Quốc hội xem xét miễn giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp
Tại diễn đàn Quốc hội, thảo luận, cho ý kiến về Tờ trình của Chính phủ về Nghị quyết miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp giai đoạn 2021 -2025, đa số đại biểu tán thành và nhấn mạnh sự cần thiết ban hành nghị quyết này nhằm hỗ trợ cho sản xuất nông nghiệp, thúc đẩy nông thôn phát triển.
Việc tiếp tục miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp đến hết năm 2025 sẽ không làm giảm thu ngân sách Nhà nước do đây là chính sách đang được thực hiện trên thực tế. Với số thuế được miễn khoảng 7.500 tỷ đồng/năm sẽ tiếp tục là hình thức hỗ trợ trực tiếp cho tổ chức, cá nhân sản xuất nông nghiệp.
Phiên họp ngày 25/5/2020, Quốc hội thảo luận về chính sách miễn giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp |
Chính sách miễn, giảm thuế sử dụng là giải pháp có tác động lớn, quan trọng góp phần thực hiện chủ trương, quan điểm của Đảng và Nhà nước về nông nghiệp, nông dân, nông thôn trong từng thời kỳ; hỗ trợ trực tiếp người nông dân, khuyến khích tổ chức, cá nhân đầu tư vào nông nghiệp, nông dân, nông thôn.
Tuy nhiên, theo giải trình của Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng tại phiên thảo luận, đối với giai đoạn từ 2026 trở về sau, cần thiết phải có đánh giá tác động trong tổng thể các chính sách thuế liên quan đến bất động sản để đề xuất chính sách thuế chung đối với bất động sản bảo đảm phù hợp với tình hình kinh tế-xã hội và bảo đảm tính khả thi.
Việc tiếp tục thực hiện miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp được nhiều đại biểu Quốc hội đồng thuận cao. Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) cho rằng, điều này vừa thể chế đường lối của Đảng, thể hiện sự nhân văn của Nhà nước và có tác động tích cực thúc đẩy cá nhân, doanh nghiệp quan tâm đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, tăng tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất nông - lâm - thủy sản, đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp, tăng cường cạnh tranh sản phẩm của nông nghiệp nước ta với sản phẩm nông nghiệp ở các nước trong khu vực.
Còn đại biểu Nguyễn Hồng Vân (Phú Yên) cho rằng, việc này sẽ góp phần thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, nâng cao hơn nữa giá trị sản phẩm nông nghiệp, từ đó nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng.
Đại biểu Tạ Văn Hà (Bạc Liêu) phát biểu |
Bên cạnh đó ý kiến đại biểu cũng thẳng thắn cho rằng, rất cần nghiên cứu, đánh giá kỹ việc thu thuế đối với đất để hoang hóa khi nghiên cứu đề xuất, hoàn thiện chính sách pháp luật về đất đai nói chung và khi nghiên cứu đề xuất, hoàn thiện chính sách thuế liên quan đến đất đai nói riêng.
Như đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội) nhấn mạnh, vì đất đai không chịu thuế nên người ta vẫn cứ giữ đất để đấy, trong khi nhiều người khác đang cần đất thì lại không có đất để sản xuất. Như vậy không chỉ để lãng phí đất mà lại cản trở quá trình tích tụ đất đai cho xu hướng sản xuất nông nghiệp tập trung hóa.
Đại biểu Trần Thị Hoa Ry (Bạc Liêu) phân tích, thực tiễn cho thấy quy định miễn giảm này chưa được thực hiện một cách triệt để. Nếu cứ kéo dài Nghị quyết đơn thuần sẽ giống như một sự hợp thức hóa để tình trạng vi phạm pháp luật về sử dụng đất.
“Qua giám sát thực tiễn cho thấy, nhiều công ty thua lỗ, hiệu quả sản xuất không cao và đất đai chủ yếu là khoán trắng, phát canh, thu tô không quản lý, sử dụng mà chủ yếu là giao khoán. Cá biệt có những đơn vị, thu nhập chủ yếu của công ty là dựa vào hoạt động từ dịch vụ cho thuê này nhưng một số địa phương và tổng công ty vẫn trình phương án duy trì chuyển đổi mà chưa mạnh dạn đề xuất để giải quyết dứt điểm vấn đề này”, đại biểu Trần Thị Hoa Ry nói.