Rừng tự nhiên rộng lớn nhất ở Việt Nam
Chúng tôi tới với Ban Quản lý (BQL) Khu dự trữ thiên nhiên Động Châu - Khe Nước Trong những ngày giữa tháng 5, đây là nơi quản lý diện tích rừng lớn tại tỉnh Quảng Bình. Theo đó, Khu dự trữ thiên nhiên Động Châu-Khe Nước Trong nằm về phía Tây-Nam huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình, giáp với biên giới Việt-Lào và khu Bảo tồn thiên nhiên Bắc Hướng Hóa tỉnh Quảng Trị. Khu vực này chủ yếu là rừng nhiệt đới thường xanh nằm trong vùng sinh thái rừng tự nhiên rộng lớn khoảng 500.000 ha, có tài nguyên rừng phong phú.
Ông Bạch Thanh Hải – Giám đốc Khu Dự trữ thiên nhiên Động Châu – Khe Nước Trong cho hay, đây là một trong những khu vực có diện tích rừng tự nhiên liên tục rộng lớn nhất ở Việt Nam và chỉ còn thấy tồn tại ở một số khu vực dọc biên giới Việt-Lào. Đặc biệt khu vực này còn bảo tồn được một diện tích lớn kiểu rừng nhiệt đới thường xanh còn tính chất nguyên sinh trên vùng đất thấp; kiểu rừng này đã trở nên rất hiếm ở Việt Nam do bị tác động mạnh và đã bị thu hẹp ở các vùng khác và là một trong những khu vực có giá trị cao về đa dạng sinh học của dãy Trường Sơn, được nhiều tổ chức Quốc tế về bảo tồn thiên nhiên đánh giá cao.
Một cây lớn nằm trong khu vực Khu dự trữ thiên nhiên Động Châu – Khe Nước Trong (ảnh Thành Long) |
Tại khu rừng nhiệt đới nguyên sinh, theo số liệu điều tra bước đầu đã thống kê thống kê được 1.030 loài, trong 599 chi, thuộc 144 họ trong 5 ngành thực vật bậc cao có mạch, trong đó có 36 loài có nguy cơ bị tuyệt chủng được ghi trong Sách Đỏ Việt Nam. So với các khu vực bảo tồn và vườn quốc gia khác ở Việt Nam thì độ phong phú của các loài động vật ở Khu dự trữ thiên nhiên Động Châu – Khe Nước Trong còn rất cao.
Ông Bạch Thanh Hải cho hay, đơn vị có chức năng giúp Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện trách nhiệm quản lý, bảo vệ, phát triển rừng đặc dụng; bảo tồn thiên nhiên, phát huy giá trị đa dạng sinh học, nguồn gen sinh vật, mẫu chuẩn hệ sinh thái, giá trị văn hóa, lịch sử; nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế, cứu hộ và phát triển sinh vật; giáo dục nâng cao nhận thức môi trường và cung ứng dịch vụ môi trường rừng; phát triển du lịch sinh thái theo quy định của pháp luật thuộc phạm vi được giao quản lý.
Theo đại diện Ban Quản lý rừng phòng hộ Động Châu, với tổng diện tích 22.128,06 ha thuộc 26 tiểu khu có tổng chiều dài trên 60 km với địa hình đồi núi hiểm trở và phức tạp, do đó khu vực này được bố trí 05 trạm bảo vệ rừng và 06 tổ, chốt nằm sâu trong rừng bảo vệ rừng tại góc, với lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng là 23 người, như vậy bình quân mỗi trạm, tổ, chốt bình quân 02 người. Lực lượng bảo vệ rừng tại khu vực này rất vất vả, hầu hết thời gian trực, tuần tra ở trong rừng, thời gian nghĩ hầu như không có, bình quân mỗi người được nghĩ 4 ngày/ tháng.
Chính vì lý do đó, công tác bảo vệ rừng ở đây còn rất vất vả, điều kiện giao thông hiểm trở, thông tin liên lạc hạn chế, lực lượng mỏng, bà con dân bản còn chưa hiểu hết tầm quan trọng của rừng nên hay khai thác gỗ chính là những điểm mấu chốt trong công tác quản lý bảo vệ rừng nơi đây.
