Tăng giá vé máy bay: Du lịch nội địa lao đao
- Dự kiến, phương án giá mới có thể được áp dụng từ tháng 11/2011. Đi tiên phong là Vietnam Airlines (VNA) đang đề xuất tăng giá trần lên 1,5 lần. Tính trung bình cả vé thường và vé giá rẻ, giá vé máy bay nội địa sẽ tăng 15% so với hiện tại. Điều này gây áp lực lớn cho các doanh nghiệp lữ hành.
Trên thực tế, đề xuất tăng giá trần vé máy bay nội địa lên 1,5 lần sẽ kéo theo vé phổ thông trên các đường bay nội địa tăng cao. Cụ thể, chặng bay một chiều TP.Hồ Chí Minh - Hà Nội từ 2,227 triệu đồng lên tới 3,34 triệu đồng (chưa tính 10% thuế VAT và các lệ phí khác); chặng bay Hà Nội - Phú Quốc từ 2,727 triệu đồng lên 4,09 triệu đồng; chặng TP.Hồ Chí Minh - Đà Nẵng từ 1,481 triệu đồng lên 2,222 triệu đồng... Với giá vé máy bay này, dự kiến tăng trung bình vào khoảng 20-30%.
Ông Nguyễn Công Hoan - Phó Tổng giám đốc Hanoi Redtour - cho biết: Nếu mức tăng này được áp dụng, khả năng 90% khách du lịch không sử dụng máy bay làm phương tiện di chuyển, ngoại trừ một số ngày cao điểm và đoàn khách MICE (du lịch kết hợp với hội thảo). Ngoài ra, các tour nội địa còn phải chịu sức ép cạnh tranh quyết liệt từ các tour quốc tế đến các nước khu vực Đông Nam Á. Trên thực tế, giá trọn gói dịch vụ, vận chuyển của các nước này rẻ hơn nhờ có nhiều khuyến mại, chế độ ưu đãi cho vé đoàn du lịch. Khách đi du lịch nội địa gần đây đã không tăng, thậm chí còn bị chia sẻ sang các tour du lịch quốc tế, điều này đồng nghĩa với việc các điểm du lịch trong nước sẽ mất một lượng khách không nhỏ, tương đương với một nguồn thu lớn từ du khách nội địa.
Theo ông Nguyễn Minh Mẫn - đại diện Công ty Du lịch Vietravel, mục tiêu của ngành du lịch là phải lấy nội địa làm thị trường trọng điểm. Nhưng trên thực tế, tình trạng giá tour phải chạy theo cước vận chuyển đang khiến mục tiêu "hút" khách nội địa khó đạt. Trong những tháng đầu năm 2011, giá vé máy bay đã tăng 23%, nếu tăng tiếp 20-30%, sẽ gây khó khăn cho các doanh nghiệp du lịch bởi giá tăng cao, lại quá đột ngột, trong khi các tour đã được chào hàng và bán trước đó cả năm.
Ông Lưu Đức Kế, Giám đốc Hanoitourist, chia sẻ: Tình trạng thiếu ổn định về giá tour kéo dài từ cuối năm 2010 đến nay, khiến du lịch Việt Nam bị giảm khả năng cạnh tranh trong khu vực. Để việc tăng giá này không ảnh hưởng nhiều đến ngành du lịch, các hãng hàng không cần thông báo sớm để các công ty du lịch chủ động xây dựng giá tour phù hợp cho khách hàng. Đặc biệt là những đường bay có nhiều hãng đang khai thác như: Tây Nguyên, Phú Quốc, Huế…
Ông Trần Tường Huy - Công ty du lịch Fiditour - khẳng định: Việc tăng giá tour nội địa là không thể tránh khỏi đối với các hãng lữ hành. Nếu so sánh tương quan với các nước như: Thái Lan, Singapore..., chúng ta sẽ phải chịu những ảnh hưởng không nhỏ từ việc tăng giá vé này.
Lan Anh