Tạo điều kiện và cơ hội thúc đẩy phát triển giáo dục nghề nghiệp tại các trường cao đẳng thuộc Bộ
Tin hoạt động 21/05/2021 22:35
Phát biểu tại cuộc họp, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh, cũng giống như cách làm với 9 trường đại học thuộc Bộ tại cuộc họp mới đây, buổi làm việc hôm nay đánh giá một cách tổng thể hoạt động của Trường Đào tạo, bồi dưỡng Cán bộ Công Thương Trung ương và 22 trường cao đẳng thời gian vừa qua, đồng thời, bàn về các giải pháp thời gian tới.
Đối với các ý kiến về những khó khăn mang tính chi tiết, cụ thể của các trường, Lãnh đạo Bộ sẽ thu xếp làm việc với trường trong thời gian sớm nhất trên tinh thần “khó thì phải gỡ” để các trường hoạt động ngày càng hiệu quả hơn.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên chỉ đạo triển khai nhiệm vụ với cách làm mở, tư duy năng động |
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên chỉ đạo, chúng ta cần thống nhất trong việc triển khai nhiệm vụ với cách làm “mở”, tư duy năng động, sáng tạo, chủ động, quyết liệt thực hiện để hoàn thành nhiệm vụ đề ra, không để khó khăn kéo dài.
“Kết thúc buổi làm việc, Văn phòng Bộ sẽ có thông báo kết luận của Bộ trưởng. Các đơn vị cứ theo các nhiệm vụ được giao mà thực hiện. Nếu nội dung đã giao mà đơn vị nào không thực hiện thì phải hoàn toàn chịu trách nhiệm trước Lãnh đạo Bộ” – Bộ trưởng khẳng định.
Gần 100% học sinh, sinh viên có việc làm sau tốt nghiệp
Bộ Công Thương có 22 cơ sở giáo dục nghề nghiệp và Trường Đào tạo bồi dưỡng Cán bộ Công Thương Trung ương (Trường ĐTBD), có địa điểm tại 14 tỉnh, thành phố trong cả nước. Trong đó có 10/22 trường định hướng phát triển thành trường chất lượng cao.
Năm 2018, Bộ Công Thương có 35 cơ sở giáo dục đào tạo. Thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW, đến nay đã hoàn thành sáp nhập 6 Trường cao đẳng (CĐ) tỉnh Thái Nguyên, Quảng Ninh, Hải Dương thành 3 Trường CĐ, giảm 3 đầu mối; trình Thủ tướng Chính phủ về việc chuyển giao 2 Trường CĐ ở Phú Thọ cho UBND tỉnh.
Quy mô đào tạo của các trường CĐ chiếm khoảng 35% tổng quy mô đào tạo của tất cả các trường thuộc Bộ. Trong đó, riêng 3 trường phía Nam có quy mô chiếm gần 40% tổng quy mô 22 trường CĐ.
Về tuyển sinh, năm học qua, 22 trường đạt khoảng 80% tổng kế hoạch, trong đó có 1/3 số trường đạt chỉ tiêu 100%. Về trình độ CĐ, các trường phía Nam tuyển sinh tốt. Các trường khu vực phía Bắc tuyển sinh CĐ khó khăn nên đã phối hợp các trung tâm giáo dục thường xuyên để tuyển sinh trung cấp (TC). Ngoài ra, các trường tích cực đào tạo sơ cấp, ngắn hạn. Trường ĐTBD đào tạo 11-17 ngàn lượt CB-CCVC/năm.
Các trường đã đa dạng hóa ngành nghề đào tạo theo nhu cầu xã hội. Có 50 nghề trọng điểm được Bộ LĐ-TBXH lựa chọn đầu tư phát triển trong giai đoạn 2016-2020 và định hướng đến 2025.
Mặc dù tỷ lệ học sinh, sinh viên xếp loại tốt nghiệp xuất sắc, giỏi trình độ CĐ, TC còn thấp so với trình độ đại học nhưng tỷ lệ có việc làm sau tốt nghiệp của các trình độ này rất cao, đạt gần 100%. Đó là kết quả của sự gắn kết với các doanh nghiệp, tăng cường hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp.
Về nghiên cứu khoa học, tỷ lệ các dự án sản xuất thử nghiệm ở khối trường CĐ cao hơn khối Đại học. Một số trường huy động vốn và sự tham gia của doanh nghiệp rất tốt, tiêu biểu là Trường CĐ Kỹ thuật Cao Thắng. Các trường bước đầu nghiên cứu chuyển giao, hỗ trợ các doanh nghiệp đổi mới công nghệ.
Tại buổi làm việc, đại diện lãnh đạo của 23 trường đã có nhiều ý kiến về vấn đề đào tạo, tuyển sinh, tài chính… Trong đó, các ý kiến tập trung đề xuất Bộ Công Thương đẩy mạnh hơn nữa hợp tác với Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính, Bộ Nội vụ, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Kế hoạch và Đầu tư… để hoàn thiện thể chế, chính sách về chuyển đổi số trong đào tạo nghề, ứng dụng công nghệ trong quản lý, tổ chức đào tạo qua mạng, quy chế đào tạo từ xa, đào tạo liên thông…
Bên cạnh đó, có ý kiến cho rằng, mô hình đào tạo của các trường thuộc Bộ cần xây dựng đồng bộ hơn, mang bản sắc riêng, phản ánh nét đặc trưng của hệ thống giáo dục, đào tạo Bộ Công Thương.
