NĐT ở thế thua thiệt
Vào tháng 12 năm ngoái, dân CK kháo nhau việc một CTCK có thế mạnh về công nghệ đột nhiên bán giải chấp CP của một loạt khách hàng dù mới chỉ tiệm cận ngưỡng nguy hiểm. Lý do CTCK đưa ra là hệ thống bị lỗi trong xử lý khiến việc giải chấp diễn ra.
Thông thường, khi CP giảm về một mức nào đó, ảnh hưởng đến tỷ lệ nợ/vốn, CTCK phải cảnh báo trước để NĐT có hướng xử lý hoặc đóng thêm tiền, hoặc bán bớt CP, nhưng đằng này CTCK lại tự xử lý khiến NĐT bức xúc. Đặt vấn đề tại sao CTCK dám làm như vậy, CTCK có thể viện dẫn những quy định kiểu như khi có những tình huống bất thường, NĐT không thực hiện theo yêu cầu CTCK được toàn quyền xử lý tài khoản…
Nhìn chung, khi vào những giai đoạn ngặt nghèo liên quan đến margin, thua thiệt thường thuộc về các NĐT. NĐT có bực tức cũng chỉ biết than vãn, “chửi” thì môi giới phải nghe, thậm chí có tranh cãi lớn hơn, kiện cáo cũng rất mất thời gian. Cái chính là CP đã bán rồi, mà thường khi bán cũng là lúc giá chạm đáy và bật lại, thua lỗ nhưng lại không có khả năng gỡ gạc, nỗi đau có khi lại nhân đôi, nhân 3.
Hiện tại, trên thị trường có số ít CTCK có xu hướng thận trọng trong việc cấp margin bất kể thị trường tăng hay giảm. Điều này có thể kìm NĐT giải ngân quá đà, trong trường hợp có thua lỗ cũng không quá nặng, nhưng không phải NĐT nào cũng thích điều này.
Gần đây, cũng có thông tin về việc một CTCK có thế mạnh trong mảng magin giảm sức mua của khách hàng, nghĩa là thay vì có 1 đồng được vay thêm 2 đồng để mua CP thì giờ chỉ mua được 1,5 hoặc 1 đồng.
Điều này cũng không có gì nghiêm trọng trong trường hợp khách hàng mới nộp tiền mặt vào tài khoản. Thường khi CTCK siết margin thị trường cũng ở vào giai đoạn rủi ro, cũng không ai muốn mua quá nhiều, thậm chí càng thận trọng càng tốt.
Tuy nhiên, với những người đang sử dụng margin, điều này có thể gây ra những hệ quả rất nghiêm trọng. Chẳng hạn, sau khi bán ra CP, NĐT có thể chuyển sang mua CP khác, đảo danh mục, đặc biệt nếu bán ra thua lỗ, việc mua CP khác để tìm cơ hội sinh lời là mục tiêu hàng đầu.
Nhưng nếu CTCK siết lại sức mua, sau khi bán ra NĐT không thể mua thêm và cuối cùng quy mô tài sản lại bị thu hẹp và cơ hội tìm kiếm lợi nhuận cũng giảm. Nhìn rộng hơn, nếu có nhiều NĐT bị giảm sức mua thì lực cầu của thị trường cũng sẽ bị ảnh hưởng trầm trọng. Có nhiều nguyên nhân khiến CTCK giảm sức mua của NĐT khi sử dụng margin, như thị trường rơi vào giai đoạn nhạy cảm, cần phải thận trọng, hoặc CTCK hết tiền cho vay margin… Không rõ lý do nào chính xác, nhưng ở đây cần thấy rõ một vấn đề đó là sự thiếu nhất quán, thậm chí có phần cảm tính của một số CTCK trong việc cấp margin.
Thiếu nhất quán
Năm 2014, có những thời điểm thị trường râm ran tin đồn về việc CTCK hết tiền cho vay margin. Nguyên nhân do tiền margin đã tập trung quá nhiều tại những CP đầu cơ nên không còn “room” cho những CP khác. Điều này vừa khiến CP đầu cơ trở nên nóng, chứa đựng nhiều rủi ro, trong khi những CP khác thiếu đi lực mua và thị trường bị mất cân bằng cung cầu.
Mặc dù thông tin này chưa bao giờ được CTCK thừa nhận, nhưng cũng bộc lộ phần nào xu hướng cấp margin theo thị trường. Nghĩa là CP nào hot, thanh khoản lớn, cộng thêm một số yếu tố hấp dẫn nữa có thể được ưu ái cấp margin nhiều hơn. Thường có một số CP hot còn có thể được CTCK lách luật cho vay vượt quá tỷ lệ quy định là 1:1 Điều này thoạt nhìn vừa có lợi cho NĐT, được vay nhiều để mua nhiều CP, có khả năng sinh lời, CTCK cũng thu được nhiều lãi vay hơn và CP nhờ đó cũng có thể tăng mạnh hơn. Nhưng bên cạnh đó cũng có một loạt bất lợi như CP nóng, rủi ro cho NĐT gia tăng và tiềm ẩn rủi ro giải chấp cho CTCK.
Cũng nói đến chuyện giải chấp, một thông tin cũng được NĐT nhỏ to với nhau là khách VIP, khách quen có khi được ưu ái hơn, nghĩa là nếu khách VIP tỷ lệ an toàn có thể hạ xuống thấp hơn, và thời gian để xử lý lâu hơn.
Đến lúc này, câu hỏi quay trở lại là CTCK thường nói về việc tự động hóa hệ thống quản lý margin, vậy hàm lượng tự động hóa đến đâu? Điều này cũng khó trả lời, bởi theo quy trình, khi tài khoản của NĐT vào ngưỡng gần với việc bị giải chấp CTCK sẽ cho nhân viên môi giới thông báo đến NĐT, thay vì một quy trình tự động hoàn toàn từ hệ thống.
Nghĩa là ngoài những phần mềm còn có con người tham gia, mà như vậy không tránh khỏi yếu tố cảm tính. Điều cuối cùng cần bàn đến là chính sách quản lý rủi ro margin của CTCK thường thiếu nhất quán. Có những CTCK cho vay rất “bốc” với tỷ lệ nợ vay/vốn rất cao, nhưng đến khi thị trường giảm mạnh, bị giải chấp, thậm chí âm vốn lại trở nên thận trọng. Và đôi khi nếu không bị âm nhưng NĐT bị giải chấp hết tiền, có muốn vay cũng không vay được nhiều và CTCK lại phải tìm kiếm khách hàng mới.
Một số CTCK linh hoạt hơn, chẳng hạn như khi thị trường giảm thì siết margin từ từ và tăng cũng cơi nới, nhưng cũng có thể gọi là mạo hiểm, bởi khó đoán định được diễn biến của thị trường. Hơn nữa, còn có những nghi ngờ về việc khi thị trường xuống, CTCK siết margin để buộc NĐT phải xả hàng, và CTCK mua được giá rẻ và khi thị trường lên sẽ mở margin để NĐT gom hàng do CTCK xả ra.