài giữa các cơ quan chuyên môn ở địa phương chưa chặt chẽ, kịp thời và đồng bộ giữa ngành LĐ-TB&XH, kế hoạch và đầu tư, công an... trong việc chia sẻ thông tin, giải quyết các vi phạm phát sinh. Ngoài ra, việc tuyên truyền phổ biến chính sách pháp luật đối với việc quản lý lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam ở địa phương mặc dù đã được quan tâm nhưng chưa thực sự thường xuyên, liên tục, dẫn đến cách hiểu và thực hiện chưa được thống nhất, gây khó khăn cho doanh nghiệp, tổ chức.
Bên cạnh đó, ý thức tự giác chấp hành pháp luật của một số nhà thầu và người lao động nước ngoài trong việc tuyển, sử dụng và thực hiện cấp giấy phép lao động; xuất nhập cảnh và cư trú còn hạn chế; nhiều người lao động nước ngoài vào Việt Nam mới thực hiện việc cấp giấy phép lao động.
Theo Cục Việc làm (Bộ LĐ-TB&XH), để tăng cường công tác quản lý lao động nước ngoài, trong thời gian tới cần tiếp tục hoàn thiện thể chế, rà soát, đánh giá để sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật liên quan đến lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn và phổ biến các quy định pháp luật Việt Nam liên quan đến lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam với nhiều hình thức phù hợp, thiết thực.
Hoàn thiện quy chế phối hợp theo quy định của pháp luật và tình hình thực tế tại địa phương, tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan trong việc chia sẻ thông tin, hỗ trợ người sử dụng lao động, cấp giấy phép lao động, quản lý lao động, phát hiện và xử lý kịp thời những vi phạm. Đồng thời, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các trường hợp cố tình vi phạm pháp luật Việt Nam liên quan đến người lao động nước ngoài, các địa phương tuyệt đối không vì thu hút đầu tư mà nới lỏng quản lý lao động nước ngoài.