Thứ trưởng Cao Quốc Hưng phát biểu |
Đồng tình với các ý kiến của đại diện các trường chia sẻ tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng cho rằng, một số ý kiến chưa giải quyết được tại buổi làm việc sẽ được Bộ tiếp tục nghiên cứu, giải quyết. Theo Thứ trưởng, vấn đề chuyển đổi số là một chủ trương lớn, Bộ cũng đang tập trung đẩy mạnh, do đó, đối với các trường đại học, cao đẳng thuộc Bộ cần có sự chủ động, tích cực của các trường.
Tập trung xây dựng chiến lược phát triển trường
Phát biểu kết luận tại buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên thống nhất phương hướng trong hoạt động của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và ĐTBD như sau:
Một là, kết nối chặt chẽ với doanh nghiệp trong đào tạo nguồn nhân lực có tay nghề, có kỷ luật, có kỹ năng đáp ứng nhu cầu lao động cho các ngành công nghiệp, thương mại, công nghệ cao của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, góp phần đẩy mạnh công nghiệp hóa – hiện đại hóa đất nước.
Hai là, chủ động trong thực hiện cơ chế tự chủ, trong việc tái cơ cấu và tổ chức, bộ máy tinh gọn, hiệu quả; ứng dụng công nghệ số trong đào tạo và quản lý.
Ba là, tiếp tục rà soát, sắp xếp các trường CĐ trong hệ thống các cơ sở đào tạo Bộ Công Thương.
Bộ trưởng khẳng định, tới đây, Ban cán sự, Lãnh đạo Bộ sẽ bàn bạc và thống nhất thành lập Hội đồng trường của các trường thuộc Bộ, trao quyền quyết định nhiều hơn cho Hội đồng trường. Theo Bộ trưởng, đó sẽ là những người đủ khả năng lãnh đạo, quyết định chiến lược phát triển của trường, có vai trò kết nối và phát triển trường.
Lãnh đạo các vụ chức năng Bộ Công Thương phát biểu ý kiến tại buổi làm việc |
Bộ trưởng giao nhiệm vụ cụ thể cho các Vụ, Tổng cục, Cục, theo chức năng, nhiệm vụ, chủ động nắm bắt, hướng dẫn các trường tháo gỡ cụ thể trong thực thi chính sách pháp luật để hoàn thành tốt sứ mệnh đào tạo, phát triển nguồn nhân lực có tay nghề; chủ động nghiên cứu, đề xuất kịp thời với Lãnh đạo Bộ các giải pháp tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện và cơ hội thúc đẩy phát triển giáo dục nghề nghiệp tại các trường cao đẳng thuộc Bộ; tăng cường phân cấp cho trường CĐ và giám sát chặt chẽ.
Đối với Trường ĐTBD và các trường CĐ thuộc Bộ, Bộ trưởng yêu cầu:
Tập trung xây dựng chiến lược phát triển trường phù hợp với quy định hiện hành và xu thế phát triển của giáo dục nghề nghiệp, điều kiện, năng lực thực tế, thế mạnh từng trường.
Khẩn trương hoàn thành việc thành lập Hội đồng trường, kiện toàn cơ cấu tổ chức, nhân sự trong trường; phát huy dân chủ, tự chủ, tự chịu trách nhiệm; xây dựng quy chế hoạt động và phối hợp giữa các đơn vị, tổ chức trong trường, gửi Bộ ý kiến tham gia. Ứng dụng kỹ thuật số trong nhà trường.
Các đơn vị, tổ chức trong trường chủ động phối hợp, rà soát các vấn đề nổi cộm, đánh giá đúng tình hình và nguyên nhân, nhất là nguyên nhân chủ quan để tập trung giải quyết dứt điểm, tránh mất đoàn kết nội bộ. Trong quá trình phối hợp cần nêu cao vai trò của Đảng ủy, phát huy vai trò Hội đồng trường và các tổ chức công đoàn, đoàn thanh niên …
Khảo sát, đánh giá nhu cầu nguồn nhân lực của tổ chức, cá nhân sử dụng lao động trong nước và nước ngoài để xác định kế hoạch đào tạo, tuyển sinh, xây dựng chương trình, giáo trình; đào tạo theo đơn đặt hàng.
Chú trọng đổi mới trong tuyển dụng, đãi ngộ giảng viên. Đào tạo, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức, kỹ năng thực hành và phẩm chất đạo đức đối với giảng viên. Xây dựng chính sách thu hút giáo viên, giảng viên có uy tín, có trình độ cao và kinh nghiệm.
Sử dụng ngân sách nhà nước hiệu quả trong đầu tư xây dựng, mua sắm trang thiết bị đào tạo. Xã hội hóa các nguồn lực đầu tư cho giáo dục nghề nghiệp thông qua liên kết với các tổ chức cá nhân trong và ngoài nước.
Các trường liên kết, phối hợp chặt chẽ để cùng chia sẻ kinh nghiệm, nguồn lực, khai thác phát huy thế mạnh mỗi bên để cùng phát triển.
Chủ động nghiên cứu đề xuất các mô hình đào tạo mới, hiện đại theo hướng đào tạo lao động phát triển toàn diện, có tay nghề kỹ thuật, đáp ứng yêu cầu của vị trí việc làm ngay sau khi tốt nghiệp ra trường.
Đổi mới công tác tư vấn hướng nghiệp cho học sinh, sinh viên, tư vấn đào tạo nghề và hỗ trợ khởi nghiệp.