Tăng cường quản lý hoạt động sản xuất vàng trang sức mỹ nghệ
Là ngành nghề truyền thống và mang ý nghĩa lịch sử, sự phát triển của hoạt động sản xuất, gia công và mua bán vàng trang sức mỹ nghệ gắn liền với sự phát triển kinh tế - xã hội đất nước, theo xu hướng phát triển ngày càng cao trên tất cả các phương diện: Từ sản xuất, gia công; mua bán… đến sự chuyên nghiệp và tính tuân thủ pháp luật. Tuy nhiên, khác với những ngành nghề sản xuất, kinh doanh thương mại dịch vụ, ngành nghề này liên quan đến vàng, loại hàng hóa đặc biệt có mối liên hệ bản chất đến tiền tệ. Vì vậy, việc quản lý và thực thi pháp luật liên quan hoạt động này giữ vai trò quan trọng không chỉ đối với sự phát triển của lĩnh vực vàng trang sức mỹ nghệ mà còn đối với sự ổn định và phát triển nền kinh tế.
Ông Nguyễn Đức Lệnh - Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP. Hồ Chí Minh - cho biết, tại Nghị định 24/2012/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh vàng đã quy định cụ thể về hoạt động sản xuất gia công và mua bán vàng trang sức mỹ nghệ.
Theo đó, các doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ phải thực hiện đóng mã ký hiệu và hàm lượng vàng trên sản phẩm, công bố tiêu chuẩn áp dụng, khối lượng của sản phẩm theo quy định pháp luật và chịu trách nhiệm trước pháp luật về tiêu chuẩn công bố áp dụng và khối lượng sản phẩm đã công bố do doanh nghiệp sản xuất.
Sự phát triển của hoạt động sản xuất, gia công và mua bán vàng trang sức mỹ nghệ gắn liền với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước |
Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về tiêu chuẩn công bố áp dụng và khối lượng sản phẩm do doanh nghiệp thuê gia công; Chấp hành các quy định của pháp luật về chế độ kế toán, lập và sử dụng hóa đơn, chứng từ. Đồng thời, có phương án bảo đảm an toàn trong hoạt động sản xuất kinh doanh, bảo vệ môi trường và phòng chống cháy nổ.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ phải thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về chế độ tài chính kế toán; quy định về hóa đơn chứng từ của Bộ tài chính. Trong đó, phải đảm giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ vàng nguyên liệu mua vào để sản xuất vàng trang sức mỹ nghệ (hóa đơn; bảng kê, giấy tờ pháp lý khác có liên quan... theo hướng dẫn của cơ quan thuế; cục Quản lý thị trường...).
Thời gian qua, giá vàng thế giới và trong nước có nhiều biến động, không chỉ bình ổn giá vàng miếng SJC, Ngân hàng Nhà nước còn phối hợp với các bộ, ngành có liên quan tăng cường quản lý hoạt động sản xuất vàng trang sức mỹ nghệ.
Mới đây nhất, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP. Hồ Chí Minh đã ký văn bản đề nghị các sở, ngành và công an phối hợp trong hoạt động quản lý doanh nghiệp sản xuất vàng trang sức mỹ nghệ.
Văn bản của Ngân hàng Nhà nước đề nghị các Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Khoa học và Công nghệ, Cục Quản lý thị trường, Cục Thuế, Công an TP. Hồ Chí Minh tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, hậu kiểm đối với doanh nghiệp, cũng như phối hợp với Ngân hàng Nhà nước thành phố trong công tác quản lý, cung cấp và trao đổi thông tin nhằm nâng cao quản lý hiệu quả trong lĩnh vực này.
Ông Nguyễn Đức Lệnh - Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP. Hồ Chí Minh - cho biết, những yêu cầu và trách nhiệm thực hiện của doanh nghiệp liên quan đến nhiều lĩnh vực quản lý của các sở, ngành, việc tăng cường kiểm soát là để phát triển thị trường vàng và hoạt động sản xuất vàng trang sức mỹ nghệ phát huy vai trò của ngành nghề thủ công, tạo công ăn việc làm, đảm bảo kỷ luật kỷ cương thị trường, hạn chế sai phạm phát sinh trong lĩnh vực này.
Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP. Hồ Chí Minh, tính đến hết tháng 6/2024, cơ quan này đã cấp giấy phép cho 548 doanh nghiệp đủ điều kiện sản xuất vàng trang sức mỹ nghệ trên địa bàn.
Lực lượng Quản lý thị trường TP. Hồ Chí Minh tăng cường công tác quản lý địa bàn đối với hoạt động sản xuất vàng trang sức mỹ nghệ |
Trước đó, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Tổng cục Quản lý thị trường, UBND TP. Hồ Chí Minh về việc thực hiện các giải pháp và tăng cường các biện pháp quản lý thị trường vàng, Cục Quản lý thị trường TP. Hồ Chí Minh đã chỉ đạo các Đội Quản lý thị trường tăng cường công tác quản lý địa bàn. Trong đó, chủ động phối hợp với các lực lượng chức năng thực hiện các biện pháp nghiệp vụ, giám sát chặt chẽ các đối tượng có liên quan đến hoạt động kinh doanh vàng để kịp thời kiểm tra, phát hiện các hành vi vi phạm.
Từ đầu năm đến ngày 15/7/2024, Cục Quản lý thị trường TP. Hồ Chí Minh đã kiểm tra phát hiện 196 vụ vi phạm, tạm giữ 1.657 đơn vị sản phẩm vàng trang sức các mặt hàng là nhẫn, dây chuyền, lắc đeo tay, mặt dây chuyền... không rõ nguồn gốc, xuất xứ, giả mạo nhãn hiệu với tổng giá trị hơn 14,2 tỷ đồng.
Đồng thời, ngành quản lý thị trường thành phố cũng xử phạt hành chính với tổng số tiền 9,4 tỷ đồng với các hành vi vi phạm chủ yếu là kinh doanh hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ; kinh doanh hàng hóa giả mạo nhãn hiệu.
Ngoài ra, Cục Quản lý thị trường TP. Hồ Chí Minh cũng đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc, trong quá trình xác minh, xử lý, trường hợp sản phẩm vàng đang kinh doanh tại các cửa hàng nếu không có hóa đơn chứng từ theo quy định, được xác định là hàng hóa nhập lậu hay hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ hay hàng hóa giả mạo nhãn hiệu và sẽ tịch thu theo quy định.