Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về vấn đề hợp tác thương mại quốc tế trong bối cảnh thế giới hiện nay, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, Bộ Công Thương đã chủ động phối hợp với các nước trong khu vực, nhất là ASEAN đưa ra cam kết duy trì chuỗi cung ứng, cung ứng cả nguyên vật liệu, trao đổi hàng hóa, cam kết trong mọi tình huống dù có dịch bệnh, biến động như nào thì các nước trong khu vực hành động theo nguyên tắc duy trì chuỗi cung ứng.
Hợp tác thương mại quốc tế thông qua các FTA đã góp phần quan trọng vào bức tranh xuất khẩu của Việt Nam |
“Các Bộ trưởng ASEAN đã thông qua danh sách các mặt hàng, cam kết duy trì lưu thông, thông suốt, dứt khoát trong mọi tình huống không bị đứt gãy chuỗi cung ứng, còn giá phải chấp nhận theo giá thị trường thế giới. Có nhiều sáng kiến được đưa ra tạo thuận lợi tối đa cho hoạt động thương mại, như rà soát cắt giảm hàng rào phi thuế quan, tăng cường thương mại điện tử để tạo thêm các kênh tiêu thụ hàng hóa cho người sản xuất. Các sáng kiến tương tự này đã và đang được đưa vào Diễn đàn APEC”- Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên chia sẻ.
Ngoài ra, để đảm bảo đầu ra cho hàng xuất khẩu, Bộ Công Thương nỗ lực để kết thúc đàm phán Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) và từ đầu năm 2022, hiệp định này có hiệu lực. Hiệp định này kết hợp với 14 hiệp định thương mại tự do (FTA) đã đi vào thực thi đã đóng góp quan trọng vào xuất khẩu, như năm 2021, xuất khẩu tăng 19%, và trong 2 tháng năm 2022, tiếp tục tăng 11%. “Điều này cho thấy, hướng hợp tác thương mại trong bối cảnh vừa qua và diễn biến tình hình thế giới tới đây là hết sức đúng, trúng và phù hợp, và tiếp tục kiên trì đi theo hướng này”- Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên trả lời chất vấn các đại biểu Quốc hội |
Liên quan đến câu hỏi của đại biểu Quốc hội Nguyễn Hải Dũng (Đoàn Nam Định) có đảm bảo cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam được lưu thông thuận lợi, thông suốt, ổn định, an toàn và đạt được mong muốn đề ra hay không, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho rằng, Việt Nam đã là thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), là thành viên của 17 FTA, trong đó có 15 FTA đã có hiệu lực. Hàng hóa của Việt Nam đã đến được trên 60 quốc gia, vùng lãnh thổ, để hưởng được lợi ích của 16 FTA đang có hiệu lực. Tuy nhiên, vấn đề quan trọng là sản phẩm hàng hóa cho chúng ta có đáp ứng được yêu cầu thị trường hay không thì lại là những câu hỏi không thể chỉ đặt ra với Bộ Công Thương mà phải đặt ra với các ban, ngành và với các doanh nghiệp và người sản xuất.
“Trong nền kinh tế thị trường, người sản xuất phải trả lời được câu hỏi sản xuất gì, bán đi đâu và bán cho ai, nhưng bây giờ chúng ta vẫn làm theo thói quen, làm theo tập quán là bán cái mình có chứ không phải bán cái thị trường cần, đây là vấn đề khó”- Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho hay.
Vì vậy, theo Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, để nâng được năng lực xuất khẩu của Việt Nam ra nước ngoài nhằm tận dụng được cơ hội với đúng nghĩa là hội nhập kinh tế thế giới thì cần lưu ý, sản phẩm hàng hóa của Việt Nam phải đáp ứng được tiêu chuẩn của thị trường. Bên cạnh đó, phải nâng cao năng lực của doanh nghiệp Việt để đủ sức tham gia vào chuỗi cung ứng sản xuất toàn cầu thì nội lực kinh tế đất nước mới được nâng lên và hội nhập kinh tế quốc tế mới có ý nghĩa.