Cống hiến sức trẻ
“Thấy nhau trong tầm mắt, gặp nhau mất nửa ngày”, “đất không ba bước bằng, trời không ba ngày nắng”… đó là những gì mà người ta hay nói về “cổng trời” Quản Bạ - cửa ngõ đầu tiên lên cao nguyên Đồng Văn, nằm ở độ cao hơn 1.500 m so với mực nước biển.
Chỉ có những ai đã từng lên Quản Bạ mới cảm nhận hết được sự hùng vĩ của núi rừng nơi đây. Từ trên cao nhìn xuống, con đường đi ngoằn ngoèo, lắt léo như một sợi dây thừng mà ai đó vừa quăng vội xuống, lúc lọt giữa hẻm núi sâu, hai vách dựng đứng, lúc lại uốn lượn quanh sườn núi bao bọc những thửa ruộng bậc thang, lúc chênh vênh giữa đỉnh trời, mở ra một biển mây bồng bềnh…
Chúng tôi dừng chân tại Cửa hàng Xăng dầu Tam Sơn, thuộc thị trấn Tam Sơn, trung tâm của huyện Quản Bạ - nằm đối diện ngọn núi đôi nổi tiếng, mà mọi người thường gọi là núi đôi Quản Bạ hay núi Cô Tiên. Mặc dù những ngày cuối năm bận rộn, nhưng những cán bộ, nhân viên tại Cửa hàng Xăng dầu vẫn đón chúng tôi bằng thái độ chân thành và cởi mở.
Trong năm 2018, sản lượng xăng dầu bán lẻ ở Cửa hàng Xăng dầu Tam Sơn đạt 4.055 m3; sản lượng khí dầu mỏ hóa lỏng đạt 70.000 kg… |
“Petrolimex thực sự là ngôi nhà thứ hai của chúng em, thời gian ở đây còn nhiều hơn ở nhà” - Nguyễn Thị Minh (sinh năm 1988) - cô gái có thân hình nhỏ nhắn, một trong hai nhân viên nữ tại cửa hàng chia sẻ và cho biết, cửa hàng có 7 nhân viên đến từ nhiều vùng quê khác nhau như Thái Bình, Hải Dương, Hưng Yên, Phú Thọ, Hà Giang, Tuyên Quang… và đều có tuổi đời còn rất trẻ, cuối 8X, đầu 9X.
Minh tâm sự, em sinh ra ở xã Sơn Dương, thuộc huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ. Ngay sau khi tốt nghiệp trường cao đẳng thương mại, cô sinh viên chuyên ngành kế toán đã về làm nhân viên của Petrolimex Hà Giang từ tháng 4/2009 và đến nay đã được gần 10 năm. Trước khi lên công tác tại Cửa hàng Xăng dầu Tam Sơn từ giữa năm 2018, em đã làm ở cây xăng Cầu Mè hơn 4 năm và Bắc Mê gần 5 năm.
“Trở thành công nhân ngành xăng dầu bằng cả niềm say mê, nhiệt huyết của tuổi trẻ, đến bây giờ ngọn lửa với nghề trong em chưa bao giờ tắt” - Minh nói và hướng mắt nhìn ra trạm xăng - nơi có những vị khách là người Tày, người Mông… đang đứng chờ đổ xăng với sản lượng trung bình 1 ngày ở đây bán được 8.000 - 9.000 lít xăng.
Cũng giống như Minh, Nguyễn Văn Chiến (sinh năm 1988), sinh ra và lớn lên ở thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ nhưng đã gắn bó với mảnh đất Hà Giang như quê hương thứ hai. Chiến cũng đã có 10 năm làm ở Petrolimex Hà Giang, trong đó có 6 năm ở Cửa hàng Xăng dầu Tam Sơn nên được coi như “lão làng” ở đây. Hơn nữa, Petrolimex Hà Giang cũng là “bà mai” giúp Chiến quen với người vợ của mình. Hai người đã gặp và yêu nhau khi cùng làm ở Cửa hàng xăng Yên Minh.
Nguyễn Văn Chiến đã có 6 năm làm việc ở Cửa hàng Xăng dầu Tam Sơn |
Chiến kể, lý do vợ chồng em gắn bó với Petrolimex Hà Giang vì lãnh đạo Petrolimex luôn coi họ như người nhà ruột thịt. Công ty luôn chăm sóc tốt cho công nhân viên qua các chế độ đãi ngộ, mức lương đảm bảo cuộc sống. “Ở đây, các cán bộ, công nhân viên sống rất tình cảm, thân thiện, coi nhau như một gia đình. Cũng nhờ chia ngọt sẻ bùi, đoàn kết, giúp đỡ nhau trong những ngày sống nơi đất khách, đã giúp chúng em có sự gắn bó keo sơn và luôn sát cánh bên nhau trên con đường đưa xăng dầu đến các địa bàn vùng sâu, vùng xa, khó khăn nhất của tỉnh Hà Giang” - Chiến bày tỏ.
Miệt mài với… chữ “P”
Nếu không “tận mục sở thị”, chúng tôi sẽ rất khó hình dung, hành trình băng đèo, lội suối đưa xăng dầu lên ngàn lại vất vả và khó khăn đến thế. Nhưng cũng qua đó, chúng tôi cảm thấy cảm phục và thấm thía một điều, nhiệt huyết của thế hệ thanh niên lúc nào cũng cháy bỏng, sẵn sàng cống hiến sức trẻ về với vùng cao biên giới xa xôi, góp phần thúc đẩy kinh tế, thay đổi diện mạo một huyện nghèo như ở nơi “cổng trời” biên giới.
