Quảng bá hiệu quả, tăng doanh thu cho hàng Việt
Hàng Việt đang chiếm trên 95% tại Co.opmart |
Nâng cao tính chuyên nghiệp
Bà Phạm Thị Huân - Giám đốc Công ty TNHH Ba Huân - cho biết, việc đưa hàng vào các kênh phân phối hiện đại như siêu thị, trung tâm thương mại (TTTM), cửa hàng tiện ích… hiện nay đã chuyên nghiệp hơn rất nhiều.
Để đưa hàng vào hệ thống này, nhà bán lẻ sẽ trực tiếp đến DN xem hàng hóa được sản xuất như thế nào, chất lượng ra sao, khả năng cung ứng của DN đến đâu…, sau đó mới tiến hành ký hợp đồng. Với kinh nghiệm bán hàng lâu năm trong các siêu thị hiện đại, bà Huân cho hay, để hàng Việt trụ vững ở các kênh bán lẻ, đơn vị cung cấp ngoài việc chú trọng bao gói, chất lượng, còn phải thương lượng mức chiết khấu linh hoạt theo từng khách hàng. Đổi lại, khi bán hàng ở đây sẽ mang lại hiệu quả khuyếch trương thương hiệu, tạo đầu ra sản phẩm ổn định, từ đó có kế hoạch sản xuất dài hơi.
Hoạt động chưa đầy 3 năm, song các sản phẩm lau nhà, thảm… của Công ty TNHH Megahome đã xuất hiện trên quầy kệ Lotte Mart, Aeon, Big C được hơn 2 năm. Ông Nguyễn Xuân Thủy - Chủ tịch HĐQT Megahome - chia sẻ, doanh thu bán hàng năm 2015 của đơn vị này trên 35 tỷ đồng và dự kiến năm nay sẽ tăng gấp đôi. Theo ông Thủy, để được các hệ thống phân phối trên chọn là nhà cung cấp, DN đã phải đáp ứng các tiêu chuẩn: Thương hiệu chất lượng, kiểu dáng mẫu mã, giá thành cạnh tranh, đồng thời, công ty luôn chủ động đưa ra các chương trình khuyến mãi cho khách hàng theo từng thời điểm, nhờ đó doanh số bán ra tại các siêu thị rất ổn định.
Theo ông Lưu Huỳnh - quản lý truyền thông Công ty Phạm Nguyên, tỷ lệ hàng tại các kênh siêu thị như Lotte Mart, Big C, Metro… đang chiếm khoảng 10% doanh thu của Phạm Nguyên. Không chỉ kênh phân phối trong nước, mà khi xuất khẩu sang các nước khác, hệ thống Big C cũng đang bán rất tốt sản phẩm của DN này. “Để vào được kênh bán lẻ nhất là của các đối tác nước ngoài, điều đầu tiên quan trọng là yếu tố chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm, chứng nhận kiểm nghiệm từ đầu vào đến đầu ra phải rất nghiêm ngặt. Nhờ bán hàng xuất khẩu đi các nước có tiêu chuẩn gắt gao như Mỹ, Nhật, Nga... nên chúng tôi không gặp khó khăn gì trong việc đáp ứng tiêu chuẩn của hệ thống siêu thị” - ông Huỳnh cho biết.
