Quảng Nam: Đề xuất nhiều giải pháp để thúc đẩy sản xuất kinh doanh
Doanh nghiệp gặp khó
Theo Công ty Cổ phần Tập đoàn Trường Hải (THACO), kinh tế trong và ngoài nước đã trải qua khó khăn nhiều năm liên tiếp và dự báo sẽ tiếp tục duy trì đà suy thoái trong năm tới, khiến cho các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước nói riêng phải gồng mình chống đỡ trong những năm qua đến nay hầu như đã cạn kiệt. Đặc biệt, về nguồn lực tài chính, thể hiện qua lượng tồn kho vật tư linh kiện và xe thành phẩm tăng cao.
THACO trong năm 2023, hiện trạng kinh tế khó khăn đã tác động mạnh đến nhu cầu mua sắm nói chung, trong đó thị trường ô tô đã chứng kiến sự suy giảm mạnh, dự kiến doanh số bán ô tô năm 2023 đạt 330.026 xe, giảm 24% so với năm 2022, và thậm chí thấp hơn so với giai đoạn đại dịch năm 2020 và 2021 (lần lượt 362.628 xe và 344.127 xe).
Năm 2023, thị trường ô tô suy giảm mạnh, THACO dự kiến doanh số bán ô tô đạt 330.026 xe, giảm 24% so với năm 2022 |
“Bước sang năm 2024, nếu không có các chính sách kích cầu mua sắm, lượng hàng tồn kho dự báo sẽ tiếp tục tăng, làm phát sinh hàng loạt chi phí như: Chi phí lưu kho, chi phí bảo quản xe thành phẩm, chi phí sửa chữa/bảo dưỡng xe lưu kho, khiến doanh nghiệp khó có thể duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh”, THACO thông tin.
Cục Thuế tỉnh Quảng Nam cho biết, năm 2023, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) năm 2023 của tỉnh giảm 8,25% so với năm 2022, mức giảm nhiều nhất từ khi tái lập tỉnh (năm 1997) đến nay; thu ngân sách giảm hơn so với cùng kỳ năm 2022. “Nguyên nhân chính chủ yếu do thu từ ô tô Trường Hải chỉ đạt 92,3% dự toán, bằng 68,3% cùng kỳ và thu tiền sử dụng đất chỉ đạt 83,1% dự toán, bằng 73,2% cùng kỳ”, ông Nguyễn Văn Tiếp – Cục trưởng Cục Thuế Quảng Nam thông tin và cho biết thêm thu từ ô tô Trường Hải và thu tiền sử dụng đất là hai nguồn thu lớn, chiếm tỷ trọng hơn 68% tổng thu nội địa của tỉnh.
Nhiều kiến nghị để thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh
Để có những giải pháp hỗ trợ kịp thời, thiết thực nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trong năm 2024, mới đây THACO đề xuất Tỉnh ủy, UBND tỉnh Quảng Nam xem xét, kiến nghị với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ bổ sung các chính sách hỗ trợ có tính đột phá trong Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 (như đã thực hiện trong giai đoạn 2020 - 2023) nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân để thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh trong nước.
Cụ thể, giảm 50% lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước thêm một khoảng thời gian phù hợp. Gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước năm 2024.
“Trước dự báo tình hình kinh tế - xã hội năm 2024 vẫn còn khó khăn, để các chính sách mới thực sự phát huy hết hiệu quả, kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp duy trì và phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh, các chính sách cần sớm được ban hành áp dụng từ quý I/2024”, THACO đề xuất.
Với Cục Thuế tỉnh Quảng Nam, để tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng và tăng thu cho ngân sách, Cục Thuế đề xuất UBND tỉnh Quảng Nam kiến nghị Chính phủ tiếp tục chính sách gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất năm 2024. Tiếp tục chính sách giảm thuế suất thuế giá trị gia tăng một số nhóm mặt hàng có thuế suất 10% từ ngày 01/7/2024 đến hết năm 2024. Giảm 30% tiền thuê đất năm 2024 đối với hình thức thuê đất trả tiền hàng năm.
Cục Thuế đề xuất tiếp tục chính sách gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất năm 2024 |
Sửa đổi quy định về hoàn thuế giá trị gia tăng dự án đầu tư theo hướng tạo điều kiện thuận lợi hơn để doanh nghiệp thực hiện. Trong đó cần quy định cụ thể đối với hoàn thuế giá trị gia tăng dự án đầu tư mở rộng.
Ngoài ra, đưa một số nhóm mặt hàng như: Phân bón, tàu đánh bắt xa bờ, dịch vụ phục vụ nông nghiệp, vào đối tượng chịu thuế giá trị gia tăng, thuế suất 5% để giảm chi phí thuế trong giá thành sản phẩm.
Tiếp tục thực hiện chính sách gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt và giảm mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước. Chính sách này đem lại hiệu quả trong các năm qua. Năm 2023, thời điểm chưa có chính sách, sản lượng ô tô du lịch tiêu thụ bình quân một tháng 3.000 xe, thuế tiêu thụ đặc biệt phát sinh bình quân một tháng là 390 tỷ đồng; kể từ khi có chính sách, sản lượng ô tô tiêu thụ bình quân một tháng hơn 5.500 xe, thuế tiêu thụ đặc biệt phát sinh bình quân một tháng là 880 tỷ đồng.
Hơn nữa, Chính phủ sớm sửa đổi Nghị định số 44/2014/NĐ-CP quy định về giá đất, trong đó cần có quy định cụ thể đối với đất thương mại, dịch vụ, đất sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp không phải là đất thương mại, dịch vụ có phân vạch chiều sâu để phù hợp với thực tiễn hơn. Chính phủ cần sửa đổi Nghị định số 96/2019/NĐ-CP, đối với những khu đất chỉ để phục vụ cho thuê đất, thu hút đầu tư (như đất khu công nghiệp, cụm công nghiệp,...) thì nên quy định riêng mức giá đất phù hợp (thấp hơn mức đất ở) để thu hút đầu tư. Đồng thời, ssớm xem xét tháo gỡ các vướng mắc trong quá trình thực hiện các kết luận, kiến nghị của kiểm toán nhà nước để có thể thực hiện dứt điểm.
“Chính phủ sớm có các giải pháp cấp bách liên quan đến việc tăng khả năng tiếp cận thị trường, tiếp cận vốn cho doanh nghiệp, người dân, nhằm phục hồi nhanh chóng hoạt động sản xuất kinh doanh, đặc biệt là các doanh nghiệp hoạt động kinh doanh bất động sản”, Cục Thuế tỉnh Quảng Nam kiến nghị.
Sau khi xem xét đề nghị của Cục Thuế tỉnh, mới đây UBND tỉnh Quảng Nam đã giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan nghiên cứu nội dung đề xuất các giải pháp hỗ trợ, thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp nhằm tăng thu ngân sách nhà nước của Cục Thuế tỉnh; rà soát, kiểm tra, tổng hợp, tham mưu UBND tỉnh xem xét, đề xuất Chính phủ theo đúng quy định. |