Lạng Sơn phấn đấu đến cuối năm 2023 tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 5,92% Tỉnh Lạng Sơn: Đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử, tìm đầu ra cho nông sản |
Xác định chuyển đổi số là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, Lạng Sơn đã huy động toàn bộ hệ thống chính trị, mọi nguồn lực xã hội để triển khai đồng bộ, toàn diện trên mọi lĩnh vực, nhằm tạo đà cho địa phương tăng trưởng bứt phá trong tương lai.
Toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế quốc tế đòi hỏi các địa phương phải đẩy mạnh nghiên cứu và ứng dụng khoa học, công nghệ để phát triển theo hướng văn minh, hiện đại. Cùng với cả nước, tỉnh Lạng Sơn đang tập trung thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số và phát triển kinh tế số. Xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm đặc biệt, những năm qua, tỉnh Lạng Sơn đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện, với sự quyết tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị, chính quyền các cấp, mọi nguồn lực xã hội.
Ông Nguyễn Trọng Hùng – Phó giám đốc phụ trách Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Lạng Sơn |
Trao đổi về vấn đề này, Ông Nguyễn Trọng Hùng – Phó giám đốc phụ trách Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh cho biết, năm 2022, tỉnh Lạng Sơn đã triển khai chuyển đổi số tổng thể và toàn diện trên tất cả các lĩnh vực và đạt được những kết quả quan trọng.
Theo đó, các nhiệm vụ trên 5 trụ cột chuyển đổi số đã hoàn thành tương đối đồng bộ, hoàn chỉnh, rõ nét mô hình chuyển đổi số tỉnh Lạng Sơn. Nhận thức của các cấp, các ngành và người dân, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh về chuyển đổi số được nâng lên rõ rệt. 11/11 huyện, thành phố đã kiện toàn Ban Chỉ đạo về chuyển đổi số cấp huyện. Trên toàn tỉnh đã kiện toàn 1.676 Tổ công nghệ số cộng đồng với 7.856 thành viên, là cánh tay nối dài của Ban Chỉ đạo về chuyển đổi số các cấp, đóng vai trò then chốt đưa công nghệ số, kỹ năng số đến với người dân.
Hiện nay tại Lạng Sơn,100% người dân và doanh nghiệp có trợ lý ảo hỗ trợ thực hiện thủ tục hành chính; 100% cơ sở dữ liệu dùng chung của tỉnh hoạt động trên nền tảng Lạng Sơn Cloud Make-in-VietNam; 100% hoạt động của chính quyền các cấp từ tỉnh đến xã đưa lên trên nền tảng số; 100% dịch vụ công đủ điều kiện lên trực tuyến mức độ 4 phục vụ người dân và doanh nghiệp trên nền tảng số. Tỉnh đã khai trương và đưa vào sử dụng Cổng thông tin dữ liệu đất đai, Trung tâm thông tin chỉ đạo điều hành của UBND tỉnh; Triển khai xây dựng giải pháp nền tảng số ATM mềm; An toàn, an ninh mạng là then chốt trong công cuộc chuyển đổi số của tỉnh được đảm bảo.
Thực hiện Lễ ký kết giữa Viettel Lạng Sơn với UBND xã Điềm He, huyện Văn Quan |
Để thực hiện nhiệm vụ Chuyển đổi số, điều đầu tiên là đảm bảo hạ tầng công nghệ. Là một trong những đối tác cùng tham gia, Viettel Lạng Sơn đã đẩy mạnh đầu tư hạ tầng mạng viễn thông, hạ tầng Internet vạn vật, hạ tầng băng thông rộng, cơ sở dữ liệu... Ưu tiên triển khai các công nghệ mới nhất, mở rộng vùng phủ và nâng cao chất lượng dịch vụ. Đơn vị này đã triển khai hơn 600 trạm phát sóng 4G, là nhà mạng có số lượng trạm phát sóng 4G nhiều nhất trên địa bàn.
Cùng chung tay với địa phương thực hiện CĐS, Tập đoàn VNPT đã xây dựng và triển khai những sản phẩm tiên phong tại Lạng Sơn. Tiêu biểu, trong lĩnh vực chính quyền số, VNPT đã tư vấn và triển khai rất nhiều các giải pháp cho tỉnh như: Trung tâm thông tin và chỉ đạo điều hành tỉnh (IOC), Trợ lý ảo cho người dân về các thủ tục hành chính (iSee), Công dân số xứ Lạng… Trong đó, Trung tâm IOC được xem là “bộ não số” của tỉnh với các giải pháp công nghệ kết hợp nhịp nhàng với các sáng kiến về mô hình quản trị vận hành đô thị và sự tham gia tích cực của người dân, doanh nghiệp.
