Quan trắc và kiểm soát phát thải Dioxin/Furan ở Việt Nam: Đáp án cho câu hỏi khó
- Nếu con người tiếp xúc lâu với Dioxin ở hàm lượng cao sẽ gây thương tổn da, thận và có thể dẫn đến bệnh ung thư, rối loạn chức năng tổng hợp enzim. Ngoài ra, Dioxin còn có thể liên quan đến một số bệnh nguy hiểm khác, như: bệnh nám da, bệnh tiểu đường, ung thư trực tràng, thiểu năng sinh dục cho cả nam và nữ, sinh con quái thai hoặc thiểu năng trí tuệ...
Dioxin/Furan hình thành do sự phá hủy không hoàn toàn của vật liệu được đốt mà trong vật liệu này đã có sẵn các chất này, hoặc hình thành ngay trong buồng đốt do sự chuyển hóa của các hợp chất là tiền chất của Dioxin/Furan.
Trong quá trình nhiệt của nhiều ngành công nghiệp, Dioxin/Furan hình thành và tồn tại tự nhiên, liên tục bên cạnh các sản phẩm công nghiệp chính. Điều đó có nghĩa là nền công nghiệp càng được mở rộng, sản lượng sản phẩm càng gia tăng thì sự phát thải Dioxin/Furan ra môi trường xung quanh càng nhiều. Trong đó, các ngành công nghiệp, như: đốt rác thải, đặc biệt là đốt rác thải y tế, xi măng, luyện thép… có nguy cơ phát thải Dioxin/Furan lớn nhất.
Tại Việt Nam, do công nghệ đốt rác thải lạc hậu và quá trình vận hành chưa hiệu quả dẫn đến sự hình thành và phát sinh lượng Dioxin/Furan ra môi trường xung quanh khá lớn gây nguy cơ ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng đến sức khỏe con người khá cao.
Tuy nhiên, quan trắc các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy phát sinh không chủ định (U-POP), trong đó có Dioxin/Furan đòi hỏi độ chính xác cao vì nồng độ của chúng rất nhỏ, tính bằng đơn vị ppm (một phần triệu - µg/kg). Điều đó đòi hỏi chi phí rất tốn kém để trang bị máy móc, thiết bị lấy mẫu và phân tích mẫu hiện đại, đào tạo cán bộ kỹ thuật trình độ cao. Việt Nam, với điều kiện kinh tế, khoa học và công nghệ, nhân lực còn nhiều hạn chế nên việc quan trắc và giám sát sự phát thải các chất U-POP trong các ngành công nghiệp rất khó khăn.
Để giải quyết vấn đề này, Quỹ Môi trường toàn cầu và Tổ chức Phát triển công nghiệp Liên hợp quốc đã hỗ trợ nước ta thông qua Dự án “Áp dụng Phương pháp kỹ thuật tốt nhất hiện có (BAT) và Kinh nghiệm môi trường tốt nhất (BEP) để trình diễn việc giảm phát thải các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy phát sinh không chủ định (UP-POP) từ ngành công nghiệp Việt Nam”.
Thời gian qua, Dự án đã tiến hành nhiều hoạt động như, mời các chuyên gia hàng đầu quốc tế và trong nước về quan trắc các chất U-POP về Việt Nam trực tiếp giảng dạy cho cán bộ Phòng thí nghiệm Dioxin, cán bộ kỹ thuật thuộc các doanh nghiệp thuộc 4 ngành công nghiệp có tiềm năng phát thải Dioxin/Furan cao và cán bộ thuộc các cơ quan quản lý môi trường; mời chuyên gia quốc tế lấy mẫu tại các doanh nghiệp thí điểm thuộc 4 ngành công nghiệp.
Tiến hành trang bị cho Phòng thí nghiệm Dioxin một số trang thiết bị phục vụ cho quan trắc các chất U-POP nâng số lượng trang thiết bị và năng lực quan trắc các chất U-POP đứng đầu cả nước, có thể sánh ngang với các nước trong khu vực. Thông qua dự án, Việt Nam đã cử một số cán bộ tham gia các lớp tập huấn, khóa đào tạo, hội thảo quốc tế về quan trắc các chất POP nói chung và các chất U-POP nói riêng tại Mỹ, Autralia, Anh, Nhật... là những nước có thiết bị, công nghệ quan trắc các chất POP hàng đầu trên thế giới.
Bước đầu dự án đã giúp Việt Nam tiến hành quan trắc và có thông tin về phát thải U-POP từ các ngành công nghiệp, và quan trọng hơn là xây dựng năng lực quan trắc U-POP độc lập và tự chủ.
Bình Minh – Lê Tân