Tích cực, chủ động phòng chống
Cho đến hết quý I/2021, đã có 203 vụ việc phòng vệ thương mại do 21 quốc gia/vùng lãnh thổ khởi xướng điều tra đối với hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam. Trong đó, số lượng vụ việc năm 2020 là 39 vụ, cao gấp hơn 2,5 lần tổng số vụ việc trong cả năm 2019. Đặc biệt, số lượng các vụ việc chống lẩn tránh nhằm vào hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam đang có dấu hiệu tăng lên do một vài nước cho rằng hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam sử dụng nguyên liệu chính được nhập khẩu từ những khu vực đang bị họ áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại.
Theo Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công Thương, sau khi biện pháp phòng vệ thương mại được áp dụng, doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa là đối tượng của biện pháp có khả năng tìm cách sử dụng xuất xứ của một nước thứ ba để tiếp tục xuất khẩu hàng hóa vào thị trường của nước nhập khẩu đang áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại. Các hành vi lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại như vậy có thể dưới hình thức chuyển tải, khai sai hải quan, các phương thức gian lận hải quan khác hoặc có chuyển đổi không đáng kể tại nước thứ ba.
Doanh nghiệp được khuyến cáo không tiếp tay cho các hành vi gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp |
Trong bối cảnh vấn đề gian lận xuất xứ, lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại, chuyển tải bất hợp pháp có những diễn biến phức tạp, Bộ Công Thương đã chủ động phối hợp với các Bộ/ngành trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 824/QĐ-TTg ngày 04 tháng 7 năm 2019 phê duyệt Đề án “Tăng cường quản lý nhà nước về chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại và gian lận xuất xứ” (Đề án 824).
Đề án 824 đặt ra 3 yêu cầu lớn cho các Bộ, ngành, trong đó có Bộ Công Thương. Một là, tiếp tục nâng cao hiệu quả của quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, đặc biệt là việc tham gia các Hiệp định FTA thế hệ mới, bảo đảm thực hiện nghiêm túc các cam kết trong khuôn khổ WTO và các FTA. Hai là, ngăn chặn các hành vi gian lận xuất xứ để hưởng ưu đãi bất hợp pháp hoặc để lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại của nước ngoài, giúp phát triển bền vững hoạt động xuất khẩu. Ba là, bảo vệ quyền và lợi ích của Việt Nam trong thương mại quốc tế, trong đó có quyền và lợi ích của các doanh nghiệp chân chính của Việt Nam.
Ngay sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, các Bộ, ngành đã tích cực, chủ động triển khai các nhiệm vụ mà Thủ tướng Chính phủ giao thông qua việc ban hành các kế hoạch hành động, thành lập các tổ công tác, triển khai thực hiện nghiêm túc trên thực tế. Danh sách cảnh báo các mặt hàng có nguy cơ gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp nhằm lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại đã được Bộ Công Thương xây dựng và cập nhật định kỳ để gửi các Bộ/ngành, Ủy ban nhân dân các tỉnh/thành phố.
Đồng thời, Bộ Công Thương đã tăng cường chỉ đạo các cơ quan cấp giấy chứng nhận xuất xứ tăng cường công tác kiểm tra, đấu tranh với hành vi gian lận thương mại về xuất xứ, đặc biệt các mặt hàng nhạy cảm. Các đơn vị chức năng của Bộ đã thực hiện kiểm tra thực tế hàng hóa tại một số doanh nghiệp có sử dụng nguyên liệu nhập khẩu được xác định xuất xứ theo tiêu chí cộng gộp.
Về phía Tổng cục Hải quan, ngành này cũng đã tích cực vào cuộc yêu cầu các đơn vị hải quan, đặc biệt là hải quan địa phương tăng cường kiểm tra gian lận xuất xứ và xây dựng kế hoạch chi tiết nhằm tăng cường kiểm tra, phát hiện các vụ việc gian lận, giả mạo xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp; thiết lập tiêu chí phân luồng kiểm tra đối với doanh nghiệp xuất nhập khẩu có mặt hàng rủi ro cao; thực hiện kiểm tra ngay doanh nghiệp khi có dấu hiệu giao dịch xuất nhập khẩu tăng đột biến đối với những mặt hàng thuộc đối tượng nghi ngờ.
Tổng cục Hải quan cũng khẳng định Việt Nam đã thực hiện nhiều giải pháp khác như khoanh vùng nhóm mặt hàng có nguy cơ gian lận, giả mạo giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa cao cũng như rà soát xác định các giao dịch, doanh nghiệp xuất nhập khẩu có kim ngạch xuất nhập khẩu tăng đột biến so với năng lực, quy mô sản xuất để tiến hành phân tích, quyết định kiểm tra.
