Quảng Ninh đẩy mạnh các giải pháp phòng ngừa tai nạn lao động
Tai nạn lao động vẫn “nóng”
Số liệu thống kê trong năm 2018, khu vực có quan hệ lao động trên địa bàn tỉnh Quảng ninh đã xảy ra 576 vụ tai nạn lao động (TNLĐ) làm 588 người bị nạn, trong đó có 24 người chết; 367 người bị thương và số người bị thương nhẹ là 197 người. Nếu so với năm 2017 thì tổng số vụ TNLĐ tăng 24 vụ (+ 4,3%); tổng số nạn nhân tăng 09 người (+1,6%); số người bị thương nhẹ giảm 18 người (-8,4%); số người bị thương nặng tăng 29 người (+8,6%); số vụ TNLĐ chết người giảm 02 vụ (-8%); số người chết giảm 02 người (-7,7%).
Lao động ngành Than – Khoáng sản – ngành tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn lao động – đã được trang bị đầy đủ kiến thức và trang bị bảo hộ lao động |
Phân tích số liệu cho thấy, các vụ tai nạn chết người năm 2018 vẫn xảy ra nhiều nhất ở ngành khai thác, chế biến khoáng sản (than) để xảy ra 16 vụ, chiếm 50%, làm chết 16 người, chiếm 47,1%. Tiếp đến là ngành xây dựng xảy ra: 09 vụ, chiếm 28,2%, làm chết 10 người, chiếm 29,5%. Giảm dần số vụ là ở lĩnh vực cơ khí, chế tạo, đóng tàu xảy ra 03 vụ, chiếm 9,4%, làm chết 04 người, chiếm 11,8%;…
Với khu vực làm việc không theo hợp đồng lao động, năm 2018 trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 13 vụ TNLĐ làm 15 người bị nạn, trong đó có 12 vụ TNLĐ chết người, làm chết 13 người. So với năm 2017, tổng số vụ TNLĐ chết người không theo hợp đồng lao động giảm 06 vụ, số người chết giảm 06 người. Các vụ TNLĐ chủ yếu xảy ra trong lĩnh vực thi công xây dựng công trình.
Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh hiện có 11 KCN, trong đó 5 KCN đã đi vào hoạt động với trên 24.000 lao động. Theo thống kê của Ban quản lý KCN tỉnh, trong số trên 50 dự án thứ cấp đã đi vào hoạt động có gần một nửa các đơn vị thuộc ngành nghề có nguy cơ cao về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.
Phân tích nguyên nhân, đưa ra giải pháp
Quá trình điều tra, phân tích, kết luận từ các vụ TNLĐ, cơ quan chức năng chỉ ra nhiều nguyên nhân do lỗi của người lao động và người sử dụng lao động. Trong đó, nhóm các nguyên nhân chính, gồm: Trình độ, kinh nghiệm, tác phong công nghiệp của công nhân còn hạn chế, thiếu thận trọng trong thao tác; chưa chấp hành nghiêm túc nội quy kỷ luật lao động; chủ quan, vi phạm quy trình, quy định kỹ thuật an toàn; sự phối hợp công việc trong nhóm thợ chưa tốt dẫn đến tai nạn cho bản thân và đồng đội.
Đặc biệt, công tác tuyên truyền, giáo dục, huấn luyện an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) chưa hiệu quả trong khi công tác lập, duyệt hồ sơ kỹ thuật, hộ chiếu, biện pháp thi công, biện pháp kỹ thuật an toàn chưa đảm bảo; chưa dự báo hết các nguy cơ có thể xẩy ra TNLĐ để lập các biện pháp phòng tránh và chỉ đạo tổ chức thực hiện.
