Nhà tạo lập thị trường sẽ giúp các mã chứng khoán luôn có thanh khoản trong bất kỳ điều kiện nào của thị trường |
Băn khoăn về hạch toán
Theo Phó Tổng giám đốc phụ trách vấn đề phát triển sản phẩm của một CTCK, dự thảo Quy chế hoạt động của thành viên tạo lập thị trường quy định, để có thể thực hiện nghiệp vụ tạo lập thị trường, CTCK phải có cả tiền và cổ phiếu để sẵn sàng mua vào và bán ra. Vậy số cổ phiếu để phục vụ cho việc bán ra này, hoặc sau khi mua vào sẽ được hạch toán ở khoản mục nào, có tính vào tài khoản tự doanh hay không? Lỗ phát sinh do giao dịch 2 chiều, hoặc giá trị số cổ phiếu giảm sẽ do ai chịu, CTCK hay doanh nghiệp niêm yết?
Vị Phó Tổng giám đốc trên cho biết, việc này sở dĩ quan trọng vì liên quan đến nhiều vấn đề của cả CTCK lẫn doanh nghiệp phát hành sử dụng dịch vụ giao dịch tạo lập thị trường. Theo đó, nếu CTCK phải tự bỏ chi phí để thực hiện dịch vụ (bao gồm mua cổ phiếu và bỏ tiền giao dịch) thì khoản này có thể bị tính vào tự doanh. Khi đó, yêu cầu về chất lượng cổ phiếu sẽ đặc biệt quan trọng. Mặt khác, nghiệp vụ giao dịch tạo lập thị trường liên quan đến các chỉ số khi tính tỷ lệ an toàn tài chính của CTCK.
Ngược lại, trong tình huống số cổ phiếu và tiền phục vụ cho giao dịch tạo lập thị trường do doanh nghiệp phát hành cung cấp, thì số cổ phiếu này sẽ được hạch toán vào tài khoản của doanh nghiệp như thế nào? Có bị tính là cổ phiếu quỹ? Chi phí để trả cho CTCK sẽ được tính vào chi phí gì của doanh nghiệp? Liệu có được khấu trừ thuế hay không?
… và cổ phiếu trong nghiệp vụ tạo lập thị trường
Giám đốc pháp chế của một CTCK có thị phần thuộc Top 3 thị phần lớn nhất trên cả 2 sàn chia sẻ, đọc xong dự thảo Quy chế nhưng ông vẫn chưa rõ những cổ phiếu nào được phép triển khai dịch vụ tạo lập thị trường.
Dự thảo quy định, việc tạo lập thị trường với cổ phiếu bao gồm cả cổ phiếu niêm yết trên Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) và đăng ký giao dịch trên UPCoM. Điều này đồng nghĩa, chỉ cần cổ phiếu được giao dịch tập trung tại HNX (niêm yết hoặc đăng ký giao dịch), có hợp đồng với một CTCK về dịch vụ tạo lập thị trường, thì cổ phiếu đó có thể được bảo lãnh về mặt thanh khoản.
Thực tế trên thị trường chứng khoán tập trung cho thấy, có những cổ phiếu sau một thời gian giao dịch thì rơi vào tình trạng gần như mất thanh khoản hoặc giá cổ phiếu biến động mạnh. Thực trạng này có thể sẽ dẫn đến rủi ro cho đơn vị tạo lập thị trường.
Trong khi đó, với nghiệp vụ giao dịch ký quỹ, cơ quan quản lý quy định rất chặt chẽ. Vậy cổ phiếu trong giao dịch tạo lập thị trường cũng nên được quy định chi tiết, đáp ứng một số điều kiện nhất định.
“Để thực hiện hoạt động tạo lập thị trường, CTCK cần phải có cả cổ phiếu và tiền để phục vụ các giao dịch mua bán. Trường hợp tiền và cổ phiếu do doanh nghiệp phát hành cung cấp thì vấn đề khá đơn giản, nhưng nếu CTCK phải tự bỏ tiền ra mua một lượng cổ phiếu để tự giao dịch, câu chuyện lại khác. Nếu cổ phiếu đang trong đà lên giá mạnh hoặc giảm không phanh, mà CTCK phải giao dịch ngược chiều để thực hiện cam kết thì rủi ro với CTCK rất cao. Lỗ từ giao dịch tạo lập có thể lớn hơn cả phí thu được từ cung cấp dịch vụ. Giả sử CTCK ôm một lượng cổ phiếu lớn để làm giao dịch tạo lập thị trường, chẳng hạn 1 triệu cổ phiếu, sau đó giá cổ phiếu lao dốc, thì không dịch vụ nào chịu nổi”, vị Giám đốc pháp chế nói.
Rủi ro pháp lý
Một số ý kiến khác cho rằng, bản chất của tạo lập thị trường là để ổn định giá và thanh khoản cho cổ phiếu. Điều này khá khó khăn trong việc tách bạch với câu chuyện làm giá, hoặc phát sinh xung đột lợi ích với tự doanh CTCK.
Câu hỏi đặt ra là, CTCK có được phép đầu tư khi làm dịch vụ tạo lập thị trường cho doanh nghiệp hay không, nếu việc cung cấp dịch vụ tạo lập thị trường này được thực hiện trên cơ sở giao dịch cổ phiếu của phía doanh nghiệp cung cấp, hoặc toàn bộ khoản lỗ lãi cuối kỳ được phía doanh nghiệp chịu trách nhiệm chi trả?