Số liệu từ kết quả điều tra di cư nội địa quốc gia do Tổng cục Thống kê thực hiện năm 2015 cho thấy, có 13,6% dân số cả nước là người di cư, trong đó 17,3% người di cư ở độ tuổi lao động từ 15-59 tuổi. Đa số người di cư là nữ và có nguồn gốc xuất thân từ nông thôn, chiếm 79,1% tổng số người di cư.
Cần hỗ trợ lao động di cư tiếp cận các chính sách an sinh xã hội |
Lao động nữ di cư là lực lượng lao động tích cực trên thị trường, tham gia vào cả khu vực kinh tế chính thức và phi chính thức, đóng góp đáng kể cho sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Tuy nhiên, tại hội thảo chia sẻ kết quả nghiên cứu về quyền an sinh xã hội của lao động nữ di cư tại Việt Nam mới đây, bà Phạm Thị Hải Hà - Phó Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) cho biết: họ cũng là nhóm dân số phải đối mặt với nhiều thách thức, khó khăn trong quá trình làm việc và sinh sống tại nơi đến; là nhóm dân số chịu nhiều thiệt thòi và dễ bị tổn thương trong xã hội; nhưng mạng lưới an sinh xã hội từ trước đến nay chưa bao phủ nhiều đến họ, đặc biệt là nhóm đang làm ở khu vực kinh tế phi chính thức.
Trong những năm gần đây, các hiệp định về tự do thương mại được Việt Nam ký kết có các yêu cầu bảo vệ lao động, đặt ra thách thức cũng như cơ hội cho Việt Nam khi các doanh nghiệp thường theo đuổi mục tiêu lợi nhuận, chi phí thấp thông qua việc không đảm bảo điều kiện làm việc, thời gian làm việc dài và hạn chế người lao động tiếp cận các phúc lợi xã hội. Thêm vào đó, nhiều công nhân không hiểu về các quy định của pháp luật lao động trong nước và quốc tế, hoặc quyền lợi của họ được hưởng như bảo hiểm y tế (BHYT), các chế độ phúc lợi khác.
Báo cáo nghiên cứu “Quyền an sinh xã hội của lao động nữ di cư ở Việt Nam” còn cho thấy, di cư có xu hướng nữ hóa khi tỷ lệ nữ trên tổng số người di cư từ 15 - 59 tuổi là 52,4%. Trong đó có 34,3% gặp khó khăn về việc làm, 42,6% nữ lao động di cư gặp khó khăn về chỗ ở, và 97,9% lao động phi chính thức không có bảo hiểm xã hội (BHXH).
Nghiên cứu còn cho biết, người di cư chủ yếu từ nông thôn (79,1% tổng số người di cư); 2/3 người di cư không có trình độ chuyên môn. Người di cư thường làm các công việc giản đơn, thu nhập bình quân khoảng 5 triệu đồng/tháng. Báo cáo cho biết, dẫn nguồn của Tổng cục Thống kê năm 2015, hơn 1/2 người di cư đã có gia đình và có con cái, trong đó có 40% đang sống cùng con tại nơi đến.
Qua nghiên cứu, lao động nữ di cư hiểu biết rất hạn chế các quyền và thông tin an sinh xã hội về việc làm và thu nhập, BHXH, trợ giúp xã hội và dịch vụ xã hội cơ bản. Do đó, nhiều lao động nữ di cư cũng không biết cách làm thế nào để tiếp cận các quyền an sinh xã hội hay tìm kiếm sự hỗ trợ, giúp đỡ để tiếp cận các quyền đó tại nơi đến, khó khăn lớn nhất mà người di cư gặp phải ở nơi đến là chỗ ở. Họ cũng bất lợi hơn lao động địa phương khi chịu chi phí sinh hoạt cao hơn do chủ nhà trọ áp dụng giá điện, nước kinh doanh đối với người thuê.
Thời gian qua, Việt Nam đã ban hành hệ thống chính sách an sinh xã hội như hỗ trợ tạo việc làm, BHXH, trợ giúp xã hội, dịch vụ xã hội cơ bản. Tuy nhiên vẫn chưa có quy định pháp luật, chính sách riêng về an sinh xã hội cho lao động di cư nói chung và lao động nữ di cư nói riêng. Các chính sách an sinh xã hội hiện nay của Việt Nam vẫn còn triển khai nhiều theo cơ chế hộ khẩu thường trú. Lao động nữ di cư làm việc tại khu vực phi chính thức lại không có bất kỳ tổ chức đại diện người lao động nào để họ tham gia và đứng ra bảo vệ quyền lợi của họ; hệ thống dịch vụ việc làm hiện nay không đáp ứng được nhu cầu của lao động nữ di cư.
Đặc biệt, hiện có một thực tế là lao động nữ di cư khu vực phi chính thức không ký hợp đồng lao động nên không tham gia được BHXH bắt buộc. Mặt khác, thời gian đóng BHXH bắt buộc quá dài (20 năm) trong khi nhiều lao động nữ di cư làm việc ở các doanh nghiệp chỉ khoảng 10 -15 năm; chế độ BHXH tự nguyện hiện nay không hấp dẫn với lao động nữ di cư, thiếu chế độ ngắn hạn là thai sản và tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp…
Trước thực trạng đó, Báo cáo nghiên cứu “Quyền an sinh xã hội của lao động nữ di cư ở Việt Nam” đưa ra khuyến nghị, cần tuyên truyền nâng cao nhận thức về quyền an sinh xã hội, ý thức chủ động trong tìm hiểu thông tin của người lao động di cư nói chung và lao động nữ di cư nói riêng; tiếp tục phát huy vai trò của các bên liên quan trong việc hỗ trợ bảo vệ quyền lợi cho người lao động trong tiếp cận các dịch vụ xã hội bình đẳng, đặc biệt là vai trò của chính quyền địa phương nơi có nhiều lao động nữ di cư đến sinh sống và làm việc cũng như tăng cường công tác thống kê về người lao động di cư để có dữ liệu nhận diện và quản lý người lao động di cư.