Tận thu nguồn “vàng nâu”
- Công ty Apatit Việt Nam kết hợp với Viện Hóa học công nghiệp và Trường Đại học Mỏ - Địa chất, nghiên cứu và thực hiện đề tài “Nghiên cứu quy trình công nghệ tuyển và sản xuất thuốc tuyển quặng Apatit loại II Lào Cai”. Hiện dây chuyền tuyển thử đang được thực hiện nghiên cứu tuyển bán công nghiệp tại Nhà máy tuyển quặng Tằng Loỏng (Lào Cai) từ 16/6/2011.
Ông Nguyễn Trọng Phú - Giám đốc Nhà máy tuyển quặng Tằng Loỏng - cho biết, nguồn nguyên liệu quặng loại III cung cấp cho các nhà máy tuyển lại cạn dần nên tình hình khai thác và tuyển quặng của các nhà máy tuyển ngày càng khó khăn. Quặng apatit loại II có trữ lượng lớn, nhưng hiện tại mới chỉ được khai thác khoảng 1% để sử dụng trực tiếp làm phân lân nung chảy. Vì thế, rất cần thiết phải làm giàu quặng loại II để thay thế dần quặng loại III.
Ông Bùi Đăng Ngọc - Giám đốc trung tâm nghiên cứu và triển khai các sản phẩm tuyển quặng (thuộc Viện Hóa học công nghiệp) - thành viên nhóm đề tài - cho biết, bắt đầu từ năm 2009, Viện Hóa học công nghiệp Việt Nam đã phối hợp với trường Đại học Mỏ - Địa chất nghiên cứu tìm ra loại thuốc tuyển quặng II này. Ông nhận định: so với quặng apatit loại III, việc tuyển quặng apatit loại II khó khăn hơn nhiều, do trong mạng lưới tinh thể của quặng II cùng có chứa cation Ca2+ có cùng hoạt tính tuyển nổi, bề mặt tinh thể của chúng có những đặc tính điện hóa rất giống nhau nên việc tách riêng chúng ra khỏi nhau bằng các loại thuốc tuyển quặng loại III không giải quyết được. Vì vậy cần thiết phải tìm ra một loại thuốc tuyển có độ chọn lọc cao đối với thành phần apatit. Để làm tăng độ chọn lọc cho thuốc tuyển nổi quặng apatit loại II, nhóm nghiên cứu đã đề xuất việc nghiên cứu chế tạo thuốc tập hợp tuyển nổi trên cơ sở các hợp chất ankyl hydroxamic axit (AHA), là một loại thuốc tuyển có độ chọn lọc cao, đã được các nhà khoa học Mỹ nghiên cứu để tuyển quặng apatit - dolomit (tương tự như quặng Apatit loại II Lào Cai).
Hiện đề tài đang được thực hiện thử với hình thức tuyển bán công nghiệp tại Nhà máy tuyển quặng Tằng Loỏng. Kết quả bước đầu cho thấy, với các mẫu thuốc tuyển do Viện Hóa học công nghiệp Việt Nam chế tạo, khi tuyển nổi mẫu quặng apatit loại II tại khu mỏ Cam Đường thu được tinh quặng có hàm lượng P2O5 từ 30,7÷32,5%, MgO từ 0,9÷2,05%, thu hoạch tinh quặng đạt 49,78÷55,76%, thực thu P2O5 từ 59,48÷62,94%.
Kết quả này cho thấy, có thể sử dụng thuốc tuyển do Viện Hóa học công nghiệp Việt Nam chế tạo để tuyển quặng apatit loại II Lào Cai. mở ra một hướng đi mới trong công tác khai thác và chế biến quặng apatit tại Lào Cai hứa hẹn đem lại lợi ích rất lớn không chỉ về mặt kinh tế mà còn cả về xã hội.
Bài và ảnh: Nguyễn Duyên