CôngThương - Lý do chọn giải pháp này theo Bộ Tài chính là ngay từ những tháng cuối năm 2010, mặc dù giá xăng dầu thị trường thế giới đã tăng nhưng để thực hiện Chỉ thị số 2164/CT-TTg ngày 30/11/2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp tục đẩy mạnh sản xuất, bảo đảm cân đối cung cầu hàng hóa, dịch vụ, bình ổn giá cả, thị trường trong dịp Tết Nguyên đán. Vì vậy, ngay từ giữa tháng 1/2011 Bộ Tài chính đã thực hiện điều chỉnh giảm thuế nhập khẩu xăng, điêden xuống 0% và đến ngày 24/2/2011 tiếp tục giảm thuế nhập khẩu xuống 0% đối với dầu ma dút và dầu hỏa.
Mức thuế nhập khẩu xăng dầu giảm xuống 0% tiếp tục được giữ cho đến nay. Do giảm thuế nhập khẩu các mặt hàng xăng dầu nên giảm thu ngân sách từ năm 2010 đến nay (9/6/2011) khoảng 20.136 tỷ đồng, trong đó riêng giai đoạn từ ngày 24/2/2011 đến nay khoảng 10.047 tỷ đồng. Song song với việc giảm thuế nhập khẩu, trong thời gian từ ngày 22/10/2010 đến trước 10 giờ ngày 24/2/2011 Liên Bộ Tài chính- Công Thương cho phép các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối 3 lần nâng mức sử dụng Quỹ bình ổn giá đối với xăng (từ 550 đồng/lít lên 1.650 đồng/lít), dầu hoả (từ 700 đồng/lít lên 2.150 đồng/lít), dầu ma dút (từ 250 đồng/kg lên 1.400 đồng/lít), riêng điêden là 4 lần (từ 550 đồng/lít lên 2.300 đồng/lít), tổng mức sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu khoảng 6.396 tỷ đồng.
Sau khi sử dụng hết các công cụ bình ổn giá nêu trên, Chính phủ đã chấp thuận để các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối điều chỉnh 2 lần tăng giá xăng dầu trong nước trong những tháng đầu năm 2011 (lần đầu thực hiện vào ngày 24/2/2011 và lần thứ hai vào ngày 29/3/2011). Sau khi điều chỉnh giá xăng dầu ngày 29/3/2011, giá xăng dầu thế giới tháng 4/2011 tiếp tục tăng khoảng 5% đến 6% tùy theo từng chủng loại xăng dầu. Nếu thực hiện đúng với nguyên tắc xác định giá bán xăng dầu trong nước như quy định tại Nghị định số 84/2009/NĐ-CP ngày 15/10/2009 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu thì lẽ ra giá bán xăng dầu trong nước vào thời điểm cuối tháng 4/2011 sẽ tiếp tục được điều chỉnh tăng thêm trên dưới 1.000 đồng/lít, kg tùy theo từng chủng loại.
Tuy nhiên, để giảm bớt tác động của việc điều chỉnh giá xăng dầu đến mặt bằng giá chung nhằm thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát trong khi chỉ số giá tiêu dùng tháng 4/2011 tăng ở mức cao, ngày 29/4/2011 Bộ Tài chính đã có văn bản để các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối giữ ổn định giá bán xăng, dầu hiện hành. Việc chấp hành giữ ổn định giá xăng dầu theo chỉ đạo của Liên Bộ Tài chính- Công Thương trong thời gian tháng 4/2011 đến những ngày đầu tháng 5/2011 đã làm cho doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối phải gánh chịu một khoản lỗ (khi Quỹ bình ổn giá đã sử dụng hết), vì vậy phát sinh cho doanh nghiệp những khó khăn không nhỏ.
Trong thông cáo báo chí gửi ngày 29/3/2011, Liên Bộ Tài chính - Công Thương đã nêu nguyên tắc: sau lần điều chỉnh giá xăng dầu ngày 29/3/2011, trong thời gian tới tiếp tục thực hiện kinh doanh xăng dầu theo cơ chế thị trường, cụ thể: nếu giá thế giới tăng, thì điều chỉnh giá trong nước, nếu giá thế giớigiảm thì khôi phục thuế nhập khẩu ở mức hợp lý và thực hiện giảm giá bán (nếu có điều kiện).
Từ cuối tháng 5/2011 đến nay, giá xăng dầu thị trường thế giới có lúc tăng, lúc giảm nhưng chưa rõ xu hướng biến động. Để có công cụ thực hiện bình ổn giá xăng dầu nếu giá thế giới tăng trở lại, đồng thời để có nguồn kinh phí thực hiện các giải pháp an sinh xã hội, Liên Bộ Tài chính- Công Thương đã lựa chọn giải pháp tài chính như sau:
Điều chỉnh tăng thuế nhập khẩu từ 0% lên 5% đối với điêden, dầu hoả; tỷ lệ thuế này vẫn thấp hơn từ 10% (đối với điêden) đến 15% (đối với dầu hoả) theo quy định của Biểu thuế nhập khẩu hiện hành.
Riêng mặt hàng xăng, dầu ma dút, do chưa đủ điều kiện điều chỉnh tăng thuế nhập khẩu nên thuế nhập khẩu đối với 2 mặt hàng này vẫn tiếp tục giữ 0%.
Tăng thêm mức trích Quỹ bình ổn giá xăng dầu đối với mặt hàng xăng 100 đồng/lít để tạo nguồn cho xử lý bình ổn giá trong thời gian tới.