Tính đến cuối năm 2020, toàn ngành hải quan đã kiểm tra, điều tra, xác minh 76 vụ việc và phát hiện 24 vụ việc vi phạm về xuất xứ hàng hóa. Cơ quan hải quan đã tịch thu 3.590 xe đạp nguyên chiếc, hơn 4.000 bộ linh kiện xe đạp và hơn 12.000 bộ linh kiện lắp ráp tủ bếp là tang vật vi phạm. Ngoài ra, đã truy thu nộp ngân sách 33 tỷ đồng (bao gồm số tiền thu lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm; xử phạt vi phạm hành chính và trị giá tang vật vi phạm bị tịch thu)…
Qua kiểm tra, điều tra, xác minh, cơ quan hải quan cũng đã phát hiện một số hình thức gian lận phổ biến, đó là doanh nghiệp đầu tư dây chuyền sản xuất sơ sài, nhập khẩu đầy đủ linh kiện về và chỉ thực hiện một số công đoạn gia công đơn giản, sau đó lắp ráp thành sản phẩm hoàn chỉnh để lấy xuất xứ Việt Nam…
Doanh nghiệp đóng vai trò quan trọng
Cục Phòng vệ thương mại - cho hay, xuất khẩu một số sản phẩm của Việt Nam có sự gia tăng nhanh chóng trong vài năm gần đây, kể cả những mặt hàng đang là đối tượng bị áp dụng phòng vệ thương mại của một số nước. Vì vậy, Cục đã liên tục lưu ý các hiệp hội, doanh nghiệp và thông báo với các cơ quan chức năng để tăng cường công tác kiểm tra, giám sát về xuất xứ và sau thông quan nhằm ngăn chặn các hành vi gian lận, lợi dụng Việt Nam để xuất khẩu hàng hóa của quốc gia khác.
Đặc biệt, theo Cục Phòng vệ thương mại, việc xác định thế nào là thực hiện các công đoạn sản xuất tạo ra giá trị gia tăng không đáng kể là một vấn đề phức tạp, tùy thuộc vào từng mặt hàng cụ thể và theo quy định của mỗi quốc gia nhập khẩu có thể khác nhau. Vì vậy, bên cạnh việc tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, các cơ quan chức năng cũng đang phối hợp chặt chẽ với các cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài để ngăn chặn những hành vi lợi dụng có tính chất cá biệt của một vài doanh nghiệp, đồng thời vẫn đảm bảo lợi ích chính đáng của đa số các doanh nghiệp làm ăn chân chính.
Trong thời gian tới, để thực hiện một cách có hiệu quả hơn nữa các nhiệm vụ đã được Thủ tướng Chính phủ giao tại Quyết định 824/QĐ-TTg và Nghị quyết số 119/NQ-CP, Bộ Công Thương cùng các cơ quan, đơn vị sẽ tiếp tục cập nhật danh sách cảnh báo theo hướng có trọng tâm, trọng điểm định kỳ thông báo đến các đơn vị liên quan; rà soát lại các quy định liên quan đến chống gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp, bao gồm cả chế tài xử lý vi phạm và các bất cập liên quan đến quy định về ghi nhãn hàng hóa xuất khẩu để có đề xuất sửa đổi, bổ sung nếu cần thiếtl tăng cường thanh tra, kiểm tra các trường hợp nghi ngờ gian lận xuất xứ.
Đồng thời, tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan có thẩm quyền ở nước nhập khẩu để trao đổi thông tin, phối hợp xử lý các vụ việc gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp nhằm lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại, chia sẻ kinh nghiệm đấu tranh phòng chống các hành vi gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp. Tăng cường công tác thông tin truyền thông về công tác chống gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp, đảm bảo các doanh nghiệp tự giác tuân thủ.
Bên cạnh nỗ lực của Chính phủ, Cục Phòng vệ thương mại - nhấn mạnh, doanh nghiệp đóng vai trò quan trọng, mang tính quyết định để hạn chế nguy cơ bị khởi kiện lẩn tránh thuế, gian lận xuất xứ. Theo đó, doanh nghiệp cần không tham gia, tiếp tay cho các hành vi gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp. Bởi thực tiễn cho thấy, nếu phát hiện các hành vi này, nước nhập khẩu sẽ áp dụng chế tài “trừng phạt” rất nặng, trong nhiều trường hợp doanh nghiệp sẽ “mất” toàn bộ thị trường xuất khẩu liên quan.
Trường hợp, nếu phát hiện các dấu hiệu vi phạm, Cục Phòng vệ thương mại khuyến cáo doanh nghiệp cần chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng để điều tra, ngăn chặn, tránh để hành vi của một vài doanh nghiệp làm ảnh hưởng tới các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh chân chính.