Giai đoạn tiếp theo, Dự án TA-7779 VIE tập trung vào kiểm kê khí nhà kính |
Ông Trần Văn Lượng - Chánh văn phòng BĐKH, Bộ Công Thương - cho biết, dự án được thực hiện từ tháng 2/1012 đến tháng 8/2014 do Bộ Công Thương là cơ quan chủ quản, Cục An toàn môi trường là cơ quan thường trực, đồng thời là đơn vị thực hiện hợp phần dự án của Bộ Công Thương cùng với 5 đơn vị: Vụ Môi trường (Bộ Giao thông Vận tải); Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ Tài nguyên và Môi trường); Sở Tài nguyên và Môi trường TP. Hồ Chí Minh; Sở Công Thương TP. Đà Nẵng; Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thanh Hóa.
Dự án này nhận kinh phí từ các khoản viện trợ không hoàn lại tổng cộng 2,45 triệu USD từ Quỹ Phát triển Bắc Âu (NDF) do Ngân hàng Phát triển châu Á quản lý, nhằm các mục tiêu: Nâng cao năng lực ứng phó với biến đổi khí hậu cho các bên liên quan thực hiện dự án trong lĩnh vực năng lượng và giao thông; đánh giá, ước tính mức độ phát thải khí nhà kính hiện tại, lượng phát thải theo các kịch bản, xác định cơ hội giảm phát thải khí nhà kính cho hai lĩnh vực năng lượng, giao thông và cụ thể cho ba địa phương và các đơn vị nằm trong diện thực hiện dự án; Xây dựng và cải tiến các kế hoạch cắt giảm phát thải và thích ứng với BĐKH, cả trước mắt và lâu dài cho ngành năng lượng và giao thông vận tải.
Sau hơn 2 năm thực hiện, kết quả đầu ra chính của dự án là: Báo cáo kỹ thuật về giảm nhẹ và thích ứng; kế hoạch hành động về BĐKH và tài liệu thiết kế các dự án thí điểm. Trong thời gian thực hiện dự án, một số kết quả đầu ra bổ sung đã được xây dựng thêm sau khi được xác định là cần thiết trong báo cáo khởi động nhằm triển khai thực hiện đúng. Những kết quả đầu ra này bao gồm: rà soát thể chế; nghiên cứu nhu cầu năng lượng; bản đồ BĐKH; sổ tay hỏi và đáp nâng cao nhận thức.
Tuy nhiên, để có thể hưởng lợi từ kết quả của dự án này, đồng thời mở rộng sang các ngành nghề khác, nhiều ý kiến cho rằng, các hoạt động tiếp theo nên tập trung vào công tác kiểm kê khí nhà kính và giảm nhẹ, gắn với việc tạo lập và cải thiện nền tảng cho khung kỹ thuật và thể chế. Đồng thời, cần có sự phối hợp liên ngành mạnh mẽ hơn; xác định cả phương án giảm nhẹ và thích ứng; sử dụng thích ứng BĐKH để xúc tiến lập quy hoạch không gian tích hợp; có chính sách hỗ trợ phát triển năng lượng xanh; những tòa nhà công sở của các cơ quan chính phủ có thể tiên phong xây dựng các tòa nhà thân thiện về năng lượng. Các doanh nghiệp nhà nước và Bộ Công Thương có thể thực hiện dự án trình diễn về việc giảm điện năng và sử dụng năng lượng nhiệt trong công nghiệp…
Phát biểu tại Hội nghị báo cáo kết quả kế hoạch hành động thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia ứng phó với BĐKH của Bộ Công Thương giai đoạn 2010 – 2015, Thứ trưởng Bộ Công Thương - Hoàng Quốc Vượng đã đánh giá cao các hoạt động hợp tác quốc tế hỗ trợ thực hiện các dự án kỹ thuật, tăng cường năng lực cho Bộ Công Thương chủ động ứng phó với BĐKH.
Ông Hoàng Quốc Vượng - Thứ trưởng Bộ Công Thương: Trong bối cảnh BĐKH đã trở thành vấn đề cấp bách, nhiệm vụ của ngành Công Thương trong thời gian tới là phải tiếp tục đẩy mạnh hợp tác quốc tế, tăng cường trao đổi thông tin, kinh nghiệm, đối thoại chính sách với các nước, tổ chức quốc tế; huy động nguồn lực, tiếp nhận chuyển giao công nghệ về ứng phó BĐKH, sử dụng năng lượng hiệu quả… |