CôngThương - Trong khi kinh tế thế giới ngày một tồi tệ, tình hình kinh tế của Việt Nam vẫn còn điểm sáng lạc quan. Tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam trong 10 tháng đầu năm 2011 đã vượt ngoài dự kiến, đạt mức 35%. Đây là mức tăng khá cao trong 5 năm gần đây. Với đà tăng trưởng này, nhiều khả năng, xuất khẩu cả năm 2011 của Việt Nam sẽ đạt tăng trưởng trên 31%, góp phần quan trọng vào sự tăng trưởng của kinh tế của đất nước.
Tăng giá trị
TS Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) nhận định, thế giới đang có quả bong bóng lớn về tài chính, bất động sản, việc này còn ảnh hưởng đến nền kinh tế thế giới trong 2 - 3 năm tới. Quỹ Tiền tệ quốc tế đã điều chỉnh dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới từ 4,5% xuống còn 4% trong năm nay. Nói chung, dự báo tình hình kinh tế thế giới, đặc biệt ở châu Âu cho thời điểm cuối năm 2011 và thời gian tới còn rất xấu.
Tại Việt Nam, với những gì diễn ra trong tháng 10-2011 đã cho thấy, bên cạnh nỗi lo thì kinh tế Việt Nam vẫn còn những điểm sáng để lạc quan. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, hoạt động xuất nhập khẩu trong nước tiếp tục phát triển tốt, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa trong tháng 10-2011 đạt 8,3 tỷ USD, tăng hơn 32% so với cùng kỳ năm 2010. Tính chung 10 tháng năm 2011, xuất khẩu cả nước đạt kim ngạch 78 tỷ USD, tăng gần 35% so với cùng kỳ năm 2010. Trong đó, các ngành xuất khẩu chính của Việt Nam tiếp tục giữ được phong độ tăng trưởng.
Vào thời điểm hiện nay, dù chịu tác động xấu từ thị trường, đơn hàng giảm sản lượng nhưng dệt may tiếp tục dẫn đầu xuất khẩu cả nước, với kim ngạch 11,7 tỷ USD, tăng gần 30%; giày dép đạt 5,1 tỷ USD, tăng 26%; cà phê, cao su tăng 55%-60% so với cùng kỳ 2010… Các mặt hàng nông sản khác cũng đạt tăng trưởng xuất khẩu ở mức khá cao.
Có được mức tăng trưởng này là nhờ sản lượng xuất khẩu của một số mặt hàng tăng lên cùng với giá bán tăng. Sản lượng xuất khẩu của Việt Nam đạt tăng trưởng 13%, cao hơn mức trung bình 9,1% của nhiều nước xuất khẩu trên thế giới.
Dù kinh tế thế giới đang gặp nhiều khó khăn nhưng chưa có năm nào như năm nay, xuất khẩu của Việt Nam vào các nước vùng Đông Á đạt tăng trưởng kỷ lục. Trong 10 tháng năm 2011, tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam vào Hàn Quốc đạt 70%, Trung Quốc 50%, Nhật Bản hơn 30%, ASEAN 30%. Theo TS Võ Trí Thành, tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam vào các nước vùng Đông Á cho thấy, các nước thuộc khu vực này đã bớt dựa vào kinh tế của EU, Mỹ.
Ngoài ra, các doanh nghiệp Việt Nam đã biết tận dụng tốt thuế quan ưu đãi trong các hiệp định thương mại giữa Việt Nam và các nước. Đông Á là thị trường quan trọng mà doanh nghiệp Việt Nam cần đẩy mạnh khai thác, đưa hàng hóa vào đây nhiều hơn nữa. Doanh nghiệp Việt Nam nên tập trung vào sản phẩm chất lượng cao để giảm chi phí, tăng khả năng cạnh tranh.
Còn nhiều rủi ro
Ông Sanjay Kalra, Trưởng Đại diện Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) tại Việt Nam, cho biết, khủng hoảng ở khu vực đồng EUR đang có tác động đối với tình hình xuất khẩu của các nước đang phát triển. Khu vực này đang rơi vào mức nguy hiểm, có tác động đến kinh tế thế giới, khả năng tăng trưởng kinh tế rất thấp.
Các quốc gia ở khu vực châu Á cũng rơi vào khó khăn nhưng trong hoàn cảnh khá hơn. Theo nghiên cứu mới nhất của IMF, các nước châu Á mới nổi vẫn đạt tăng trưởng vừa phải nhưng rủi ro vẫn nghiêng mạnh về suy giảm, tất cả các quốc gia đều giảm tỷ lệ tăng trưởng. Tuy nhiên, biên độ giảm thấp, không quá lo ngại.
Theo số liệu dự báo, mức tăng trưởng trung bình của các nước châu Á mới nổi trong năm 2011 là 7,9%, năm 2012 giảm còn 7,7%. Tuy nhiên, số liệu mới nhất được điều chỉnh giảm xuống thấp hơn. Tăng trưởng kinh tế Việt Nam được điều chỉnh giảm xuống 0,5% so với dự báo. IMF dự báo, khu vực ASEAN vẫn đạt tăng trưởng lành mạnh, một số nước chịu áp lực phát triển quá nóng.
Cuộc khủng hoảng tài chính năm 2009 dần hồi phục trở lại nhưng cuộc khủng hoảng ở khu vực đồng EUR năm 2011 đã làm kinh tế thế giới bị trì lại. Cuộc suy thoái này sẽ đánh mạnh vào châu Á mới nổi thông qua kênh thương mại, tài chính (đầu tư vào thị trường vốn, chứng khoán, trái phiếu…). Ông Sanjay Kalra cho rằng, nếu EU bị khủng hoảng trầm trọng hơn, nhiều khả năng, các ngân hàng quốc tế ở Việt Nam có thể rút vốn để điều chỉnh đầu tư, dẫn đến giảm nguồn vốn.
Trong khi đó, thị trường chứng khoán cũng đang trì trệ, nhà đầu tư lo ngại, không đầu tư. Do vậy, các doanh nghiệp cần vốn để tiếp cận thị trường quốc tế sẽ gặp khó khăn hơn. Điều này đã gây thêm trở ngại, khó khăn cho các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu cần vốn đầu tư.