CôngThương - Trước khi thảo luận, các đại biểu đã nghe Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội trình bày Tờ trình về việc triển khai chủ trương nói trên .
Theo đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nêu quan điểm sửa đổi Hiến pháp năm 1992 phải dựa trên cơ sở tổng kết việc thi hành bản hiến pháp này cũng như các đạo luật có liên quan. Đồng thời, phải căn cứ vào định hướng, nội dung Cương lĩnh (bổ sung, phát triển năm 2011) và các văn kiện khác của Đảng. Việc sửa đổi, bổ sung phải được thực hiện trên cơ sở kế thừa những quy định còn phù hợp của cả bản Hiến pháp năm 1992 và các bản hiến pháp trước đây. Chỉ nên sửa đổi những nội dung thực sự cần thiết, phù hợp với tình hình mới với những nội dung đã được văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng xác định.
Việc sửa đổi phải thể hiện việc tiếp tục khẳng định bản chất và mô hình của hệ thống chính trị và bộ máy nhà nước đã được xác định trong Cương lĩnh năm 1991 (bổ sung, phát triển năm 2011) và Hiến pháp năm 1992; chú trọng đến việc phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; đổi mới đồng bộ, phù hợp về kinh tế và chính trị vì mục tiêu xây dựng nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Tờ trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đưa ra yêu cầu sửa đổi hiến pháp phải đảm bảo tôn trọng quyền con người, quyền tự do, dân chủ của công dân. Đảm bảo quyền không tách rời nghĩa vụ của công dân và thực hiện dân chủ xã hội chủ nghĩa.
Yêu cầu cuối cùng được nhấn mạnh trong tờ trình là quá trình sửa đổi hiến pháp phải được thực hiện một cách chặt chẽ, khoa học dưới sự lãnh đạo của Đảng; đảm bảo có sự tham gia của các chuyên gia, các nhà khoa học, nhà quản lý và được tổ chức lấy ý kiến rộng rãi của nhân dân và các tổ chức, cơ quan. Bên cạnh đó thực hiện tốt công tác thông tin tuyên truyền đúng định hướng, không để các đối tượng xấu, cac thế lực thù địch lợi dung để chống phá, xuyên tạc trong quá trình nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung hiến pháp.
Hầu hết các đại biểu tán thành với việc cần thiết phải nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992, đóng góp nhiều ý kiến tập trung vào từng nội dung của việc sửa đổi, bổ sung lần này với trọng tâm là việc sửa đổi, bổ sung nội dung liên quan đến tổ chức bộ máy nhà nước.
Đại biểu Nguyễn Đình Quyền (Hà Nội), Nguyễn Quốc Cường (Bắc Giang) cho rằng, Hiến pháp năm 1992 chỉ dừng lại ở việc đổi mới chế độ kinh tế, văn hóa, xã hội, quyền và nghĩa vụ của công dân… còn nội dung về bộ máy quản lý nhà nước vẫn giữ nguyên so với các bản hiến pháp trước đó. “Chúng ta phải giải mã được nguyên tắc quyền lực nhà nước là tập trung và thuộc về nhân dân và có sự phối hợp giữa các cơ quan nhà nước trong hệ thống tam quyền: Lập pháp, hành pháp và tư pháp” – đại biểu Nguyễn Đình Quyền nhấn mạnh.
Đại biểu Trần Du Lịch (TP.Hồ Chí Minh) nêu câu hỏi: Lần này chúng ta sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992 hay xây dựng mới bản Hiến pháp năm 2013? Nếu sửa đổi toàn bộ bản Hiến pháp 1992 như tờ trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội thì đây sẽ là một bản hiến pháp mới. “Chúng ta cần làm rõ hai khái niệm này để có định hướng đúng đắn” – đại biểu Trần Du Lịch đề nghị. Ông nói thêm: “Hiện nay luật pháp Việt Nam không có khái niệm chính quyền địa phương mà chỉ có Hội đồng nhân dân. Nếu quy định Hội đồng nhân dân là cơ quan quyền lực nhà nước địa phương thì rất không ổn về mặt lý luận. Một nhà nước thống nhất chỉ có một quyền lực là quyền lực quốc gia. Một quốc gia thống nhất gồm ba yếu tố: Sự thống nhất về mặt dân tộc, thống nhất về lãnh thổ và quyền lực chính trị được thiết lập trên lãnh thổ đó. Cái đó chỉ có một, chứ không thể có nhà nước trung ương, nhà nước địa phương”.
Sau những phân tích mang tính lý luận rất sâu sắc, đại biểu Trần Du Lịch kết luận: “Nếu chúng ta không làm rõ được vấn đề này thì sẽ lúng túng trong xây dựng bộ máy chính quyền và không thể nào nâng cao được hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước như định hướng của Đảng”.
Ngày mai (5/8), Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường để thảo luận về quyết toán ngân sách nhà nước năm 2009; việc ban hành bổ sung một số giải pháp về thuế nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và cá nhân, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế năm 2011; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm 2011; các giải pháp thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước 6 tháng cuối năm 2011.