Hải Phòng: Sắp khánh thành cầu gần 2.000 tỷ đồng nối Hải Phòng - Quảng Ninh Tháng 6/2023 sẽ khởi công cầu đường sắt Đuống mới |
Theo đó, dự án cầu đường sắt Cẩm Lý Km24+134 tuyến đường sắt Kép - Hạ Long có tổng mức đầu tư dự kiến lên tới 799,55 tỷ đồng, bố trí vốn trong giai đoạn 2021-2025 từ nguồn ngân sách Trung ương. Trong đó, dự án có tổng chiều dài tuyến khoảng 3.014m với điểm đầu thuộc địa phận xã Cẩm Lý, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang và điểm cuối thuộc địa phận xã Bắc Lũng, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang.
Dự án này được đầu tư xây dựng với mục tiêu giảm tải cho cầu đường sắt hiện tại, để bảo đảm đường sắt khu vực Bắc Giang lưu thông thông suốt, giảm thiểu ảnh hưởng đến vận hành, khai thác đường sắt. Đồng thời, từng bước hoàn thiện quốc lộ 37 theo quy hoạch và tăng cường kết nối, nâng cao năng lực khai thác, giảm thiểu tai nạn giao thông. Ngoài ra, dự án đáp ứng nhu cầu vận tải trên hành lang vận tải từ Bắc Giang và Hải Dương đến các địa phương vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh.
Bộ Giao thông vận tải phê duyệt chủ trương đầu tư cầu đường sắt Cẩm Lý thuộc huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang với tổng vốn hơn 799 tỷ đồng. (Ảnh Internet) |
Về quy mô, phần đường thiết kế theo tiêu chuẩn tốc độ thiết kế 80km/h. Thiết kế dự án bảo đảm yêu cầu kỹ thuật theo tiêu chuẩn cấp đường, bảo đảm tĩnh không yêu cầu theo quy định quản lý kết cấu hạ tầng đường thủy, đường sắt, giao cắt với đê hữu sông Lục Nam và yêu cầu thoát lũ của khu vực.
Cầu đường bộ Cẩm Lý dài khoảng 631m, chiều dài cầu vượt đường sắt tuyến Kép - Hạ Long khoảng 175m với kết cấu phần trên dự kiến sử dụng nhịp bằng bê tông cốt thép và bê tông cốt thép dự ứng lực, kết cấu phần dưới bằng bê tông cốt thép. Cùng với đó, đầu tư đầy đủ hệ thống các công trình thoát nước ngang, dọc; bố trí hệ thống an toàn giao thông theo đúng quy định; bố trí hệ thống chiếu sáng phục vụ giao thông.
Ban Quản lý dự án đường sắt chịu trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan hoàn thành Báo cáo nghiên cứu khả thi dự án trình cấp có thẩm quyền phê duyệt theo đúng quy định pháp luật. Đồng thời, tổ chức thực hiện dự án bảo đảm tiến độ, chất lượng và hiệu quả.
Ngoài ra, lưu ý thực hiện khảo sát chi tiết để tiếp tục đánh giá so sánh, đề xuất quy mô, giải pháp thiết kế bảo đảm phù hợp với điều kiện thực tế khu vực xây dựng, đáp ứng nhu cầu vận tải, an toàn công trình và bảo đảm hiệu quả kinh tế - kỹ thuật.
Bộ Giao thông vận tải giao Ban Quản lý dự án đường sắt làm chủ đầu tư, cơ bản hoàn thành năm 2025. Đáng chú ý, thỏa thuận thống nhất với các cơ quan liên quan về đấu nối hạ tầng kỹ thuật dự án, cao độ công trình thiết kế để có giải pháp thiết kế phù hợp, bảo đảm an toàn chạy tàu, an toàn đường thủy, an toàn công trình, khả năng thoát lũ và hạn chế tối đa ảnh hưởng tới đời sống của người dân khu vực tuyến đi qua.