Xúc tiến thương mại: “Chắp cánh” cho xuất khẩu nông sản Sơn La Kết nối giao thương mở rộng thị trường cho doanh nghiệp Bộ Công Thương tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy giao thương Việt Nam – Bờ Biển Ngà |
Nhiều hạn chế trong Xúc tiến thương mại
Đây là nội dung được đưa ra tại Hội nghị giao ban Xúc tiến thương mại các tỉnh thành phía Nam 2022 do Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương phối hợp cùng Trung tâm Xúc tiến thương mại TP. Hồ Chí Minh tổ chức chiều 15/11.
Phát biểu tại Hội nghị, ông Lê Hoàng Tài - Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương cho biết, thời gian qua, xúc tiến thương mại đã có sự đổi mới mạnh mẽ về phương thức triển khai. Trong điều kiện di chuyển trong nước và quốc tế bị gián đoạn bởi các biện pháp giãn cách xã hội, Cục Xúc tiến thương mại đã chủ động phối hợp với các cơ quan liên quan của các Bộ, ngành, địa phương và hiệp hội, doanh nghiệp nỗ lực nghiên cứu, ban hành kịp thời cơ chế hỗ trợ Xúc tiến thương mại, thử nghiệm và nhân rộng các mô hình, phương thức mới dựa trên việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, điển hình là kết nối khách hàng trực tuyến qua các chương trình hội chợ triển lãm, giao thương, trưng bày giới thiệu sản phẩm trên môi trường số. Nhờ vậy mà các hoạt động Xúc tiến thương mại vẫn được duy trì, được cộng đồng doanh nghiệp và nhiều địa phương ghi nhận, đánh giá cao.
Cũng theo ông Lê Hoàng Tài, trong điều kiện nền kinh tế chưa phục hồi đầy đủ và tăng trưởng ở những thị trường xuất khẩu chủ lực dự kiến sẽ chậm lại. Trong thời gian tới, hoạt động xúc tiến thương mại cần thay đổi để đáp ứng tốt hơn nhu cầu kết nối của các doanh nghiệp trong tình hình mới, thích ứng một cách linh hoạt để duy trì và phát triển thị trường nội địa. Đồng thời, tận dụng được cơ hội thị trường quốc tế phục hồi sau đại dịch, đáp ứng tốt các xu hướng tiêu dùng mới, tránh được các rủi ro từ sự những thay đổi về nhu cầu, tiêu chuẩn, chính sách của các thị trường xuất nhập khẩu.
Toàn cảnh Hội nghị giao ban Xúc tiến thương mại các tỉnh, thành phía Nam 2022 |
Nhìn lại công tác Xúc tiến thương mại 10 tháng đầu năm 2022, bà Bùi Hoàng Yến – Phụ trách tổ công tác phía Nam, Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương, 10 tháng đầu năm công tác Xúc tiến thương mại của các địa phương khu vực phía Nam đạt nhiều kết quả tích cực. Các địa phương đã tổ chức 40 lớp tập huấn, 162 phiên chợ hàng việt về nông thôn, tổ chức 6 đoàn khảo sát nước ngoài, 17 đoàn khảo sát trong nước… hỗ trợ hơn 2.000 lượt doanh nghiệp.
Tuy nhiên, trong bối cảnh suy thoái kinh tế, nguồn kinh phí còn hạn hẹp nên nhiều chương trình Xúc tiến thương mại chưa đảm bảo về quy mô và chiều sâu, đặc biệt là những hoạt động cần kỹ thuật cao. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp ở các địa phương chủ yếu là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, chưa có nền tảng về cơ sở vật chất. Điều này gây khó khăn nhất định cho công tác Xúc tiến thương mại.
