Quảng Nam: Chuyển đổi số - kim chỉ nam cho khởi nghiệp sáng tạo
Cơ hội và thách thức
Quảng Nam hiện thuộc nhóm đầu trong số các tỉnh thành triển khai chương trình khởi nghiệp sáng tạo của Chính phủ. Hàng trăm dự án khởi nghiệp, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo đã ra đời trong thời gian này. Đặc biệt, ngày càng nhiều dự án khởi nghiệp áp dụng chuyển đổi số đã tạo dấu ấn không chỉ trong tỉnh, mà còn gây ấn tượng trong toàn quốc.
Việc chuyển đổi số mang lại nhiều tiện ích cho doanh nghiệp trong việc vận hành và thương mại hoá sản phẩm. Tuy nhiên, chuyển đổi số vẫn đặt ra nhiều thách thức cho các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp khởi nghiệp ở Quảng Nam khi mới chỉ ở giai đoạn khởi đầu. Độ rủi ro rất cao khi các bạn startup vừa phải phát triển sản phẩm và vừa phải phát triển thị trường.
Bắt đầu khởi nghiệp với trái nhàu, chị Bùi Thị Tuyết Nhung (phường An Phú, TP. Tam Kỳ) - chủ thương hiệu Bestone cho biết, cơ sở chị đã áp dụng chuyển đổi số trong vận hành, quản lý và thương mại hoá sản phẩm. “Đơn vị đã tiến hành thương mại sản phẩm trên tất cả các kênh thương mại điện tử, trên websize, facebook, zalo, shopee… Ngoài ra, cơ sở cũng áp dụng chuyển đổi số vào trong quản lý nhân viên, sản phẩm tồn kho qua các phần mềm theo dõi. Các dữ liệu đều được lưu trữ trên hệ thống đám mây”, chị Nhung cho hay.
Dự án khởi nghiệp Bestone của chị Bùi Thị Tuyết Nhung đã áp dụng chuyển đổi số trong vận hành, quản lý và thương mại hoá sản phẩm |
Chị Nhung cũng chia sẻ thêm, trong quá trình chuyển đổi số nhất là về thương mại điện tử, đối với doanh nghiệp khởi nghiệp vẫn còn gặp khó khăn về kinh phí. Không đơn giản chỉ là đưa sản phẩm lên các nền tảng mà mình còn phải chăm sóc, có đội ngũ truyền thông, marketing để duy trì, mở rộng thị trường…
Ông Trần Quốc Bảo - Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Quảng Nam cho rằng, đối với doanh nghiệp, chuyển đổi số là một câu chuyện khó về quy mô, tính chất của doanh nghiệp, nhất là đối với các doanh nghiệp khởi nghiệp. “Đối với doanh nghiệp lớn họ sẽ tập trung cải thiện về các thủ tục hành chính liên quan đến quản trị điều hành, còn những doanh nghiệp khởi nghiệp, nhỏ và vừa thì mức độ để tiếp cận chuyển đổi số mới chỉ mang tính chất sơ khai. Nghĩa là sử dụng công nghệ để quảng bá hình ảnh và bán hàng, còn để quản trị thì hiện nay chỉ có doanh nghiệp lớn”, ông Bảo nhìn nhận.
Hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp chuyển đổi số
Theo Sở Khoa học & Công nghệ tỉnh Quảng Nam, chuyển đổi số là quá trình thay đổi mô hình doanh nghiệp truyền thống sang mô hình doanh nghiệp số trong các phương thức điều hành, quy trình làm việc và văn hóa lao động… Quá trình chuyển đổi số được bắt đầu từ chính những nhu cầu và mục tiêu kinh doanh của doanh nghiệp.
“Thời gian qua, Quảng Nam đã tổ chức các hoạt động tư vấn, giới thiệu, kết nối các doanh nghiệp có nhu cầu, đặc biệt là các doanh nghiệp khởi nghiệp với các doanh nghiệp cung cấp giải pháp chuyển đổi số để triển khai các giải pháp nền tảng. Hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng thương mại điện tử điển hình, tham gia các sàn thương mại điện tử, website có chức năng thương mại điện tử, kết nối, liên kết với các sàn giao dịch kết nối cung - cầu theo từng ngành/lĩnh vực...”, ông Phạm Ngọc Sinh - Phó Giám đốc Sở Khoa học Công nghệ tỉnh Quảng Nam cho hay.
Quảng Nam hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số |
Theo ông Hồ Quang Bửu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, địa phương sẽ hỗ trợ hợp tác xã, doanh nghiệp nhỏ và vừa, đặc biệt là các dự án khởi nghiệp sáng tạo trong việc thực hiện chuyển đổi số nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, nâng cao năng lực và lợi thế cạnh tranh, tạo ra các giá trị mới cho doanh nghiệp, góp phần phát triển kinh tế số trên địa bàn tỉnh.
“Tỉnh Quảng Nam sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức về chuyển đổi số doanh nghiệp, triển khai các khóa tập huấn, đào tạo về chuyển đổi số cho doanh nghiệp, cộng đồng startup. Tổ chức đào tạo chuyên sâu theo quy mô, giai đoạn, lĩnh vực, nền tảng chuyển đổi số cụ thể. Cùng với đó, tỉnh Quảng Nam sẽ tìm kiếm, đánh giá, lựa chọn các doanh nghiệp tiềm năng, ưu tiên lĩnh vực sản xuất, chế biến, nông nghiệp, du lịch… để hỗ trợ chuyển đổi số”, ông Bửu nhấn mạnh.
Tỉnh Quảng Nam đặt ra mục tiêu đến năm 2025, có tối thiểu 1.000 lượt doanh nghiệp hợp tác xã, hộ kinh doanh được tham gia các hội thảo, khóa đào tạo, tập huấn để nâng cao nhận thức về chuyển đổi số. Phấn đấu 40% doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh ứng dụng các hình thức thương mại điện tử, 50% doanh nghiệp có website riêng để quảng bá thương hiệu, sản phẩm. Hỗ trợ tối thiểu 100 doanh nghiệp thử nghiệm các nền tảng số để chuyển đổi số. |