Siết chặt kiểm soát, quản lý giá khi tăng lương cơ sở
Thị trường đã thích ứng
Được sự thống nhất từ Quốc hội, Chính phủ đã điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng tăng bình quân 6%; điều chỉnh mức lương cơ sở từ 1,8 triệu đồng/tháng lên 2,34 triệu đồng/tháng (tăng 30%) từ ngày 1/7/2024. Cùng với đó, điều chỉnh tăng 15% mức lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội hiện hưởng (từ tháng 6/2024). Đây là đợt tăng lớn nhất từ trước đến nay.
Theo tính toán của Chính phủ, để thực hiện cải cách tiền lương, dự kiến tổng nhu cầu kinh phí tăng thêm từ ngân sách trong giai đoạn 2024 - 2026 là hơn 499.000 tỷ đồng. Trong đó, chi cho cải cách tiền lương là 470.000 tỷ đồng, điều chỉnh lương hưu là 11.100 tỷ đồng và trợ cấp ưu đãi người có công là 18.000 tỷ đồng.
Ảnh minh hoạ |
Bà Nguyễn Thu Oanh - Vụ trưởng Vụ Thống kê giá, Tổng cục Thống kê cho biết, tính từ năm 2009 đến 1/7/2024, mức lương cơ sở đã tăng khoảng 280%, lương tối thiểu vùng tăng khoảng 480%, trong khi chỉ số giá tiêu dùng tăng khoảng 108%.
Như vậy, sau 15 năm, tốc độ tăng lương cao hơn nhiều so với tốc độ tăng của chỉ số giá tiêu dùng. Điều này cho thấy Chính phủ luôn hướng tới mục tiêu tiền lương phải thực sự là nguồn thu nhập chính bảo đảm đời sống người lao động và gia đình người hưởng lương, tạo động lực nâng cao năng suất lao động.
Trước việc tăng lương cũng như mức thu nhập bình quân của người lao động tăng nhẹ, câu chuyện khiến nhiều người lo ngại là giá cả các loại hàng hóa tăng lên, thậm chí tăng trước mỗi kỳ tăng lương.
Theo đại diện Tổng cục Thống kê, việc tăng lương góp phần nâng cao đời sống của nhân dân, đóng góp cho tăng trưởng của nền kinh tế, làm cho sức mua của người dân tăng lên, quan hệ cung cầu thay đổi cũng sẽ ảnh hưởng đến giá cả.
"Trước đây, giá thường tăng khi lương tăng, thậm chí giá tăng ngay khi có chủ trương về chính sách tăng lương. Tuy nhiên, những năm trở lại đây, Chính phủ, người dân cũng như thị trường đã thích ứng, không bị tác động nhiều nên tăng lương ít xảy ra chuyện tăng giá mà chủ yếu tạo ra kỳ vọng lạm phát", bà Oanh nhận định.
Đồng quan điểm, TS. Nguyễn Đức Độ - Phó Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính cho rằng, việc tăng lương đợt này chỉ liên quan đến khu vực công mà khu vực công chiếm tỷ trọng không lớn trong tổng thể nền kinh tế nên tác động của nó không quá lớn, đặc biệt cầu tiêu dùng trong những quý vừa qua tăng dưới 5%. Khả năng các doanh nghiệp sẽ quan tâm đến tiêu thụ hàng hóa hơn là tăng giá.
Siết chặt kiểm soát giá
Trong bối cảnh tiền lương được điều chỉnh từ ngày 1/7, các chuyên gia cho rằng, cần kéo dài thời gian giảm thuế VAT, ít nhất đến cuối năm nay để kiềm chế đà tăng của giá hàng hóa. Bên cạnh đó, xem xét giảm lãi suất hỗ trợ cho sản xuất kinh doanh, cho doanh nghiệp để giảm giá thành.
Chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh |
Đối với việc tăng giá, chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh nhấn mạnh, cơ quan quản lý cần làm tốt công tác thanh tra kiểm tra quá trình niêm yết giá, trong đó kiểm tra yếu tố hình thành giá. Theo đó, không để tăng lương dẫn đến tình trạng tăng giá bất hợp lý.
Chuyên gia nhấn mạnh thêm, cần có những chế tài đủ nghiêm khắc để xử lý các hành vi trục lợi, tăng giá, thổi giá không đúng quy định.
"Chế tài xử lý là việc chúng ta cần phải làm đầu tiên, làm ngay từ bây giờ để kiểm soát việc tăng giá trước và sau khi tăng lương. Phải làm nghiêm để mọi thứ đi vào nền nếp, thị trường không có sự xáo trộn", ông Thịnh nêu quan điểm.
Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo điều hành giá ngày 12/6, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đã chỉ đạo: "Không để tăng lương dẫn đến tăng giá bất hợp lý, thành thói quen, làm mất đi ý nghĩa của việc tăng lương. Phải kiểm tra, kiểm soát, giám sát, đặc biệt là đối với các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu, niêm yết giá tại các chợ truyền thống".
Phó Thủ tướng cũng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương nắm bắt diễn biến giá cả một số mặt hàng có tác động lớn đến chỉ số giá tiêu dùng và kiểm tra việc chấp hành pháp luật về giá, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về giá.
Trước đó, ngày 22/6/2024, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký ban hành Công điện số 61/CĐ-TTg gửi Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tăng cường các biện pháp quản lý, điều hành giá.
Theo đó, Thủ tướng yêu cầu các Bộ: Công Thương, Y tế, Giáo dục và Đào tạo, Lao động - Thương binh và Xã hội theo chức năng, nhiệm vụ được giao khẩn trương rà soát, báo cáo, đề xuất cụ thể lộ trình gắn với mức độ và dự kiến thời điểm thực hiện điều chỉnh giá các mặt hàng, dịch vụ thuộc lĩnh vực quản lý (dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh; điện; dịch vụ giáo dục...); phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính, Tổng cục Thống kê và các cơ quan liên quan để đánh giá kỹ tác động đến chỉ số giá tiêu dùng và mục tiêu, kịch bản kiểm soát lạm phát cụ thể, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 30/6/2024.
Cùng với việc kiểm soát giá cả, Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, gián đoạn nguồn hàng gây tăng giá đột biến như với mặt hàng xăng dầu, lương thực thực phẩm, vật liệu xây dựng…
Đối với mặt hàng điện, dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh và các mặt hàng xem xét điều chỉnh giá, cần rà soát kỹ các yếu tố hình thành giá, đánh giá kỹ tác động đối với kinh tế-xã hội, mặt bằng giá để chủ động có phương án điều chỉnh theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền xem xét phương án điều chỉnh giá phù hợp với diễn biến, mặt hàng giá thị trường theo đúng quy định với mức độ và thời điểm điều chỉnh phù hợp, tránh gây cộng hưởng lạm phát chi phí đẩy, tạo ra lạm phát kỳ vọng của nền kinh tế. Thủ tướng cũng giao các Bộ, ngành liên quan xử lý nghiêm trường hợp tung tin thất thiệt gây hoang mang cho người tiêu dùng, gây bất ổn thị trường.