Rác thải công nghiệp gia tăng vì công nghệ xử lý còn hạn chế
Thông tin trên được cho biết tại Diễn đàn công nghệ, thiết bị, thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn phù hợp điều kiện Việt Nam, do Hiệp hội Môi trường đô thị và Khu công nghiệp Việt Nam tổ chức ngày 7/11, tại TP. Hồ Chí Minh.
Công nghệ xử lý rác thải của Việt Nam chủ yếu là chôn lấp, dẫn tới ô nhiễm môi trường. Ảnh minh họa |
Tại hội thảo, nhiều chuyên gia môi trường cho rằng, lượng chất thải phát sinh từ hoạt động sản xuất, sinh hoạt của Việt Nam đang tăng nhanh chóng. Trong khi đó, hạ tầng tiếp nhận và xử lý đang bị lạc hậu và thiếu hụt nghiêm trọng.
Thông tin cụ thể về tình hình rác thải hiện nay, ông Nguyễn Văn Hòa, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Môi trường đô thị và Khu công nghiệp Việt Nam - cho biết, hiện lượng chất thải trên địa bàn cả nước phát sinh khoảng 12,8 triệu tấn/năm; tốc độ gia tăng trung bình khoảng 12%/năm nhưng lượng rác thải thu gom chỉ đạt khoảng 85,5% (đối khu vực đô thị) và 45,5% (khu vực nông thôn).
Bên cạnh đo, có một số lượng lớn doanh nghiệp sản xuất ngoài khu chế xuất, khu công nghiệp, cụm công nghiệp không ký hợp đồng với các đơn vị có chức năng thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải - cũng khiến cho lượng rác thải đang bị thải bỏ tràn lan ra môi trường.
Về công nghệ xử lý rác thải, ông Hòa cho hay, hiện tại phần lớn chất thải được xử lý bằng biện pháp chôn lấp. Cả nước đang tồn tại 660 bãi chôn lấp rác thải có diện tích trên 1 ha nhưng chỉ có 25% trong số các bãi chôn lấp này đạt tiêu chuẩn hợp vệ sinh. Hệ quả là tình trạng ô nhiễm môi trường đang ngày càng nghiêm trọng.
Để cải thiện hiện trạng thu gom và xử lý chất thải đô thị hiện nay, nhiều ý kiến đại biểu tham dự diễn đàn cho rằng, Chính phủ cần sớm ban hành quy hoạch, quản lý chất thải rắn theo vùng, địa phương. Song song đó, tạo cơ chế bình đẳng để các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực vệ sinh môi trường tự do cạnh tranh, chống độc quyền, góp phần nâng cao hiệu quả trong công tác thu gom, vận chuyển, xử lý và giảm chi tiêu ngân sách.