Đối tượng áp dụng Thông tư này là các tổ chức cung cấp dịch vụ trong lĩnh vực chứng khoán gồm: các tổ chức kinh doanh chứng khoán (công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán, chi nhánh công ty chứng khoán nước ngoài tại Việt Nam, chi nhánh công ty quản lý quỹ nước ngoài tại Việt Nam), ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, Trung tâm dịch vụ, doanh nghiệp đấu giá tài sản theo quy định của pháp luật về đấu giá tài sản tham gia vào thị trường chứng khoán Việt Nam theo quy định của pháp luật.
Bên cạnh đó, còn có các tổ chức, cá nhân sử dụng dịch vụ trong lĩnh vực chứng khoán được cung cấp bởi tổ chức cung cấp dịch vụ chứng khoán nêu trên và các tổ chức, cá nhân có liên quan khác.
Thông tư 102/2021/TT-BTC quy định mức phí tối đa là 150 triệu đồng/1 cuộc bán đấu giá. Ảnh: Internet |
Thông tư số 102/2021/TT-BTC quy định, giá dịch vụ áp dụng tại các tổ chức cung cấp dịch vụ trong lĩnh vực chứng khoán được quy định chi tiết tại Biểu giá dịch vụ ban hành kèm theo Thông tư này.
Căn cứ quy định pháp luật về giá, pháp luật có liên quan, mức giá tối đa, khung giá quy định tại Biểu giá dịch vụ ban hành kèm theo Thông tư này, các tổ chức cung cấp dịch vụ trong lĩnh vực chứng khoán quyết định mức giá cụ thể phù hợp với thực tế cung ứng dịch vụ.
Thông tư 102/2021/TT-BTC cũng quy định, giá dịch vụ trong lĩnh vực chứng khoán quy định tại Thông tư này là giá không chịu thuế giá trị gia tăng theo quy định tại Luật Thuế giá trị gia tăng và văn bản sửa đổi, bổ sung (nếu có). Khi thu tiền dịch vụ, các tổ chức cung cấp dịch vụ trong lĩnh vực chứng khoán sử dụng hóa đơn theo quy định của pháp luật.
Nguồn thu từ cung cấp dịch vụ, sau khi thực hiện nghĩa vụ với ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật thì phần còn lại tổ chức cung cấp dịch vụ trong lĩnh vực chứng khoán quản lý, sử dụng theo quy định của pháp luật.
Đối với các dịch vụ khác không quy định tại Biểu giá, các tổ chức cung cấp dịch vụ trong lĩnh vực chứng khoán được tự định giá và chịu trách nhiệm về mức giá dịch vụ do mình cung ứng phù hợp với thực tế cung ứng dịch vụ, quy định của pháp luật về giá, pháp luật về chứng khoán, pháp luật có liên quan.
Các tổ chức cung cấp dịch vụ trong lĩnh vực chứng khoán phải thực hiện niêm yết giá, công khai giá, chấp hành theo quy định của pháp luật về giá, pháp luật về chứng khoán và văn bản hướng dẫn có liên quan.
Tại Biểu giá dịch vụ trong lĩnh vực chứng khoán áp dụng tại các tổ chức kinh doanh chứng khoán, ngân hàng thương mại tham gia thị trường chứng khoán Việt Nam, Bộ Tài chính quy định rõ giá dịch vụ áp dụng tại thị trường chứng khoán cơ sở và giá dịch vụ áp dụng tại thị trường chứng khoán phái sinh.
Trong đó, đối với giá dịch vụ trên thị trường chứng khoán cơ sở, Thông tư quy định mức giá của 10 dịch vụ gồm: giá dịch vụ bảo lãnh phát hành khi thực hiện cổ phần hóa DNNN; giá dịch vụ môi giới mua, bán cổ phiếu, chứng chỉ quỹ, chứng quyền có bảo đảm; giá dịch vụ quản lý quỹ đầu tư chứng khoán đại chúng, công ty đầu tư chứng khoán đại chúng; giá dịch vụ giám sát tài sản của quỹ đóng, công ty đầu tư chứng khoán đại chúng; giá dịch vụ đại diện người sở hữu trái phiếu; giá dịch vụ phát hành chứng chỉ quỹ đóng, cổ phiếu của công ty đầu tư chứng khoán đại chúng; giá dịch vụ phát hành chứng chỉ quỹ mở, quỹ ETF; giá dịch vụ mua lại, chuyển đổi chứng chỉ quỹ mở, quỹ ETF; giá dịch vụ thanh toán bù trừ tiền giao dịch chứng khoán; Giá dịch vụ đấu giá.
Cụ thể, mức giá dịch vụ bảo lãnh phát hành khi thực hiện cổ phần hóa DNNN là từ 0,5% đến 2% tổng giá trị bảo lãnh phát hành đối với cổ phiếu.
Giá dịch vụ quản lý quỹ đầu tư chứng khoán đại chúng, công ty đầu tư chứng khoán đại chúng tối đa 2%/giá trị tài sản ròng của quỹ (NAV) hoặc giá trị tài sản ròng của danh mục/năm.
Giá dịch vụ đấu giá là từ 20 triệu đồng/1 cuộc bán đấu giá cổ phần/mỗi loại chứng khoán đến 0,15% trên tổng giá trị cổ phần và các loại chứng khoán thực tế bán được, tối đa là 150 triệu đồng/1 cuộc bán đấu giá...
Đối với giá dịch vụ áp dụng tại thị trường chứng khoán phái sinh, Thông tư 102 quy định giá dịch vụ môi giới hợp đồng tương lai. Theo đó, mức giá cụ thể là tối đa 5.000 đồng/hợp đồng tương lai chỉ số và tối đa 8.000 đồng/hợp đồng tương lai trái phiếu Chính phủ.
Các mức giá trên chưa bao gồm khoản tiền giá dịch vụ giao dịch chứng khoán phái sinh, dịch vụ quản lý vị thế, dịch vụ quản lý tài sản ký quỹ mà công ty chứng khoán nộp cho Sở GDCK, Tổng công ty Lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam theo quy định.
Thông tư 102 nêu rõ, đối với các hợp đồng cung cấp dịch vụ trong lĩnh vực chứng khoán đã được ký kết trước ngày Thông tư này có hiệu lực thì tiếp tục thực hiện theo quy định tại Thông tư số 128/2018/TT-BTC ngày 27/12/2018 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định giá dịch vụ trong lĩnh vực chứng khoán áp dụng tại các tổ chức kinh doanh chứng khoán, ngân hàng thương mại tham gia vào thị trường chứng khoán Việt Nam cho đến khi kết thúc hợp đồng.