CôngThương - Hơn 6 năm qua, việc thi hành Luật Điện lực đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Công tác quy hoạch điện lực quốc gia, quy hoạch điện ở địa phương, các giai đoạn được lập và phê duyệt đúng trình tự, thủ tục. Trong đầu tư phát triển điện, bước đầu đã thu hút được nhà đầu tư thuộc mọi thành phần kinh tế trong và ngoài nước tham gia. Chủ trương tiết kiệm điện năng được nghiêm túc quán triệt và triển khai thực hiện ở tất cả các khâu: phát điện, truyền tải điện, phân phối điện, kinh doanh điện... Cơ chế, chính sách về giá điện được thực hiện theo hướng có sự điều tiết của Nhà nước. Có cơ chế bù giá hợp lý giữa các nhóm khách hàng, đặc biệt đối với nhóm khách hàng là người nghèo, người có thu nhập thấp. Hoạt động cấp phép được triển khai đồng bộ trên phạm vi toàn quốc. Các quy định về thị trường điện tại Chương IV của Luật điện lực là cơ sở pháp lý quan trọng, để triển khai việc chuyển các hoạt động điện lực sang cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Bên cạnh những kết quả tích cực, trong quá trình thực thi luật đã xuất hiện không ít khó khăn, bất cập, nhất là về giá điện. Việc điều chỉnh giá bán điện chưa bảo đảm tính kịp thời so với sự biến động của các yếu tố đầu vào hình thành giá. Giá bán điện bình quân càng ngày càng thấp hơn so với giá thành sản xuất kinh doanh điện. Giá điện không đáp ứng được yêu cầu giảm rủi ro cho doanh nghiệp sản xuất điện; kém hấp dẫn các thành phần kinh tế đầu tư vào sản xuất xuất điện và hệ thống lưới truyền tải... Ngoài ra, khi thực hiện theo cơ chế thị trường, giá điện luôn biến động, không thể bất biến trong một thời gian dài nên việc giao cho Thủ tướng Chính phủ phê duyệt biểu giá bán lẻ theo Luật Điện lực hiện hành không còn phù hợp với thực tế.
Trên thế giới có nhiều nước điều chỉnh giá điện hàng năm hoặc hàng quý, thậm chí là hàng tháng theo các yếu tố đầu vào có nhiều biến động như: tỷ giá, giá nhiên liệu, điều kiện thuỷ văn... Tuy nhiên, ở nước ta vì điện năng là một loại hàng hoá đặc biệt, việc điều chỉnh giá điện có ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất và đời sống nhân dân, nên giá điện vẫn phải chịu sự điều tiết của Nhà nước.Do đó, dự thảo sửa đổi luật bổ sung khoản 1a Điều 29 “Quy định giá bán điện thực hiện theo cơ chế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước”.
Về giá bán lẻ điện, dự thảo luật quy định ”Giá bán lẻ điện do đơn vị điện lực xây dựng căn cứ cơ chế quản lý và điều chỉnh giá bán lẻ điện do Thủ tướng Chính phủ quy định”. Việc sửa đổi này xuất phát từ việc thực hiện giá bán điện theo cơ chế thị trường. Điều chỉnh giá bán điện cần được thực hiện theo sự biến động của các yếu tố đầu vào hình thành giá. Các đơn vị điện lực xây dựng giá bán lẻ điện trên cơ sở các quy định của Nhà nước (do Thủ tướng Chính phủ ban hành). Nhà nước điều tiết và kiểm soát giá bán lẻ điện bằng các biện pháp kiểm tra, giám sát việc tuân thủ các quy định của pháp luật về giá điện đối với các đơn vị điện lực.
Đối với giá phát điện, truyền tải điện, phân phối điện, bán buôn điện, phí điều độ vận hành hệ thống điện, phí điều hành giao dịch thị trường điện lực và giá dịch vụ phụ trợ hệ thống điện, dự thảo luật đã sửa đổi theo hướng chi tiết hơn. Cụ thể, trong dự thảo luật ghi rõ: “phí truyền tải điện”, “phí phân phối điện” và “phí dịch vụ phụ trợ hệ thống điện” thành “giá truyền tải điện”, “giá phân phối điện” và “giá dịch vụ phụ trợ hệ thống điện”, nhằm phản ánh đúng bản chất của các chi phí, để thực hiện các hoạt động này. Quy định trên bảo đảm cho các đơn vị điện lực thực hiện hoạt động truyền tải điện, phân phối điện và dịch vụ phụ trợ hệ thống điện thu hồi đủ các chi phí hợp lý, hợp lệ và có lợi nhuận hợp lý để duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh. Đồng thời, dự thảo luật bổ sung quy định giao Bộ trưởng Bộ Công Thương hướng dẫn phương pháp lập; trình tự, thủ tục lập, thẩm định và phê duyệt khung giá phát điện, giá truyền tải điện…