Lên phương án chủ động nguồn hàng
Theo đó, hàng hóa phục vụ cho dịp Tết Nguyên đán đã được các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh chuẩn bị với số lượng lớn để phục vụ kinh doanh Tết như các mặt hàng bánh, mứt, kẹo; thực phẩm đóng gói, đóng hộp; bia, rượu, nước giải khát; hàng tiêu dùng khác, lương thực, thực phẩm…
Theo đánh giá của Sở Công Thương Quảng Ngãi, hàng hóa phục vụ cho Tết Tân Sửu dồi dào, các mặt hàng tiêu dùng phục vụ Tết phong phú, nhiều chủng loại, bao bì đẹp; giao thông thông suốt, thuận lợi cho việc lưu thông hàng hóa đến các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; hạ tầng thương mại nông thôn đang được đầu tư phát triển với nhiều loại hình phong phú như: Chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi, điểm bán hàng cố định,…
Đại diện Phòng Quản lý thương mại- Sở Công Thương Quảng Ngãi cho biết, đơn vị cũng đã có văn bản yêu cầu các doanh nghiệp có quy mô lớn trên địa bàn tỉnh như: Công ty TNHH Một thành viên Thương mại Sài Gòn – Quảng Ngãi, Công ty Cổ phần dịch vụ thương mại tổng hợp Vincommerce – Chi nhánh Vinmart Quảng Ngãi, Chi nhánh Công ty Cổ phần EB Hải Phòng tại Quảng Ngãi, Siêu thị Quảng Ngãi – Chi nhánh DNTN sách Thành Nghĩa... chủ động có kế hoạch chuẩn bị nguồn hàng dự trữ, đảm bảo về chất lượng và tham gia điều tiết, bán hàng bình ổn khi có hiện tượng khan hàng, tăng giá đột biến theo yêu cầu của Sở Công Thương.
Nguồn hàng dồi dào, đa dạng về chủng loại và mẫu mà |
Ông Đỗ Tiến Đạt- Phó Giám đốc Sở Công Thương Quảng Ngãi cho biết, song song với việc theo dõi, dự báo tình hình thị trường, cung cầu lưu thông hàng hóa; xây dựng kế hoạch thực hiện công tác bình ổn thị trường, Sở Công Thương Quảng Ngãi cũng đã kịp thời chỉ đạo các phòng chức năng, đơn vị trực thuộc Sở tăng cường thực hiện các giải pháp đảm bảo thực hiện tốt công tác bình ổn thị trường. Chủ động dự báo tình hình cung - cầu, lưu thông hàng hóa, phối hợp với Sở Tài chính, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Sở Thông tin và truyền thông, Cục Quản lý thị trường làm việc với các doanh nghiệp, ban hành Kế hoạch thực hiện công tác bình ổn thị trường dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu năm 2021 trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi.
Ngoài ra, đẩy mạnh triển khai các hoạt động thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” và tổ chức chuyến hàng Đưa hàng Việt về nông thôn. UBND tỉnh Quảng Ngãi cũng đã xây dựng 09 điểm bán hàng Việt tại các huyện: Bình Sơn, Trà Bồng, Ba Tơ, Sơn Hà, Sơn Tịnh, Mộ Đức, Sơn Tây, Minh Long và Đức Phổ; xây dựng 02 Điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP tại thành phố Quảng Ngãi và Mộ Đức đã góp phần phân phối nguồn hàng đến với nhân dân trên địa bàn tỉnh. Theo đánh giá, chương trình Đưa hàng Việt về nông thôn về các vùng sâu, vùng xa khu công nghiệp, vùng bị ảnh hưởng bão lũ, thiên tai với nguồn hàng giá cả hợp lý, chất lượng đảm bảo.
Tuy nhiên, theo nhận định do ảnh hưởng của dịch Covid-19 và thiên tai, bão lũ nên tình hình kinh tế khó khăn, đời sống của người dân bị ảnh hưởng nên sức mua dự kiến không cao so với Tết nguyên đán Canh Tý năm 2020. Đặc biệt, ảnh hưởng của bão số 9 (Molave) nên sản lượng rau củ giảm đã tác động đến nguồn cung tại địa bàn, giá cả của các mặt hàng này cao hơn so với khi trước lũ do thiếu hụt nguồn cung.