Là một trọng tâm trong CĐS, phát triển kinh tế số được Lạng Sơn đẩy mạnh và triển khai rộng khắp các lĩnh vực. Số hóa nông nghiệp nông thôn tiếp tục duy trì phát triển nhanh và bền vững trên sàn thương mại điện tử Portmart.vn và Voso.vn. Hiện, Lạng Sơn có 19.835 sản phẩm trên sàn thương mại điện tử, tăng 66,8%, đứng thứ 02 toàn quốc; có 45.445 giao dịch thành công, tăng 400% so với thời điểm 31/12/ 2021, đứng thứ 04 toàn quốc. Việc phát triển kinh tế số đã thay đổi hoàn toàn nhận thức, cách làm truyền thống của người dân, hộ gia đình về tiêu thụ sản phẩm trên không gian số, sàn thương mại điện tử, mở rộng không gian tiêu thụ sản phẩm ra toàn quốc.
Một trong những điểm nhấn lớn về CĐS tại Lạng Sơn là việc triển khai thí điểm Nền tảng cửa khẩu số đã thành công. Đến cuối năm 2022, 100% các doanh nghiệp đã khai báo trực tuyến trên nền tảng này trước khi phương tiện đến cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị, cửa khẩu Tân Thanh và được xử lý trên Nền tảng cửa khẩu số. Đến nay, Nền tảng cửa khẩu số đã chạy ổn định, đa số các doanh nghiệp thành thạo khai báo thông tin trực tuyến và đã có hơn 1.400 doanh nghiệp đăng ký tài khoản trên đây.
‘’Nền tảng cửa khẩu số đã giúp Lạng Sơn đẩy mạnh cải cách TTHC, tiết kiệm thời gian, công sức, chi phí cho các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân tham gia vào hoạt động xuất nhập khẩu; giúp minh bạch hóa, hạn chế các tiêu cực, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong hoạt động xuất nhập khẩu...”- đại diện Sở đánh giá.
Với những kết quả đã đạt được, Lạng Sơn được xếp thứ 5/63 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước về chuyển đổi số. Cùng đó, nền tảng cửa khẩu số của tỉnh đã được nhận giải thưởng Viet Solutions 2022 cho bài toán chuyển đổi số xuất sắc cho địa phương; Lạng Sơn cũng vinh dự là 1 trong 7 đơn vị trong toàn quốc đạt giải thưởng “Cơ quan nhà nước chuyển đổi số xuất sắc”. Ngoài ra, Lạng Sơn là 01 trong 05 tỉnh, thành phố trên cả nước được Hội truyền thông số và Bộ Thông tin và Truyền thông tôn vinh về cung cấp dịch vụ công trực tuyến tốt nhất, thu hút được sự tham gia rộng rãi của người dân và doanh nghiệp.
Tập huấn cho thanh niên trên địa bàn thành phố Lạng Sơn |
Tuy nhiên trong quá trình thực hiện, Lạng Sơn cũng đối mặt với những khó khăn nhất định. ‘’Đặc biệt là nguồn nhân lực về công nghệ thông tin, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao còn hạn chế. Thêm nữa, Lạng Sơn có địa hình đồi núi phức tạp, chia cắt, toàn tỉnh trước năm 2022 còn có 268 thôn trắng sóng hoặc sóng yếu là những nguyên nhân có tác động không nhỏ trong quá trình thực hiện chuyển đổi số đến từng người dân’’- ông Hùng cho hay.
Trước thực tế đó, Lạng Sơn đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông xem xét chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan hỗ trợ kết nối, chia sẻ dữ liệu chuyên ngành với cửa khẩu số. Đồng thời quan tâm hỗ trợ tỉnh Lạng Sơn thực hiện phủ sóng di động ở các thôn chưa có sóng hoặc sóng yếu, đảm bảo đến hết năm 2023 có 100% thôn trên địa bàn tỉnh được phủ sóng di động 3G/4G.