Ảnh minh họa.
CôngThương - Ông Nguyễn Viết Mạnh - Vụ trưởng Vụ Tín dụng Ngân hàng Nhà nước cung cấp thông tin trên tại Hội thảo giải pháp dòng tiền cho ngân hàng và doanh nghiệp do VCCI và Laisuat.vn tổ chức ngày 20/5.
Theo kế hoạch ban đầu, ngày 1/6 áp dụng Thông tư 02 - buộc các ngân hàng liệt thêm nhiều khoản tín dụng vào dạng nợ xấu, chi phí dự phòng rủi ro sẽ tăng vọt và bản thân doanh nghiệp càng khó tiếp cận vốn. Điều này cũng chấm dứt thời gian thực hiện Quyết định 780 của Ngân hàng Nhà nước về cơ cấu lại nợ cho doanh nghiệp.
Ông Mạnh cho hay, trước những kiến nghị của doanh nghiệp xin kéo dài hiệu lực Quyết định 780, Ngân hàng Nhà nước đang nghiên cứu theo phương án tiếp tục gia hạn. "Nếu dừng lại, các doanh nghiệp không đủ tiêu chuẩn để vay vốn sẽ càng gặp khó khăn hơn để tiếp cận vốn. Do đó, dù chưa có quyến định chính thức nhưng lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước đang nghiên cứu theo hướng này", ông Mạnh cho hay.
Bình luận về thông tin này, Tổng giám đốc Ngân hàng Đông Nam Á (SeaBank) Đặng Bảo Khánh cho rằng đây sẽ là "tin vui đối với doanh nghiệp". Ông Khánh cho biết hiện ngân hàng đã cơ cấu lại nợ khoảng hàng nghìn tỷ đồngcho doanh nghiệp và nếu không gia hạn quyết định này, ngân hàng cũng gặp khó khăn phần nào về việc tăng trích lập dự phòng. Tuy nhiên, sẽ chưa hẳn là tin tốt cho ngân hàng nếu việc cơ cấu nợ kéo dài mãi. "Nếu tiếp tục lâu thì có thể ảnh hưởng và gây những bất ổn về mặt hệ thống với ngành ngân hàng. Do đó, theo tôi quyết định này có thể gia hạn nhưng không thể tồn tại mãi được", ông Khánh chia sẻ.
Đến cuối tháng 4, tín dụng theo báo cáo mới nhất của Ngân hàng Nhà nước đã tăng trưởng 2,11%. Tuy nhiên, kết quả này vẫn còn xa nếu so với mục tiêu tăng trưởng tín dụng cả năm 12%.
Tín dụng tăng thấp, theo bà Phạm Thị Thu Hằng - Tổng thư ký VCCI - nguyên nhân chính không đến từ lãi suất hay sự gây khó dễ của ngân hàng mà là cầu thị trường và từ nội tại doanh nghiệp. Bà Hằng cho rằng năng lực quản trị dòng tiền của doanh nghiệp hiện rất yếu nên đầu ra càng khó khăn. "Nhiều doanh nghiệp cứ nói có rất nhiều tiền, nhiều tài sản nhưng thực sự sờ trong túi chỉ có bao diêm và gói thuốc lá", bà Hằng ví von để minh họa.
Tại buổi hội thảo, ông Nguyễn Viết Mạnh cho rằng dù ngân hàng chẳng khác nào "cầm lửa trên tay" khi huy động mà không cho vay được nhưng không thể đặt vấn đề hạ chuẩn. "Ngân hàng Nhà nước cho rằng có hệ lụy lớn đằng sau nên không thể hạ tiếp chuẩn để cho vay được", ông Mạnh thẳng thắn phát biểu.
Tiến sĩ Đặng Đức Sơn - Chủ tịch Viện quản trị tài chính AFC - cho rằng chính vì yếu trong quản trị dòng tiền nên doanh nghiệp, đặc biệt là vừa và nhỏ, không tự tin khi tiếp cận ngân hàng. Nhiều doanh nghiệp vẫn ngại nói thật với ngân hàng trong khi theo ông Sơn, điều này là tai hại. "Với ngân hàng, khả năng sinh lời của một dự án là yếu tố nhưng quan trọng hơn là khả năng quay vòng vốn để trả nợ, do đó họ quan tâm rất nhiều tới dòng tiền vào ra của doanh nghiệp", ông Sơn phân tích. Tuy nhiên, ông dẫn chứng: "Báo cáo lưu chuyển tiền tệ tại nhiều doanh nghiệp lập chỉ làm hình thức. 60% kế toán sau khi lập xong không biết phân tích dòng tiền".