Tác động hai mặt khi USD tăng giá
Đồng USD trên thế giới đã lên giá mạnh so với hầu hết các đồng tiền chủ yếu
Trước hết, đồng USD trên thế giới đã lên giá mạnh so với hầu hết các đồng tiền chủ yếu. Chỉ số đo sức mạnh của đồng đô la Mỹ (USD-Index) tuy có thời điểm vượt mốc 100 điểm, hiện ở mức 97,33 điểm, nhưng vẫn cao hơn nhiều so với mức trên dưới 80 điểm cách đây một vài năm. Đồng USD trên thế giới tăng do nhiều yếu tố.
“Đối đầu” lớn nhất của USD trên thế giới là đồng tiền chung châu Âu (euro). Quan hệ so sánh này được xét trên hai góc độ. Ở góc độ thứ nhất là sự sụt giá của đồng euro. Từ ngày 9/3/2015, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) có chương trình mua vào trái phiếu ở mức 60 tỷ euro/tháng, với tổng quy mô lên đến 1.000 tỷ euro, nhằm chống nguy cơ suy thoái, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và chống giảm phát.
Ở góc độ thứ hai là sự lên giá của đồng USD. Tăng trưởng kinh tế của Mỹ đã hồi phục từ mấy năm trước, tuy bị giảm trong quý I/2014, nhưng đã tăng vượt dự đoán trong 3 quý sau đó và khả năng tiếp tục tăng cao trong năm 2015, khi các chỉ số sản xuất, tiêu thụ, số lượng giao dịch và giá nhà ở tăng. Tỷ lệ thất nghiệp hiện giảm xuống dưới 5,5% và có khả năng giảm về dưới 5% - là mức của thời kỳ 1990 - 2000.
Diễn biến trên lại được sự hỗ trợ của các chính sách của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). Cách đây hơn một năm, Fed đã ngừng QE3 (gói nới lỏng định lượng thứ 3), hiện có dự báo Fed sẽ sớm nâng lãi suất sau nhiều năm đưa về mức thấp gần bằng 0. USD lên giá làm cho các dòng vốn càng đổ về Mỹ và càng làm cho USD mạnh lên.
Các yếu tố tác động đến sự biến động của giá USD ở Việt Nam, ngoài yếu tố giá USD trên thế giới tăng, còn do một số yếu tố trong nước. Yếu tố quan trọng là cán cân thương mại đã chuyển từ xuất siêu sang nhập siêu. Yếu tố thường xuyên là tâm lý bị tác động do sự gây “sóng” của những người nắm giữ USD. Có yếu tố do lượng ngoại tệ từ các nguồn vào Việt Nam bị chậm lại so với trước.
Việc lên giá của đồng USD đã tác động nhiều đến các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam. Tại Việt Nam, đồng USD lên giá đã tác động đến một số ngành, lĩnh vực, một số đối tượng trên thị trường. Rõ nhất là đối với xuất, nhập khẩu. Người xuất khẩu có lợi do việc USD lên giá sẽ khuyến khích xuất khẩu, trong khi nhập khẩu sẽ bất lợi. Tuy nhiên, với nhiều doanh nghiệp, do vừa xuất khẩu, vừa nhập khẩu, nên cân đối lại sẽ không được lợi bao nhiêu. Đối với cả nước, do nhập khẩu lớn hơn xuất khẩu, nên sẽ bị thiệt, nhưng dù sao, việc USD lên giá cũng sẽ tác động ít nhiều trong ngăn chặn nhập siêu.
Khi USD lên giá thì nợ ngoại tệ tính bằng VND sẽ cao lên, số trả nợ sẽ cao. Những doanh nghiệp vay ngoại tệ thì chi phí vay vốn và trả lãi tính bằng VND cũng sẽ cao lên, làm giảm lãi suất hoặc tăng lỗ. Đối với quốc gia cũng vậy. Khi tỷ lệ nợ nước ngoài/GDP đã cao, thì số trả nợ/tổng thu ngân sách cao. Người có ngoại tệ sẽ không bán ra, tình trạng găm giữ USD sẽ tăng lên, làm cho tình trạng đô la hóa có nguy cơ trở lại.
Chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới khá cao (hiện ở mức trên 10%), rất dễ gây ra tình trạng buôn lậu vàng vào Việt Nam. Tuy nhiên, khi giá USD tăng lên, thì chênh lệch sẽ không còn lớn như trước; nhưng nếu chênh lệch còn lớn, thì cũng cần phải quản lý ngoại tệ cho tốt. Gửi tiết kiệm vào ngân hàng tuy vẫn đạt thực dương, do CPI giảm và tăng thấp hơn lãi suất tiết kiệm, nhưng sẽ không còn hấp dẫn như trước, khi USD lên giá, do chênh với lãi suất gửi bằng USD cộng với tốc độ tăng giá USD bị giảm xuống.