Tạo thuận lợi thương mại cho khu vực Tam giác phát triển Campuchia - Lào - Việt Nam
Hội thảo tổ chức tại Gia Lai ngày 29/3 và tại Kon Tum ngày 31/3. Các hội thảo được sự tài trợ của Dự án Hỗ trợ chính sách thương mại và đầu tư (EU - MUTRAP). Hội thảo có sự tham dự của đại diện UBND và các Sở, ban, ngành hai tỉnh cùng đông đảo doanh nghiệp địa phương và các tỉnh lân cận.
Một hội thảo hợp tác thúc đẩy tam giác phát triển CLV. (Ảnh minh họa. Phạm Kiên/TTXVN) |
Sự hình thành Cộng đồng Kinh tế ASEAN từ 31/12/2015 đã đặt ra yêu cầu đối với việc nghiên cứu và đề xuất thực hiện những mô hình và phương thức phát triển trên cơ sở sự lựa chọn hợp lý các lĩnh vực và tạo cơ chế thuận lợi để hợp tác một cách thiết thực, hiệu quả theo nguyên tắc cùng có lợi; thúc đẩy phát triển nhanh và bền vững, từng bước rút ngắn khoảng cách phát triển Khu vực Tam giác phát triển ba nước với các vùng của mỗi nước trên cơ sở khơi dậy và phát huy tối đa tiềm năng, thế mạnh, các nguồn nội lực của từng tỉnh, tăng cường mối liên kết kinh tế trong nội bộ vùng và ngoài vùng, giải quyết tốt các vấn đề xã hội, an ninh quốc phòng, bảo vệ môi trường sinh thái, đóng góp thiết thực vào việc tăng cường hợp tác giữa ba nước Campuchia-Lào-Việt Nam.
Khu vực Tam giác phát triển được quy định là biên giới của 13 tỉnh giáp ranh thuộc 3 nước Campuchia - Lào - Việt Nam (CLV) gồm các tỉnh: Mondulkiri, Ratanakiri, Stung Treng and Kratie (Campuchia); Attapeu, Salavan, Sekong and Champasak (Lào); Kon Tum, Gia Lai, Đăk Lăk, Đăk Nông, Bình Phước (Việt Nam). |
Với mong muốn đó, tại Hội nghị cấp cao khu vực Tam giác phát triển lần thứ 7, lãnh đạo các nước Campuchia - Lào - Việt Nam đã giao nhiệm vụ cho đầu mối quốc gia là Bộ Thương mại Campuchia, Bộ Công Thương Lào và Bộ Công Thương Việt Nam rà soát các văn bản, thỏa thuận quốc tế song phương và đa phương đã có giữa ba nước và xây dựng một Hiệp định về xúc tiến và tạo thuận lợi thương mại cho khu vực Tam giác phát triển; tạo môi trường kinh doanh thân thiện và thuận lợi cho hoạt động thương mại, sự di chuyển của người và phương tiện trong khu vực.
Dự án EU-MUTRAP đã hỗ trợ Bộ Công Thương xây dựng báo cáo nghiên cứu về tình hình phát triển kinh tế thương mại khu vực Tam giác phát triển Campuchia - Lào - Việt Nam và các cơ chế chính sách tạo thuận lợi thương mại cho khu vực này.
Tại Hội thảo, các chuyên gia đã trình bày giới thiệu về Báo cáo nghiên cứu đã thực hiện. Theo đó, Tam giác phát triển được coi là khu vực có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng đối với Campuchia - Lào - Việt Nam trên các khía cạnh cả về chính trị, kinh tế, xã hội và môi trường sinh thái. Tam giác phát triển là một vùng cao nguyên rộng lớn, nhiều tiềm năng chưa được khai thác, là nơi đầu nguồn của nhiều con sông có vị trí chiến lược về an ninh quốc phòng và môi trường sinh thái đảm bảo cho sự phát triển và đa dạng sinh học.
