Quy hoạch tỉnh Thái Bình tầm nhìn đến năm 2050: 8 đề xuất, 3 kịch bản để phát triển
Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa phối hợp với UBND tỉnh Thái Bình vừa tổ chức Hội thảo tham vấn về dự thảo Quy hoạch tỉnh Thái Bình thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Ông Nguyễn Khắc Thận, Phó Bí thư tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình nhấn mạnh: Thái Bình luôn xác định công tác triển khai lập quy hoạch là nhiệm vụ hết sức quan trọng phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Do đó, Thái Bình đã nỗ lực chỉ đạo, triển khai các công việc trong lập quy hoạch tỉnh, đặc biệt là lấy ý kiến các sở, ban, ngành, địa phương và các chuyên gia. Quá trình triển khai được tỉnh thực hiện một cách nghiêm túc, công phu, kỹ lưỡng.
Được biết, Dự thảo quy hoạch tỉnh Thái Bình thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đề ra mục tiêu và lựa chọn kịch bản tăng trưởng cao và phát triển đột phá với tốc độ tăng trưởng đạt 13,9%/năm. Phấn đấu xây dựng Thái Bình đến năm 2025 trở thành tỉnh phát triển khá, đến năm 2030 vươn lên xếp thứ 6 của vùng đồng bằng sông Hồng và đến năm 2045 là tỉnh phát triển trong khu vực đồng bằng sông Hồng; tầm nhìn đến năm 2050 là tỉnh có kinh tế thịnh vượng, xã hội tiến bộ và môi trường bền vững.
Quy hoạch tỉnh Thái Bình tầm nhìn đến năm 2050: Đặt ra “8 đề xuất, 3 kịch bản” để phát triển. Ảnh Đỗ Thái Sơn |
Để thực hiện quy hoạch này, tỉnh Thái Bình xác định rõ: Mặc dù đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ trong 10 năm qua nhưng sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của địa phương. Tỉnh Thái Bình đánh giá một cách tổng quan sự phát triển của các ngành trong 10 năm qua, từ đó đề xuất 8 nhóm quy hoạch gồm: Phát triển mối liên kết vùng; phân vùng và trục hành lang phát triển; phát triển đô thị, nông thôn; phát triển hệ thống giao thông và dịch vụ logistics; phương án phát triển không gian kinh tế; định hướng quy hoạch không gian biển; phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và một số đề xuất khác.
Đồng thời, tỉnh Thái Bình xây dựng 12 phương án nhằm cụ thể hóa các mục tiêu, chiến lược đột phá trong quy hoạch phát triển tỉnh, nhất là các quy hoạch trong lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp, thương mại dịch vụ, quy hoạch thành phố Thái Bình, quy hoạch phát triển khu kinh tế, phương án phát triển không gian biển và các lĩnh vực quy hoạch khác…
Thái Bình cũng đặt ra 3 kịch bản và luận chứng phát triển: (1) phát triển nhanh và bền vững và theo trọng tâm với tốc độ tăng trưởng hàng năm giai đoạn 2021-2030 đạt 13,0%; (2) tăng trưởng vừa phải với tốc độ tăng trưởng hàng năm giai đoạn 2021-2030 đạt 12,2%; (3) tăng trưởng cao và phát triển đột phá với tốc độ tăng trưởng hàng năm giai đoạn 2021-2030 đạt 13,4%, đây cũng là kịch bản tăng trưởng tỉnh Thái Bình lựa chọn và đặt mục tiêu phấn đấu.
Quy hoạch phát triển giao thông vận tải tỉnh Thái Bình tầm nhìn đến năm 2050 |
Theo đó, sẽ phát huy mọi tiềm năng, lợi thế, nguồn lực và yếu tố con người để đưa Thái Bình phát triển nhanh, toàn diện và bền vững. Tỉnh xác định công nghiệp - xây dựng là trụ cột tăng trưởng kinh tế. Tổng sản phẩm (GRDP) của ngành công nghiệp - xây dựng đạt 90 nghìn tỷ, đóng góp 38% vào tổng GRDP của tỉnh; trong giai đoạn 2010-2020, ngành công nghiệp - xây dựng tạo ra gần 1,5 tỷ USD giá trị GRDP, đóng góp 1 nửa trong mức tăng GRDP của tỉnh.
Ngoài ra, các quan điểm phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Thái Bình được xác định với 6 định hướng lớn về pháp luật; kinh tế; tính bền vững; khoa học - công nghệ; xã hội; con người, trong đó, quy hoạch đô thị và giao thông tập trung tăng cường kết nối giao thông với các tỉnh đồng bằng sông Hồng và Bắc Trung bộ nhằm phát triển liên kết liên tỉnh, liên vùng với các khu vực lân cận; phát triển tập trung theo 02 trục chính: Bắc - Nam với động lực là Khu kinh tế ven biển Thái Bình và trục Tây - Đông với động lực kết nối Thủ đô Hà Nội, thành phố Thái Bình với cửa ngõ không gian biển.