Tái canh cây cà phê ở Tây Nguyên: Đáp án cho bài toán khó
Tái canh cây cà phê là việc làm khó khăn |
Cần nhưng khó thực hiện
Gần 10 năm trở lại đây, vấn đề tái canh cây cà phê ở Tây Nguyên đã trở nên cấp thiết khi năng suất, sản lượng và chất lượng cà phê liên tục sụt giảm. Trong một hội thảo tổ chức đầu năm 2013, tiến sỹ Lê Ngọc Báu- Viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp Tây nguyên- đã chỉ rõ, năng suất cà phê Việt Nam thuộc loại “sung” nhất trong các nước sản xuất cà phê, gấp 2,5- 3 lần năng suất bình quân thế giới.
Theo đó, nếu năm 1980, cả nước có 22.500 ha cà phê, năng suất bình quân 0,78 tấn/ha, sản lượng 8.400 tấn, thì đến nay, theo số liệu của Cục Trồng trọt- Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), cả nước có 22 tỉnh, thành phố và 105 huyện trồng cà phê với 5 vùng sản xuất chính: Tây Nguyên, Đông Nam bộ, Nam Trung bộ, Bắc Trung bộ và Trung du miền núi phía Bắc, tổng diện tích tính đến cuối năm 2014 khoảng 641.000 ha, năng suất bình quân 22,2 tạ/ha.
Trong khi đó, để phá bỏ, trồng lại cà phê phải mất 5- 6 năm mới cho thu nhập. Hơn nữa, để tái canh, chi phí mỗi ha khoảng 150 triệu đồng cho các khâu cải tạo đất, cây giống, phân bón, công chăm sóc… nên hầu hết các gia đình ở khu vực trồng cà phê không kham nổi.
Không chỉ các nông hộ gặp khó mà nhiều doanh nghiệp trồng, chế biến cà phê cũng đang loay hoay với bài toán tái canh. Tổng công ty Cà phê Việt Nam (Vinacafe) cho biết, tổng số vốn cần cho kế hoạch tái canh 11.000 ha cà phê già cỗi của các đơn vị thuộc Vinacafe từ năm 2012- 2019 tới 2.813 tỷ đồng. Vinacafe đã có dự án tái canh được các cơ quan có thẩm quyền phê duyệt và đã làm việc với các ngân hàng để hỗ trợ vốn nhưng đến nay vẫn chưa có kết quả.
Trong khoảng 641.000 ha cà phê hiện nay, có khoảng 86.000 ha cà phê trên 20 năm tuổi, chiếm 15%; khoảng 140.000 ha từ 15-20 năm tuổi, chiếm 25%. Ngoài ra, hiện có khoảng 140.000- 160.000 ha cà phê già cỗi cần phải trồng thay chế và chuyển đổi trong vòng 4- 5 năm tới. |
Đã có lời giải
Ngày 13/3/2015, trong phiên họp bàn về vấn đề cà phê, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã đồng ý phương án cho vay tái canh cà phê tại các tỉnh khu vực Tây Nguyên giai đoạn 2014- 2020 theo đề nghị của Ngân hàng Nhà nước. Thủ tướng giao cho Ngân hàng Nhà nước chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức triển khai phương án trên, bảo đảm hiệu quả, đúng đối tượng và phát triển cây cà phê bền vững.
Bên cạnh đó, Thủ tướng chỉ đạo Bộ NN&PTNT, Bộ Công Thương và UBND các tỉnh Lâm Đồng, Kon Tum, Đăk Nông, Đăk Lăk, Gia Lai phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng Nhà nước để triển khai hiệu quả Đề án tái canh cà phê các tỉnh khu vực Tây Nguyên giai đoạn 2014- 2020 và phương án cho vay tái canh cà phê, hỗ trợ người trồng tái canh cà phê về quy trình kỹ thuật, xúc tiến thương mại, đồng thời chủ động xử lý các vấn đề vướng mắc phát sinh trong quá trình triển khai việc cho vay tái canh cà phê, bảo đảm việc tiếp cận vốn vay của người trồng cà phê dễ dàng, thuận lợi.
Trước đó, trong tháng 8/2013, Bộ NN&PTNT đã chỉ đạo Sở NN&PTNT các tỉnh và phòng NN&PTNT các huyện, các doanh nghiệp trồng cà phê, trên cơ sở Quy hoạch phát triển ngành cà phê Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030, triển khai lập Đề án trồng tái canh cà phê giai đoạn 2014- 2020 và xây dựng chính sách hỗ trợ trồng tái canh trên đất cà phê già cỗi năng suất thấp theo quy hoạch.