Quan điểm phát triển tại khu vực này là phát huy thế mạnh của mỗi bên, hợp tác khai thác các tiềm năng tự nhiên, xã hội để tạo ra động lực phát triển kinh tế khu vực. Sự kết hợp về tài nguyên đất đai, khoáng sản, tiềm năng thủy điện và nhân lực của Campuchia và Lào, cùng vốn đầu tư, công nghệ, nhân lực chất lượng cao, vị trí địa kinh tế chính trị chiến lược và thị trường của Việt Nam trong bối cảnh hội nhập khu vực sâu rộng sẽ giúp tăng cường phát triển những ngành và lĩnh vực có lợi thế so sánh như nông nghiệp, thủy điện, công nghiệp chế biến, dịch vụ hỗ trợ thương mại… trong vùng.
Báo cáo tập trung vào nghiên cứu, đánh giá hiệu quả của các hoạt động kinh tế thương mại, cơ chế chính sách tạo thuận lợi thương mại hiện hành tại khu vực. Trên cơ sở những thay đổi, biến động và phát triển của khu vực; nhu cầu và chiến lược phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam trong thời gian tới, Báo cáo đã đưa ra các đề xuất, kiến nghị giải pháp, khuyến nghị chính sách nhằm tạo thuận lợi thương mại cho khu vực Tam giác phát triển, đồng thời phục vụ tốt cho sự phát triển kinh tế xã hội của các địa phương trong khu vực. Các khuyến nghị tập trung chủ yếu vào giải pháp, kiến nghị đối với Chính phủ; cơ quan chức năng về hoàn thiện hành lang pháp lý; phát triển cơ sở hạ tầng; xúc tiến thương mại và thông tin; đào tạo nguồn nhân lực… .
Ngoài ra, khu vực Tam giác phát triển là một bộ phận không thể tách rời của lãnh thổ 3 nước Campuchia - Lào -Việt Nam, do đó, nội dung của Báo cáo cũng đề cập thông tin về tình hình quan hệ thương mại, đầu tư giữa Việt Nam và Campuchia, Việt Nam và Lào như: Thông tin cơ bản về tình hình kinh tế thương mại của các nước Campuchia - Lào -Việt Nam, của khu vực Tam giác phát triển Campuchia - Lào -Việt Nam; Rà soát các văn bản, thỏa thuận quốc tế song phương và đa phương đã có giữa ba nước, những cơ hội và thách thức của các văn bản, thỏa thuận đó đối với các nước; Phân tích đánh giá khó khăn và thách thức mà các doanh nghiệp gặp phải khi hoạt động kinh doanh tại khu vực Tam giác phát triển Campuchia- Lào-Việt Nam.
Tại Hội thảo, đại diện Bộ Công Thương cũng cung cấp thêm thông tin về quá trình đàm phán Hiệp định xúc tiến và tạo thuận lợi thương mại cho khu vực Tam giác phát triển Campuchia - Lào - Việt Nam mà Bộ Công Thương đang chủ trì cùng các Bộ đối tác của Lào và Campuchia tiến hành.
Trong phần thảo luận, Hội thảo đã ghi nhận nhiều ý kiến đóng góp của các Sở Công Thương, các Hiệp hội ngành hàng và doanh nghiệp. Hầu hết ý kiến tập trung theo hướng bổ sung, hoàn thiện Báo cáo. Ngoài ra, các doanh nghiệp còn phản ánh những khó khăn, vướng mắc gặp phải trong hoạt động xuất khẩu hàng hóa đồng thời trao đổi kinh nghiệm để giải quyết các khó khăn khi tiếp cận xuất khẩu sản phẩm Việt Nam trong khu vực Tam giác phát triển và mong muốn có cơ chế, chính sách tạo thuận lợi hơn nữa cho hoạt động kinh doanh, thương mại tại khu vực này.
Tiếp thu các ý kiến góp ý, trong thời gian tới, các chuyên gia của MUTRAP sẽ tiếp tục bổ sung, hoàn thiện Báo cáo, cung cấp tài liệu tham khảo cho Phiên đàm phán lần thứ 4 Hiệp định xúc tiến và tạo thuận lợi thương mại cho khu vực Tam giác phát triển (dự kiến tổ chức vào tháng 4/2016 tại Việt Nam). Bản Báo cáo được coi là tài liệu tham khảo hữu ích cho quá trình nghiên cứu, xây dựng Hiệp định cũng như quá trình thực thi Hiệp định sau khi hoàn thành.