Khó khăn trong công tác bảo vệ rừng
Chia sẻ về những nỗi vất vả, anh Phạm Văn Hòa nhân viên bảo vệ rừng Khu Dự trữ thiên nhiên Động Châu – Khe Nước cho biết, anh cùng các đồng nghiệp được phân công quản lý gần 22.000ha rừng. Hàng ngày để bám rừng, anh cùng đồng nghiệp phải thường xuyên di chuyển gần 30km đường rừng để tuần tra, trong địa phận được giao phụ trách, lực lượng bảo vệ rừng đếm từng cái cây ngọn cỏ đảm bảo sự phát triển cho cánh rừng nguyên sinh giữa đại ngàn Trường Sơn.
Vừa nhâm nhi li trà chiều bên "chốt Ngôi Mộ", anh Hòa bộc bạch, nhiều người bỏ việc đã để lại áp lực rất lớn cho những người ở lại. Trong năm vừa rồi có 2,3 đồng chí vì đồng lương quá thấp nghỉ việc để làm việc khác thu nhập ổn định hơn, từ chỗ đang thiếu nay chúng tôi thành yếu hẳn về nguồn nhân lực.
Cùng chung nỗi khó khăn, anh Vương Ngọc Thuyết– Trạm trưởng trạm Bảo vệ rừng Cầu Khỉ, Khu Dự trữ thiên nhiên Động Châu – Khe Nước Trong cho hay, lực lượng như vậy khi có sự việc xảy ra thì điện cho công an, biên phòng, kiểm lâm hoặc là điện lực lượng cơ động của cơ quan lên đến nơi thì rất mất thời gian vì địa hình nằm sâu giữa rừng.
"Đến thời điểm hiện tại dù đã gần tháng thứ năm của năm 2022, tuy nhiên anh em bảo vệ rừng vẫn chưa nhận được tiền lương từ đơn vị, ai nấy cũng mong ngóng lương về để gửi cho gia đình, phần nào anh em còn yên tâm công tác"- anh Thuyết cho hay
Lực lượng bảo vệ rừng tuần tra kiểm soát với lực lượng mỏng, mỗi tổ chỉ có 2 người (ảnh: Thành Long) |
“Lương chậm do đó ảnh hưởng đến việc sinh hoạt của nhiều nhân viên bảo vệ rừng, đã khó khăn lại càng khó khăn thêm. Để có thể đảm bảo một phần cuộc sống nhiều tổ, chốt phải tăng gia, sản xuất giữa rừng như trồng rau, bắt cá, tôm tại các suối gần đó. Rồi thuốc men, phòng đau ốm lúc giữa rừng nhiều thứ khác phải cần mua sắm cá nhân để tiếp tục hoàn thành công việc được giao”- anh Thuyết bộc bạch.
Chia sẻ với PV Vuasanca , ông Bạch Thanh Hải cho biết, nguồn kinh phí thường cấp từ trung ương về rất là chậm, có năm thì chậm có khi 3 tháng, 6 tháng có giai đoạn đến cả năm. Trong năm những năm qua, với sự yêu ngành, yêu nghề và tâm huyết của lực lượng này đã thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ rừng, động vật rừng, tuy nhiên đây chỉ là giải pháp mang tính tạm thời trước mắt, về lâu dài cần có giải pháp để bỗ sung lực lượng đảm bảo theo quy định để thực hiện mang tính bền vững trong việc bảo vệ phát triển rừng, bảo vệ đa dạng sinh học khu rừng đặc dụng này là nhiệm vụ trọng tâm của Khu dự trữ thiên nhiên.
Một chốt nhỏ, sơ sài của lực lượng bảo vệ rừng nằm giữa rừng khu vực giáp biên giới Lào (ảnh Thành Long) |
Chia sẻ về những nổi vất vả của lực lượng làm công tác bảo vệ rừng ông Đặng Minh Hùng– Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Bình cho biết, lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách bị áp lực về diện tích, tiền lương đôi lúc trả chậm và lương thì thấp, bình quân từ 4,5 – 5 triệu, do đó ảnh hưởng tới tâm lý cũng như nhiệt tình trong công tác bảo vệ rừng.
Từ đầu năm đến nay đã có gần 30 nhân viên bảo vệ rừng bỏ việc, kiểm lâm địa bàn còn thiếu khoảng gần 20 chỉ tiêu. Dù đã triển khai nhiều biện pháp, giải pháp nhưng lao động giữ rừng vẫn “thiếu trước hụt sau”. Nếu không kịp thời điều chỉnh cơ chế chính sách để phù hợp với nhu cầu thực tế thì vấn đề nhân lực giữ rừng vẫn là một câu chuyện dài chưa có hồi kết không chỉ riêng tại Quảng Bình. |