CôngThương - Những vấn đề chủ yếu được báo giới quan tâm nhiều tại buổi tọa đàm là nguyên nhân, lộ trình, sự minh bạch trong vấn đề tăng giá điện và những giải pháp giảm lỗ của EVN. Ông Đinh Quang Tri cho biết, riêng khoản lỗ do chênh lệch tỷ giá của EVN trong 2 năm 2010 và 2011 lên tới 26.000 tỷ đồng. Hiện Chính phủ đã cho phép phân bổ các khoản lỗ này vào giá điện từ nay đến năm 2015 (mỗi năm khoảng 6.500 tỷ đồng). Đó là chưa kể khoản lỗ kinh doanh trên 11.000 tỷ đồng do chạy dầu trong mùa khô và lỗ do chênh lệch về giá (mua điện của Trung Quốc và các nhà máy BOT với giá cao để về bán giá thấp). Việc tăng thêm 5% giá điện đợt này sẽ khiến doanh thu bán điện 6 tháng cuối năm của EVN tăng thêm 3.710 tỷ đồng cũng chỉ bù đắp được 1 phần nào khoản lỗ này.
Trước băn khoăn của báo giới về việc EVN được Chính phủ can thiệp vào phần lỗ do chênh lệch tỷ giá có thể hiện sự độc quyền không, ông Tri giải thích: Về nguyên tắc, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh theo cơ chế thị trường thì phải “lời ăn lỗ chịu”. Tuy nhiên, đây là khoản lỗ chính sách Chính phủ phải xử lý vì những năm trước EVN không được bán điện theo giá thị trường mà phải treo khoản lỗ này lại theo chỉ đạo của Chính phủ để đảm bảo ổn định kinh tế.
Tuy nhiên, lãnh đạo EVN cũng khẳng định, việc tăng giá điện không chỉ nhằm bù các khoản lỗ năm trước của EVN mà bởi hiện tại các chi phí đầu vào khác đều tăng, rõ nhất là than cho sản xuất điện đã tăng 10 - 11,5% tùy từng loại. Nguồn tiền này sẽ được sử dụng để bù đắp cho giá than tăng cộng với một phần các chi phí còn "treo" của các năm trước.
Theoquy hoạchđiện VII, từ nay đến 2015, mỗi năm, Nhà nướccần 5-6 tỉ USD cho phát triển nguồn điện. Trong khi đó, bức tranh tài chính của EVN đang rất tối tăm vì những khoản nợ nên huy động vốn cho các dự án vô cùng chật vật. Riêng giai đoạn 2011-2015, EVN có nhu cầu đầu tư hơn 500.000 tỷ đồng, hiện mới thu xếp được hơn 315.000 tỷ đồng, còn thiếu khoảng hơn 180.000 tỷ đồng chưa biết trông vào đâu. Ông Tri cho biết, hiện tại rất nhiều dự án điện đang phải vay vốn 100% vì EVN không có nguồn vốn đối ứng. Đơn cử, các dự án điện Duyên Hải 1, 2, 3 đều có 85% vốn phải vay nước ngoài và 15% vay các ngân hàng thương mại trong nước. Sắp tới, chúng ta lại tiếp tục nhập khẩu than với giá đắt. Nếu không có lộ trình đưa giá điện tiệm cận dần với giá trị trường thì sẽ rất khó đảm bảo an ninh năng lượng.
Bên cạnh đó, sự bất cập về giá điện hiện nay không chỉ ảnh hưởng đến doanh thu của EVN mà còn ảnh hưởng đến thu hút đầu tư. Nếu tính đúng, tính đủ chi phí, mức giá phải vào khoảng 9,6 cent/kWh. Trong khi giá điện bình quân của Việt Nam hiện chỉ đạt 6,5 cent/kWh. Giá điện thấp khiến EVN không thể tích lũy lợi nhuận hoặc tích lũy không đủ cho tái đầu tư. Với giá bán hiện tại, EVN không chỉ lỗ chính sách ngày một lớn mà việc thu hút đầu tư vào ngành này cũng hết sức khó khăn do giá điện thấp, không đảm bảo lợi nhuận.
Trước băn khoăn về sự minh bạch của giá điện, ông Tri khẳng định, việc tăng giá điện trong điều kiện giá đầu vào biến động như hiện nay là tất yếu. Thực tế, việc điều chỉnh giá điện luôn dựa trên các tiêu chí: đưa giá điện dần tiệm cận với giá thị trường; đảm bảo công khai, minh bạch về giá thành, lỗ lãi, lý do tăng, giảm; Tuân theo đúng quy định về mức tăng, thẩm quyền quyết định; Đảm bảo sự ổn định kinh tế và an sinh xã hội. Cũng theo ông Tri, thời gian tới, EVN sẽ thực hiện kiểm toán giá thành điện hàng năm và công khai cho công chúng. Khi tất cả đều minh bạch rõ ràng thì chắc chắn người tiêu dùng sẵn sàng chấp nhận.
Ông Tri cũng cho biết, với mục tiêu giai đoạn 2012-2015 đảm bảo kinh doanh có lãi theo yêu cầu của Chính phủ, EVN sẽ thực hiện các giải pháp: tăng giá điện để có nguồn trả nợ tiền mua điện; tuyên truyền cho khách hàng sử dụng tiết kiệm điện hiệu quả; giảm 5% chi phí sản xuất kinh doanh điện; giảm tổn thất điện năng; vận hành tối ưu hệ thống điện, phát huy tối đa các nguồn điện giá rẻ, hạn chế tối đa mua điện từ các nguồn điện giá cao.