Sản xuất nông nghiệp: Hiệu quả nhờ khuyến công
Nhờ đầu tư máy móc hiện đại, sản phẩm trà bằng nguyên liệu cây sen của Đồng Tháp được tiêu thụ rộng rãi |
Mặc dù là tỉnh thuần nông nhưng thời gian gần đây, ngành cơ khí tỉnh Đồng Tháp tương đối phát triển, nhất là cơ khí phục vụ ngành nông nghiệp, chế biến lương thực và thực phẩm. Để phát triển ngành cơ khí, tỉnh Đồng Tháp đã có nhiều kế hoạch hỗ trợ doanh nghiệp (DN) thực hiện các dự án như đổi mới, hoàn thiện công nghệ hiện đại, ứng dụng công nghệ điều khiển tự động… nhằm tạo ra nhiều sản phẩm mới và tăng thêm giá trị.
Toàn tỉnh hiện có hơn 90 DN hoạt động trong lĩnh vực cơ khí, chủ yếu là gia công cơ khí, sản xuất, sửa chữa máy nông nghiệp… 5 tháng đầu năm 2018, đã có 170 sản phẩm các loại được sản xuất và tiêu thụ rộng rãi trên thị trường. Nổi bật là các hệ thống máy xới, gieo hạt, phun thuốc; máy liên hợp thu hoạch lúa, bắp; máy cuộn rơm tự hành, máy tuốt đậu, mè…
Có được kết quả đó, một phần là nhờ đóng góp của công tác khuyến công. Trong 6 tháng đầu năm 2018, UBND tỉnh Đồng Tháp đã phê duyệt 9 đề án khuyến công với kinh phí hơn 1,5 tỷ đồng để hỗ trợ DN xây dựng mô hình trình diễn, ứng dụng máy móc, thiết bị tiên tiến trong sản xuất. Ngành Công Thương Đồng Tháp còn tổ chức nhiều hội nghị khuyến công, tổ chức hội chợ, triển lãm và bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu…
Ông Mai Văn Đối - Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp Đồng Tháp - cho biết, trung tâm hiện là đầu mối triển khai các chương trình khuyến công, chuyển giao những tiến bộ khoa học kỹ thuật đến các DN. Lĩnh vực chế biến nông - lâm - thủy sản, sử dụng nguyên vật liệu tại chỗ, nguyên vật liệu thay thế hàng nhập khẩu, sản phẩm có thị trường tiêu thụ tốt đang được trung tâm hỗ trợ và được nhiều cơ sở hồ hởi tham gia.
Trong những năm qua, nhiều loại máy móc, thiết bị mang tính hữu dụng cao đã ra đời, góp phần làm tăng năng suất cho ngành nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, chế biến thực phẩm, giúp DN sản xuất sạch hơn và từng bước xây dựng thương hiệu cho hàng hóa.
Giám đốc Công ty CP Đầu tư và Phát triển Thuận Thiên Thành (huyện Lai Vung) Đặng Quý Ngọc cho hay, để sản xuất các sản phẩm như mãng cầu xiêm sấy dẻo, thức uống dinh dưỡng, trà mãng cầu xiêm... Từ sự hỗ trợ của chương trình khuyến công, công ty đã đầu tư thêm máy móc hiện đại, nhờ đó chất lượng sản phẩm được nâng lên, giá bán cao hơn qua thị trường Malaysia, Hàn Quốc, Singapore và vừa được công nhận là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu của tỉnh Đồng Tháp năm 2018.
Cũng được chương trình khuyến công hỗ trợ, ông Phạm Công Lý - chủ cơ sở sản xuất bột lọc tươi Tài Dương- cho biết, sau khi đưa hai máy hút bột chân không vào sử dụng thay thế máy cũ, lạc hậu, năng suất, chất lượng bột tăng lên, được một số DN lớn đặt hàng với số lượng lớn và giá mua ổn định lâu dài.
Ông Nguyễn Hữu Dũng - Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Đồng Tháp: Để phục vụ cho ngành nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp tăng năng suất, giá trị sản phẩm và xây dựng thương hiệu hàng hóa đạt hiệu quả, từ nay đến năm 2020, chương trình khuyến công sẽ được thúc đẩy mạnh mẽ, đi vào trọng tâm mà các DN đang cần phải đổi mới trong quy trình sản xuất. |