Tăng cường sự tham gia của người dân trong quản lý môi trường
Ô nhiễm môi trường nước. Ảnh minh họa |
Theo Báo cáo Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) năm 2016, các vấn đề về môi trường đứng thứ hai (chỉ sau đói nghèo) trong những vấn đề khẩn cấp nhất mà người dân mong muốn Nhà nước cần phải giải quyết. Ngoài ra, cuộc điều tra PAPI năm 2016 còn cho thấy, có 77% số người được hỏi cho rằng, Nhà nước nên ưu tiên bảo vệ môi trường hơn là tăng trưởng kinh tế bằng mọi giá.
Thực tế phản ánh, tình trạng xung đột liên quan đến vấn đề về môi trường trong thời gian qua giữa người dân và doanh nghiệp đang có xu hướng gia tăng cần thiết phải có những chính sách xử lý, giải quyết vấn đề này một cách hài hòa, hiệu quả.
Tại hội thảo, các diễn giả đã thảo luận những phát hiện của nghiên cứu chuyên đề mới nhất về nguyên nhân và hậu quả của các xung đột liên quan đến môi trường đã và đang diễn ra, trên cơ sở tiếp cận từ góc độ công lý về môi trường và xây dựng xã hội, đồng thời đưa ra khuyến nghị chính sách để Việt Nam xem xét thực hiện vì một môi trường lành mạnh cho tất cả mọi người dân.
Theo giáo sư Trần Thọ Đạt - Hiệu trưởng Trường đại học Kinh tế quốc dân, phần lớn các nghiên cứu và sáng kiến chính sách ở Việt Nam hiện nay liên quan đến môi trường mới đều tập trung vào yếu tố kiểm soát môi trường, chưa chú trọng nhiều đến công lý về môi trường. Đánh giá thấp vai trò của công lý về môi trường cũng là một nguyên nhân làm nảy sinh các xung đột và thổi bùng sự xung đột liên quan đến môi trường giữa người dân và doanh nghiệp.
“Xung đột liên quan đến môi trường không chỉ là vấn đề kinh tế - kỹ thuật, mà còn là vấn đề xã hội. Kết quả nghiên cứu và kinh nghiệm quốc tế đã cho thấy, nếu chỉ dựa vào kênh quản lý hành chính của Nhà nước thì không thể quản lý hiệu quả được vấn đề ô nhiễm môi trường cũng như giải quyết tốt các xung đột liên quan môi trường. Cần có chính sách khuyến khích sự tham gia của người dân, các tổ chức chính trị xã hội, các tổ chức chuyên môn như trường đại học, viện nghiên cứu... vào hệ thống quản lý môi trường” - giáo sư Trần Thọ Đạt khuyến nghị.
Giám đốc Quốc gia của UNDP tại Việt Nam - bà Caitlin Wiesen cho biết: Kinh nghiệm từ các nước chỉ ra ba yếu tố quan trọng giúp đảm bảo quyền về môi trường, Việt Nam có thể tham khảo trong xây dựng chính sách là: Chính phủ lấy ý kiến của cộng đồng trước khi tiến hành những hoạt động ảnh hưởng đến môi trường; đảm bảo cho người dân có thể tiếp cận thông tin và tham gia vào quá trình ra quyết định các vấn đề liên quan đến môi trường ảnh hưởng đến cuộc sống của họ; đảm bảo tiếp cận tới tòa án hoặc bất kỳ cơ chế hòa giải nào để giải quyết xung đột về môi trường”./.