Sẽ giám sát các tỉnh, thành phố lớn có nhiều đơn vị sự nghiệp công lập
Tiếp tục Phiên họp thứ 25, sáng 18/8, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Kế hoạch giám sát và đề cương báo cáo của Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập giai đoạn 2018 - 2023”.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng tại phiên họp |
Trình bày dự thảo Kế hoạch giám sát, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết, hoạt động giám sát tập trung vào các nội dung chính sau: Thứ nhất, đánh giá kết quả đạt được; hạn chế, khó khăn, vướng mắc; xác định nguyên nhân, chỉ rõ trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc: Xây dựng, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật để thể chế hóa chủ trương của Đảng về đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập.
Đồng thời, thực hiện chính sách, pháp luật về đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập, tập trung vào các nội dung về sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp công lập; quản lý biên chế (số lượng người làm việc tối đa trong đơn vị sự nghiệp công lập và hưởng lương từ ngân sách nhà nước).
Tiếp đó, về nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của các đơn vị sự nghiệp công lập; đẩy mạnh cung ứng dịch vụ sự nghiệp công theo cơ chế thị trường, thực hiện xã hội hóa dịch vụ sự nghiệp công; nâng cao năng lực quản trị của đơn vị sự nghiệp công lập; hoàn thiện cơ chế tài chính, thực hiện cơ chế tự chủ đối với các đơn vị sự nghiệp công lập; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với đơn vị sự nghiệp công lập.
Thứ hai, đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp để tiếp tục đẩy mạnh, thực hiện có hiệu quả chủ trương của Đảng, pháp luật về đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập, phấn đấu hoàn thành các mục tiêu Nghị quyết số 19-NQ/TW đã đề ra đến năm 2025 và 2030.
Đối tượng giám sát được chia làm 2 nhóm: Đối với nhóm các cơ quan chịu sự giám sát là nhóm trọng tâm, bao gồm: Chính phủ; các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, thực hiện giám sát đối với tất cả các nội dung trên.
Đối với nhóm các cơ quan tổ chức có liên quan, bao gồm: Các cơ quan Đảng ở Trung ương, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán nhà nước, Văn phòng Quốc hội, Viện nghiên cứu lập pháp, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và cơ quan trung ương của các tổ chức chính trị - xã hội chỉ báo cáo việc thực hiện chính sách, pháp luật về đổi mới tổ chức, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc phạm vi quản lý gắn với việc thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW và các văn bản pháp luật có liên quan.
Về phạm vi giám sát: Giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập từ ngày 25/10/2017 (từ khi ban hành Nghị quyết số 19-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 6 khóa XII) đến hết ngày 31/12/2023 trên phạm vi cả nước.
Trên cơ sở kết quả nghiên cứu các báo cáo của các cơ quan, địa phương, Đoàn giám sát tổ chức làm việc với một số Bộ, ngành, cơ quan, tổ chức có liên quan tại Nhà Quốc hội. Đồng thời, tổ chức Đoàn công tác làm việc với một số đơn vị sự nghiệp công lập điển hình, quy mô lớn trong một số ngành, lĩnh vực để trao đổi sâu, làm rõ các vấn đề có liên quan.
"Đoàn giám sát tổ chức giám sát, làm việc với một số địa phương là các tỉnh, thành phố lớn, có nhiều đơn vị sự nghiệp công lập, có đặc thù, đại diện các khu vực, vùng miền... (khoảng 10 - 12 tỉnh, thành phố, dự kiến gồm: Hà Nội, Quảng Ninh, Lạng Sơn, Bắc Kạn, Thanh Hóa, Quảng Bình, Khánh Hòa, Lâm Đồng, Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Bình Phước, Long An)" - ông Hoàng Thanh Tùng cho biết.