Đồng quan điểm, ông Trần Phú Lữ - Phó giám đốc Trung tâm Xúc tiến và đầu tư TP. Hồ Chí Minh (ITPC) cho biết, từ năm 2014, TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh thành phía Nam đã thực hiện chương trình hợp tác xúc tiến thương mại – đầu tư và đã đạt được một số kết quả nhất định: tại được sự gắn kết giữa lãnh đạo các trung tâm xúc tiến, chia sẻ và cùng tham gia một số chương trình mang tính khu vực hoặc quốc gia... từ đó hỗ trợ được hiệu quả hơn cho cộng đồng doanh nghiệp trong hoạt động kinh doanh, xúc tiến, thu mua và phân phối hàng hóa, phát triển thị trường góp phần đẩy mạnh hoạt động sản xuất kinh doanh. Tuy vậy, chưa thực sự tạo được sự hợp tác, gắn kết chặt chẽ lâu dài trong các chương trình xúc tiến. Hoạt động xúc tiến của từng tỉnh thành vẫn rời rạc, qui mô nhỏ, thiếu sự thu hút, hiệu quả xúc tiến chưa như kỳ vọng.
Về phía doanh nghiệp, các doanh nghiệp vẫn còn thụ động trong tham gia các hoạt động xúc tiến, quảng bá; ít tham gia do hạn chế nguồn lực tài chính, nhân sự; Ssn phẩm – dịch vụ chưa đáp ứng được các yêu cầu về chất lượng, mẫu mã bao bì, chưa xây dựng được thương hiệu tốt…
Tăng cường liên kết, vận dụng thế mạnh từng địa phương
Trong bối cảnh tình hình thế giới năm 2023 sẽ tiếp tục có những diễn biến phức tạp, khó lường; kinh tế vĩ mô đối mặt với nhiều thách thức, sức ép lạm phát lớn, giá xăng, dầu, nguyên vật liệu đầu vào biến động mạnh; các thị trường xuất, nhập khẩu lớn, truyền thống bị thu hẹp với nhiều đơn hàng bị hủy, hoãn, thương lượng giảm giá. Bà Bùi Hoàng Yến cho rằng, trong thời gian tới, xúc tiến thương mại cần tăng cường đổi mới sáng tạo, điều chỉnh phương pháp thực hiện trực tiếp và trực tuyến phù hợp với thực tiễn. Cùng với đó, tăng cường liên kết trong hoạt động xúc tiến thương mại trong nước và nước ngoài theo hướng xây dựng chiến lược dài hơi, tập trung đúng đối tượng thay vì dàn trải.
Trong khi đó, Phó giám đốc Trung tâm Xúc tiến và đầu tư TP. Hồ Chí Minh Trần Phú Lữ cho biết, hoạt động xúc tiến thương mại không nên đi vào sự kiện lớn mà tập trung kết nối B2B. “Hiện nay, các đại diện thương mại, đại sứ các nước cũng bày tỏ mong muốn kết nối B2B giữa các doanh nghiệp theo từng lĩnh vực”, ông Trần Phú Lữ thông tin.
Đồng thời liên kết vận dụng thế mạnh của từng trung tâm, lợi thế của từng vùng miền. Theo đó, ITPC cũng mong muốn các trung tâm xúc tiến chủ động, tăng cường đề xuất các chương trình hợp tác liên hết trong hoạt động xúc tiến thương mại và đầu tư theo hướng chia sẻ thông tin kế hoạch xúc tiến thương mại hàng năm giữa các đơn vị vào tháng 8-9 hàng năm.
Đồng quan điểm, ông Charles Mordret – Chuyên gia ngành hàng nguyên liệu thực phẩm chương trình Xúc tiến Nhập khẩu Thụy Sĩ (SIPPO) bày tỏ, hoạt động xúc tiến thương mại nên được thực hiện riêng theo từng lĩnh vực do mỗi mặt hàng, sản phẩm có sự khác biệt và cần sự chuyên sâu khác nhau. Bên cạnh đó, cần tăng cường kết nối mang tính chiến lược, để tận dụng được thế mạnh riêng của từng đơn vị, lĩnh vực.
Ngoài ra, xây dựng hình ảnh, sự hiện diện quốc gia, thương hiệu ngành hàng gắn với phát triển bền vững. Nâng cao khả năng lập kế hoạch, kết nối thể hiện các giá trị bao trùm và bền vững. Thúc đẩy nâng cao khả năng tiếp cận các công cụ, kênh giao dịch trên nền tảng số và khả năng ứng dụng các công cụ số.