Đồng hành cùng hàng Việt
Theo ông Hồ Quốc Nguyên - Giám đốc quan hệ công chúng siêu thị Big C Việt Nam, từ nhiều năm qua, Big C đã không ngừng cố gắng để giúp các nhà sản xuất Việt Nam đưa hàng hóa vào Big C. Những chương trình hỗ trợ có thể kể tới như: “Tuần lễ hàng Việt Nam”, “Hàng Việt trong tim người Việt”, “Tuần lễ vải thiều Lục Ngạn - Bắc Giang tại Hà Nội năm 2016”... Hợp tác với Big C, Công ty Rừng Hoa Bạch Cúc (Đà Lạt) đã tìm được đầu ra ổn định ở siêu thị và phát triển thành công thương hiệu rau quả nổi tiếng xanh, sạch; Công ty TNHH Rượu mận Sáu Tia (Cần Thơ) ban đầu chỉ sản xuất nhỏ lẻ ở địa phương, sau khi có được cơ hội hợp tác với Big C Cần Thơ, sản phẩm rượu mận Sáu Tia của công ty đã nhanh chóng xây dựng được uy tín thương hiệu, từ đó mở rộng thị trường… “Chúng tôi sẽ tiếp tục nỗ lực hơn nữa trong việc hỗ trợ các nhà cung cấp Việt Nam phát triển, để có thể đối đầu với sự cạnh tranh mạnh mẽ của hàng ngoại nhập”- ông Nguyên khẳng định.
Big C liên tục tổ chức chương trình hỗ trợ cho các nhà cung cấp Việt Nam tiếp cận người tiêu dùng |
Ông Lê Hữu Tình - Giám đốc Marketing siêu thị Emart Việt Nam - cho biết, Emart là một siêu thị của người Việt, hoạt động theo phương châm giá rẻ, tập trung vào những mặt hàng có chất lượng, nên cơ cấu hàng tại siêu thị có tới 95% hàng Việt. Theo ông Tình, dù không có một chính sách chung cho tất cả các nhà cung cấp Việt Nam nhưng tùy theo từng DN, Emart sẽ có những hỗ trợ riêng theo từng giai đoạn, ngắn hạn hoặc dài hạn khác nhau. Đặc biệt, các nhà cung cấp hàng tươi sống sẽ được linh hoạt thanh toán đơn hàng sớm hơn các ngành hàng khác.
Lotte Mart cũng phát triển theo mô hình “một điểm đến nhiều lựa chọn”, xây dựng siêu thị phục vụ người Việt, nên sẽ ưu tiên tối đa cho hàng Việt. Hiện Lotte Mart đã đầu tư khoảng 600 triệu USD cho việc xây dựng các hệ thống bán lẻ tại Việt Nam, dự kiến con số này sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới. Để hỗ trợ cho các DN Việt, Lotte Mart đã phối hợp với Vuasanca (Bộ Công Thương) tổ chức Hội thảo - Triển lãm - Truyền thông “Sản phẩm thương hiệu Việt tiêu biểu” tại siêu thị Lotte Mart; hỗ trợ nông dân và DN sản xuất giới thiệu các sản phẩm nông sản có chất lượng - giá tốt lên trang bìa tờ rơi của siêu thị; hỗ trợ thiết kế bao bì mẫu mã cho DN…
Ông Yasuo Nishitoghe - Tổng giám đốc Aeon Việt Nam cho hay, tính đến nay, tỷ lệ hàng Việt Nam trong các hệ thống của Aeon là 80%. “Đối với các nhà cung cấp nội địa Việt Nam, chúng tôi không yêu cầu hàng hóa phải đạt chất lượng như ở Nhật Bản, nhưng sản phẩm phải bảo đảm tính an toàn về chất lượng, tuân thủ đúng các quy định về sản xuất hàng hóa cũng như tiêu chuẩn hàng hóa của Việt Nam. Từ phía các nhà phân phối như Aeon cũng sẵn sàng hỗ trợ cung cấp thông tin thị trường, nhu cầu, thị hiếu khách hàng để các nhà sản xuất có kế hoạch sản xuất kinh doanh phù hợp”- ông Yasuo Nishitoghe nói.
Các hệ thống phân phối tại Việt Nam đã thực hiện rất tốt vai trò là đầu mối, giúp DN đưa sản phẩm đến người tiêu dùng thông qua các chương trình ký kết, hợp tác với nhà cung cấp nội địa. Qua đó, DN Việt Nam đã tiếp cận người tiêu dùng nội địa tốt hơn, bán được sản phẩm nhiều hơn. |