Riêng tại các KCN, nguyên nhân được chỉ rõ là do người sử dụng lao động tại một số doanh nghiệp chưa thực sự quan tâm, chú trọng đầu tư cho công tác ATVSLĐ; bộ máy làm công tác ATVSLĐ ở một số doanh nghiệp hoạt động chưa hiệu quả trong khi lực lượng lao động tại đây phần nhiều chưa có tác phong công nghiệp, làm tăng nguy cơ xảy ra tai nạn lao động.
Để đảm bảo môi trường làm việc an toàn, chủ động phòng ngừa và hạn chế đến mức thấp nhất số vụ TNLĐ xảy ra trên địa bàn tỉnh, tỉnh Quảng Ninh đã nghiêm túc đánh giá, phân tích tất cả các vụ TNLĐ, sự cố trong sản xuất xảy ra, từ đó phổ biến, rút kinh nghiệm rộng rãi trong toàn tỉnh để chủ động đưa ra giải pháp khắc phục ngay từ đầu năm 2019.
Cụ thể, UBND tỉnh Quảng Ninh yêu cầu các sở, ban, ngành, địa phương, doanh nghiệp quan tâm nghiên cứu, quán triệt, tuyên truyền, phổ biến và tổ chức thực hiện nghiêm chỉnh các quy định của pháp luật, trong đó chú trọng Chương trình hành động số 21-Ctr/TU ngày 05/12/2013 của Tỉnh ủy, Kế hoạch số 1266/KH-UBND ngày 18/3/2014 của Ủy ban nhân dân tỉnh về đẩy mạnh công tác ATVSLĐ trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế; Chỉ thị số 12/CT-UBND ngày 06/10/2017 của Ủy ban nhân dân tỉnh V/v chấn chỉnh công tác quản lý nhà nước, đảm bảo AT-VSLĐ trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh.
Đặc biệt tiếp tục xác định mức độ quan tâm, ưu tiên, tập trung các biện pháp quản lý AT-VSLĐ đối với 02 lĩnh vực tiềm ẩn nhiều nguy cơ xảy ra TNLĐ trên địa bàn tỉnh là khai thác khoáng sản và xây dựng.
Với các doanh nghiệp, tỉnh Quảng Ninh yêu cầu tiếp tục, đổi mới, thực hiện có hiệu quả công tác tuyên truyền, huấn luyện về AT-VSLĐ để mọi người cùng nhận thức, ý thức và tự giác thực hiện đúng quy trình, quy định an toàn. Nâng cao hiệu quả công tác tự kiểm tra; triển khai nghiêm túc việc kiểm tra, kiểm soát các yếu tố nguy hiểm, có hại trong sản xuất; tổ chức đánh giá rủi ro để phát hiện và xử lý kịp thời các nguy cơ mất an toàn lao động. Quan tâm thực hiện tốt các chế độ, chính sách đối với người lao động, như: trang bị phương tiện bảo hộ lao động, khám sức khoẻ định kỳ, khám phát hiện bệnh nghề nghiệp, tổ chức tham quan, nghỉ mát, điều dưỡng, ăn ca, bồi dưỡng độc hại, bồi thường, trợ cấp TNLĐ, bệnh nghề nghiệp cho người lao động…
Riêng các doanh nghiệp trong các KCN, Ban quản lý KCN Quảng Ninh chủ động phối hợp với các ngành liên quan để thống nhất chỉ đạo, triển khai công tác ATVSLĐ, như: Tổ chức “Tuần lễ ATVSLĐ-PCCN”, “Tháng hành động về ATVSLĐ” hằng năm; các lớp tập huấn, hội nghị chuyên đề tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật lao động cho người sử dụng lao động và người lao động trong các doanh nghiệp… Đồng thời, tăng cường phối hợp trong thanh tra, kiểm tra, điều tra TNLĐ; kiên quyết đình chỉ hoặc thu hồi giấy phép, giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh đối với các cơ sở, doanh nghiệp vi phạm nghiêm trọng các quy định về ATVSLĐ theo quy định của pháp luật; xử lý các vụ TNLĐ nghiêm trọng có dấu hiệu hình sự.