Là một trong những người trẻ nhất tại cây xăng, Nguyễn Văn Giới (sinh năm 1992), sinh ra tại mảnh đất nằm ở hạ lưu sông Hồng, thuộc phía đông của tỉnh Hưng Yên - huyện Ân Thi, nơi mà bóng dáng của núi đồi trập trùng không hề tồn tại, nhưng Giới lại “háo hức” và không chút do dự khi lên nhận quyết định làm việc tại Petrolimex Hà Giang, đến nay đã 4 năm, trong đó làm việc tại Cửa hàng Xăng dầu Tam Sơn được hơn 2 năm. Vì điều kiện làm việc xa, nên mỗi năm Giới chỉ về thăm nhà được 1 lần.
Ngoài bán xăng ở cửa hàng, Giới còn cùng những nhân viên ở đây chở bình gas xuống các thôn, bản. Mỗi bình gas gồm cả vỏ và khí nặng tới 90 kg, bình nhỏ hơn cũng 24 kg. Trung bình một ngày chở tới 20 - 25 bình gas và phương tiện chủ yếu là xe máy. “Đường vào các thôn, bản rất nhỏ, hẹp và gập ghềnh. Có lần chở đến điểm trường mầm non ở thôn Nậm Đăm, nhiều đoạn lầy lội, xe máy không thể đi qua, em phải xuống đẩy xe, dắt bộ… Vì thế, có khi đưa gas mất đến vài tiếng đồng hồ”- Giới nhớ lại nhưng vẫn khẳng định, dù vậy, đối với em công việc này cũng như bao công việc bình thường khác, làm lâu dần cũng quen và thích nghi dần. Quan trọng nhất, mình là người bán hàng, phải quan hệ ứng xử vơí người dân và khách hàng sao cho thân thiện.
Nhân viên tại Cửa hàng Xăng dầu Tam Sơn chủ yếu là người trẻ |
Tiếp lời, Minh chia sẻ thêm, nếu đi xa cách đây khoảng 22 - 23 km công ty có xe ô tô chở, còn xe máy đi ở điểm gần hơn khoảng 15 - 16 km. Em hay chở gas vào các xã Lùng Tám, Quyết Tiến, đường vào rất khó đi, có chỗ đường đất, hễ trời mưa đường trơn trượt. Nhiều hôm trở về trời đã nhá nhem tối, mây bắt đầu giăng qua các ngọn núi và bao phủ toàn không gian trong phút chốc. Thời tiết ở đây quá khắc nghiệt so với thời tiết ở xuôi. “Nhưng tuổi trẻ thì bọn em không ngại ngần gì cả” - Minh hào hứng nói với chúng tôi.
Đối với Chiến cũng vậy. Chiến bảo, trên đây lạnh lắm, lạnh hơn so với các vùng khác. Mùa đông khắc nghiệt, thiếu thốn đủ thứ, nhưng sợ nhất là có năm không có nước ngọt dùng, phải mua nước về sinh hoạt. “Ở đây chỉ mùa hè mới có mưa, mùa đông, bắt đầu từ tháng 9, tháng 10 trở đi là trời không mưa, chỉ có rét nên nước hiếm, không đủ nước để chảy về đến cây xăng” - Chiến nói và cho biết thêm, do đa số người dân ở đây là người dân tộc nên họ cập nhật thông tin chậm hơn, có người còn không nói được tiếng Kinh, vì vậy khi họ thắc mắc về giá cả, sản phẩm, phải mất nhiều thời gian để giải thích cho họ hiểu…
Tết đến, Xuân về là dịp mọi người trong gia đình được quây quần, sum họp bên nhau cùng đón năm mới. Tuy nhiên, do đặc thù công việc, nhiều cán bộ công nhân viên ngành xăng dầu vẫn phải đi làm, đi trực, không được hưởng Tết trọn vẹn bên người thân. Tuy nhiên, qua những chia sẻ của họ, chúng tôi hiểu rằng, công việc tuy có những vất vả, thiệt thòi nhất định nhưng cũng có những niềm vui, niềm tự hào riêng, đó là đảm bảo nguồn năng lượng cho cuộc sống chảy mãi không ngừng.
Bất giác tôi thấy mùa xuân nơi cổng trời Quản Bạ đến sớm hơn ở miền xuôi, đem đến niềm vui căng tràn sức trẻ của những thanh niên nơi mảnh đất biên cương cực Bắc.
Ông Nguyễn Tiến Dũng - Giám đốc Petrolimex Hà Giang: Hiện nay, tất cả các huyện, thành phố của tỉnh đều có cửa hàng xăng dầu do công ty đầu tư xây dựng. Mặc dù công ty phải hỗ trợ cước vận tải tạo nguồn đối với toàn bộ sản lượng bán lẻ ở khu vực vùng cao Hà Giang, nhưng sắp tới chúng tôi vẫn sẽ triển khai đến các xã trên các huyện vùng cao để giảm áp lực cho cửa hàng ở trung tâm huyện. Công ty không chỉ thực hiện nhiệm vụ kinh doanh thuần túy mà còn rất có ý thức trong việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của một doanh nghiệp Nhà nước là đáp ứng nhu cầu xăng dầu cho bà con dân tộc. |