Sinh viên Lê Thị Như Quỳnh trình bày “Nghiên cứu tổng hợp nano đồng từ dung dịch Cu2+ bằng dịch chiết nước lá trầu không ứng dụng làm chất kháng một số loại nấm trên cây trồng” |
Tại hội thảo, 60 sinh viên lớp KOSEN đã báo cáo kết quả bước đầu nghiên cứu của mình. Các hướng nghiên cứu của các em tập trung vào vấn đề ứng dụng, giải quyết các vấn đề mà công nghiệp sản xuất hiện đang gặp phải như: Vật liệu tiên tiến ứng dụng xử lý ô nhiễm môi trường; năng lượng tái tạo; các hợp chất từ tự nhiên có hoạt tính sinh học; vật liệu nano và xúc tác.
Kết quả bước đầu cho thấy các sinh viên đã biết vận dụng kiến thức nền tảng vào nghiên cứu; kết hợp với sự hướng dẫn của giảng viên của chuyên gia JICA (Nhật Bản).
TS. Nguyễn Chí Hiếu, Phó Hiệu trưởng Trường đại học Công nghiệp TP. Hồ Chí Minh phát biểu |
Thông tin cụ thể về dự án JICA, TS. Nguyễn Chí Hiếu, Phó Hiệu trưởng Trường đại học Công nghiệp TP. Hồ Chí Minh - cho biết, năm 2013, trường được Chính phủ Nhật Bản (JICA) và Bộ Công Thương lựa chọn thực hiện “Dự án phát triển nguồn nhân lực ngành Công nghiệp hóa chất - Công nghiệp nặng”. Dự án nhằm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ ngành công nghiệp nặng và hóa chất tại Việt Nam. Đến nay, dự án đã thực hiện được 3 năm và được mở rộng thêm cho đến năm 2018. Trong chương trình đào tạo, sinh viên được giảng dạy theo phương pháp giảng dạy tích cực, thực hành trên các trang thiết bị hiện đại. Hội thảo được tổ chức lần này nhằm đánh giá giữa kỳ cho sinh viên thực hiện đồ án tốt nghiệp cũng như chia sẻ kinh nghiệm với doanh nghiệp và các trường thuộc Bộ.
TS. Đinh Văn Châu, Vụ Phát triển nguồn nhân lực (Bộ Công Thương) đánh giá, đây là dự án trọng điểm của Bộ Công Thương trong đào tạo nguồn nhân lực. Bộ Công Thương tin tưởng rằng, với sự nỗ lực của các bên sau khi khóa học kết thúc các em sinh viên sẽ yên tâm về kiến thức và kỹ năng để đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp.