Sơn La: “Đánh thức” du lịch cộng đồng Nà Bai – Phụ Mẫu
Điểm du lịch cộng đồng (DLCĐ) Nà Bai – Phụ Mẫu vừa khai trương tại xã Chiềng Yên, huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La. Đây là hai trong bốn điểm do tổ chức Action on Poverty (AOP) tại Việt Nam hỗ trợ tại tỉnh Sơn La trong khuôn khổ dự án “Thúc đẩy Bình đẳng Giới thông qua Du lịch Cộng đồng (GROW)” do Chính phủ Ôxtrâylia tài trợ.
Bà con giới thiệu đồ lưu niệm với khách du lịch |
Cách Hà Nội 150km, xã Chiềng Yên là nơi sinh sống của 5 dân tộc anh em – Dao, Thái, Mường, Kinh, Mông. Xã có dân số trên 5.000 người, trong đó 93,76% là người dân tộc thiểu số. Nghề chính là sản xuất nông nghiệp kết hợp chăn nuôi gia súc, gia cầm. Nơi đây được biết đến với cảnh quan thiên nhiên ngoạn mục, đặc biệt tại hai bản Nà Bai và Phụ Mẫu với thác Tạt Nàng, mó nước nóng Bò Ấm, điểm săn mây, rừng nguyên sinh.
Theo tổ chức AOP, với điều kiện cảnh quan, khí hậu và văn hoá bản địa, bản Nà Bai và Phụ Mẫu có tiềm năng thúc đẩy DLCĐ trong khu vực. Tuy nhiên, do còn nhiều khó khăn nên việc phát triển du lịch tại xã bị đình trệ như tỉ lệ hộ nghèo, mù chữ chiếm 50% dân số; giao thông đi lại còn nhiều khó khăn.
Hơn hai năm kể từ khi dự án GROW đi vào hoạt động, người dân bản bản Nà Bai và Phụ Mẫu đã nhận được nhiều hỗ trợ thiết thực để phát triển mô hình DLCĐ địa phương. Nhiều lớp tập huấn nâng cao năng lực đã được tổ chức nhằm trang bị cho người dân kiến thức và kĩ năng cần thiết để kinh doanh, vận hành và quản lí mô hình DLCĐ của bản.
Mó nước nóng Bò Ấm tại bản Nà Bai thu hút du khách |
Dự án cũng đã cử nhiều cố vấn du lịch để hỗ trợ các hộ cải tạo nhà làm dịch vụ lưu trú (homestay), xây dựng các sản phẩm trải nghiệm như đi bộ xuyên rừng, săn mây, làm đồ lưu niệm từ tre, văn nghệ và ẩm thực truyền thống. Nhiều hộ dân đã được vay vốn để cải tạo nhà và mua sắm trang thiết bị phục vụ kinh doanh du lịch. Dự án đã giúp cộng đồng trở nên tự tin hơn trong việc cung cấp dịch vụ và quảng bá về mô hình DLCĐ, đặc biệt là chị em phụ nữ.
Tuy trong thời gian đó, dịch bệnh Covid-19 liên tục hoành hành, dẫn đến sự ngưng trệ của thị trường du lịch, các hộ kinh doanh hầu như không có thu nhập từ hoạt động du lịch. Nhưng có thể nói, đến thời điểm này, mô hình DLCĐ Nà Bai – Phụ Mẫu đã đi đến giai đoạn hoàn thiện, cơ sở vật chất và năng lực của các hộ kinh doanh đều đã đạt chuẩn, sẵn sàng tiếp đón du khách trong mùa du lịch 2022 đang đến.
Tính đến tháng 3/2022, 175 người dân tại bản được cải thiện sinh kế; 104 phụ nữ tăng thu nhập từ mô hình du lịch cộng đồng; 14 tổ nhóm dịch vụ được thành lập, trong đó 7 tổ nhóm do phụ nữ lãnh đạo và 10 homestay được cải tạo phù hợp, đạt tiêu chuẩn đón khách.
Ông Hà Văn Khương, điều phối viên điểm DLCĐ Phụ Mẫu chia sẻ, việc khai trương điểm DLCĐ là bước ngoặt đối với người dân địa phương, đây là cơ hội để bà con cải thiện sinh kế, vươn lên làm giàu với du lịch. “Dù hết sức bỡ ngỡ, nhưng bà con luôn lắng nghe để cải thiện chất lượng dịch vụ. Hy vọng khách sẽ không chỉ đến hôm nay mà còn quay lại với người dân chúng tôi trong tương lai”- ông Khương bày tỏ.
Những năm vừa qua, mô hình DLCĐ đã chứng minh tính hiệu quả trong việc xây dựng và phát triển cộng đồng bền vững. Thông qua việc cung cấp dịch vụ du lịch mang đậm tính địa phương, người dân được nâng cao năng lực trong việc kinh doanh từ đó có thu nhập tốt hơn, văn hoá được bảo tồn và môi trường tự nhiên được bảo vệ.
Nài Bai mang vẻ đẹp hoang sơ, yên bình |
Từ năm 2014, AOP tại Việt Nam đã triển khai các dự án phát triển DLCĐ với mục tiêu phát triển cộng đồng dựa vào du lịch – coi du lịch là công cụ để phát triển cộng đồng một cách bao trùm và bền vững. Tính đến nay, AOP đã hỗ trợ triển khai mô hình này tại 7 huyện vùng núi phía Bắc với 18 điểm du lịch đang hoạt động.
Trong giai đoạn 2019-2022, với nguồn tài trợ từ Chính phủ Ôxtrâylia, sự hỗ trợ của chính quyền và các đoàn thể, đặc biệt là sự đồng lòng của người dân địa phương, AOP triển khai dự án “Thúc đẩy Bình đẳng Giới thông qua Du lịch Cộng đồng (GROW)” tại bốn bản du lịch tiềm tăng của huyện Mộc Châu và Vân Hồ, trong đó có hai điểm Nà Bai và Phụ Mẫu.
Du khách tham quan bản Phụ Mẫu |
Ông Nguyễn Tất Quân – Quản lí dự án, đại diện tổ chức AOP tại Việt Nam cho biết, AOP cam kết tiếp tục đồng hành cùng người dân xã Chiềng Yên, huyện Vân Hồ để phát triển mô hình DLCĐ Nà Bai – Phụ Mẫu. "Chúng tôi mong muốn hỗ trợ nâng cao năng lực để bà con tự tin và chủ động trong việc đón khách, kết nối thị trường. Chúng tôi cũng rất mong lãnh đạo địa phương tiếp tục đồng hành hỗ trợ người dân phát triển du lịch thông qua các chính sách và cơ chế quản lí phù hợp, đảm bảo quy hoạch chung của bản để bảo vệ cảnh quan và bảo tồn văn hoá địa phương"- ông Quân nhấn mạnh.