Startup công nghệ: Hấp dẫn nhà đầu tư ngoại
Lĩnh vực công nghệ được nhiều bạn trẻ quan tâm khởi nghiệp |
Vốn tăng mạnh
Cuối tháng 8 vừa qua, VinaCapital đã thành lập Quỹ đầu tư mạo hiểm VinaCapital Ventures với quy mô 100 triệu USD để đầu tư vào các startup công nghệ... Hoạt động đầu tiên của VinaCapital Ventures là khoản đầu tư lên tới hàng triệu USD vào Logivan và FastGo - hai startup về giải pháp công nghệ trong lĩnh vực giao thông vận tải tại Việt Nam. Động thái này của VinaCapital cho thấy startup công nghệ tại Việt Nam đang rất tiềm năng và thu hút nhà đầu tư.
Thực tế, đã có rất nhiều startup công nghệ của Việt Nam thành công trong việc gọi vốn. Điển hình như lĩnh vực du lịch, startup Triip.me - dù mới thành lập từ năm 2014 nhưng tới nay đã ký hợp đồng với hơn 6.000 chuyên gia trong nước và khoảng 7.000 tour tại hơn 635 thành phố của hơn 100 quốc gia trên toàn thế giới.
Ông Hải Hồ - CEO Triip - cho hay, tháng 2/2016, Triip đã nhận 500.000 USD vốn hạt giống từ Quỹ đầu tư Gobi Partners và khoảng 150.000 USD từ các nhà đầu tư trong quý 2/2017. Hiện, đơn vị đặt mục tiêu tăng trưởng doanh thu tăng gấp 10 lần, khoảng 500.000 USD mỗi tháng vào cuối năm nay.
Trong lĩnh vực thương mại điện tử, Tiki.vn cũng liên tục gọi vốn thành công từ nhà đầu tư trong và ngoài nước như VNG, Seedcom, Sumitomo, CyberAgent Venture. Gần đây nhất, đầu tháng 1/2018, JD.com công bố đầu tư 44 triệu USD vào Tiki.vn và trở thành đối tác chiến lược của startup này với lý do đây là công ty có hiểu biết sâu sắc về thị trường Việt Nam, có dịch vụ khách hàng xuất sắc, trang thương mại điện tử nội địa hàng đầu.
Có thể nói, thành công của những doanh nghiệp (DN) thương mại điện tử, du lịch hay vận chuyển như Tiki, Logivan, Triip… đã tạo hiệu ứng tốt, kích thích startup công nghệ.
Tận dụng ưu thế
Không thể phủ nhận, công nghệ đã thay đổi tích cực trong hướng đi của DN hiện nay. Tuy nhiên, còn nhiều vấn đề đặt ra và sự lo ngại ứng dụng công nghệ không thành công, khởi nghiệp sẽ thất bại.
Ông Vũ Anh Tuấn - Chủ tịch Câu lạc bộ Ươm tạo DN TP. Hồ Chí Minh - chia sẻ, trong số hơn 40 ý tưởng của các startup đang được ươm tạo tại đây, chỉ có vài ý tưởng được cho là thành công, số còn lại vẫn đang trong giai đoạn thử nghiệm và chật vật tìm nhà đầu tư rót vốn.
Ông Tuấn cho rằng, sở dĩ các ý tưởng này khó hoặc chưa thể thành công là do số người tham gia nghiên cứu ít, cơ sở vật chất thiếu, kinh nghiệm phát triển thị trường chưa có, chưa hấp dẫn nhà đầu tư...
Theo bà Trương Lý Hoàng Phi - Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp, nhiều DN khởi nghiệp chia sẻ, lúc bắt đầu khởi nghiệp luôn giữ quan điểm công nghệ phải là số một. Chỉ sau khi thất bại mới nghĩ đến việc cần phải dung hòa giữa công nghệ và thị trường. Các startup không nhất thiết phải nghĩ ra những ý tưởng, sản phẩm to lớn. Quan trọng hơn,các sản phẩm này phải có đủ những tính năng cơ bản, được thị trường chấp nhận sẽ thành công.
Hiện có khoảng 40 quỹ đầu tư hoạt động tại Việt Nam, phần lớn là quỹ của nước ngoài. Hoạt động đầu tư khởi nghiệp sáng tạo trong cả nước có sự tăng trưởng nhưng số nhà đầu tư thiên thần ở Việt Nam chưa nhiều, trong khi các startup rất cần được rót vốn ban đầu. |