Tăng cường kiểm tra kiểm soát, bình ổn thị trường hàng hóa
Theo đại diện Sở Công Thương Quảng Ngãi, công tác kiểm tra, kiểm soát được Sở triển khai chủ động thông qua việc phối hợp với Cục Quản lý thị trường (Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo 389 tỉnh Quảng Ngãi) và các lực lượng chức năng tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả…theo chỉ đạo của UBND tỉnh Quảng Ngãi.
Sở Công Thương cũng phối hợp với các đơn vị liên quan, các doanh nghiệp trong việc triển khai các hoạt động kết nối tiêu thụ, kết nối cung cầu, hội chợ và các hoạt động liên quan về thị trường, giá cả trong dịp Tết nhằm để bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường hàng hóa dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu năm 2021.
Theo Sở Công Thương Quảng Ngãi dự báo, khoảng đầu tháng 12 âm lịch trở đi và những ngày cận Tết, dòng tiền ngoại tệ từ Việt kiều tại nước ngoài gửi về, lượng tiền do bà con nhân dân làm ăn ở các địa phương khác (thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng…) mang về và tiền thưởng cuối năm từ doanh nghiệp, nhu cầu mua sắm phục vụ Tết sẽ tăng mạnh, giá cả hàng hóa sẽ tăng nhẹ theo.
Tuy nhiên, nguồn hàng hàng vẫn đảm bảo cung ứng nhu cầu mua sắm của nhân dân trên địa bàn, do doanh nghiệp phân phối đã có chuẩn bị, dự trữ hàng hóa, lưu thông đia lại thông suốt. Đặc biệt, một số chính sách hỗ trợ người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, người có công với cách mạng… được Nhà nước quan tâm chăm lo, hỗ trợ bằng các hiện vật: gạo, các mặt hàng thiết yếu khác…cũng góp phần bình ổn thị trường.
Khách hàng lựa chọn sản phẩm mứt Tết tại Co.opmart Quảng Ngãi |
Trao đổi với PV Vuasanca , ông Lê Hồng Ca Giám đốc Co.opmart Quảng Ngãi cho hay, đơn vị đã lên phương án, kế hoạch tập trung xây dựng vào các tháng Trước Tết nguyên đán, đợt cao điểm kinh doanh sẽ dồn vào 2 tháng trước Tết âm lịch. Tại Co.opmart Quảng Ngãi lượng hàng hóa phục vụ cho nhu cầu mua sắm của người dân đến hiện tại đã nhập được 40-45% chỉ tiêu, hàng Việt năm nay mẫu mã đa dạng và bắt mắt, kích thích thị hiếu người mua. Đồng thời, nguồn hàng đảm bảo đầy đủ, Co.opmart Quảng Ngãi cũng tập trung các chương trình khuyến mãi, giảm giá kích cầu người tiêu dùng. Các mặt hàng quà tết, bánh kẹo, giỏ hàng được chú trọng. Đặc biệt, các nhóm hàng chăm sóc nhà cửa, quần áo, đồ dùng sinh hoạt.. năm nay cũng được quan tâm.
“Theo tính toán sản lượng tiêu thụ hàng hóa năm nay sẽ giảm từ 5-7%, nguyên nhân là do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19 và thiên tai tác động, dẫn đến kinh tế của các hộ gia đình sẽ eo hẹp đi nên nhu cầu mua sắm cũng giảm theo”- ông Ca cho hay
Được biết, từ ngày 15- 24/01/2021 diễn ra Hội chợ Xuân Quảng Ngãi với quy mô dự kiến 300 gian hàng với các ngành hàng như: Gỗ mỹ nghệ, đá mỹ nghệ, thực phẩm công nghệ, hàng tiêu dùng - gia dụng, điện gia dụng, sản phẩm dệt may, giày dép,...