Đào tạo nghề cho lao động nông thôn tại TP. Hồ Chí Minh không chỉ nhằm chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn; chuyển dịch cơ cấu lao động của thành phố mà còn giúp tăng thu nhập, cải thiện và nâng cao đời sống, tạo việc làm cho nông dân, góp phần xóa đói, giảm nghèo trên địa bàn.
Với định hướng đó, năm 2017, toàn thành phố cần đào tạo 12.000 lao động được học nghề và có việc làm. Ðối tượng được hỗ trợ học nghề là lao động nông thôn thuộc các huyện: Cần Giờ, Củ Chi, Bình Chánh, Hóc Môn, Nhà Bè và một số phường còn lao động nông nghiệp. Trong đó, ưu tiên người lao động thuộc diện chính sách, hộ nghèo, hộ cận nghèo, người dân tộc thiểu số, người khuyết tật và người thuộc gia đình bị thu hồi đất nông nghiệp… Mức hỗ trợ cho lao động học nghề từ 2 - 6 triệu đồng; ngoài ra, hỗ trợ tiền ăn, đi lại nếu ở xa.
Lao động nông thôn tại TP. Hồ Chí Minh được đào tạo nghề theo nhu cầu |
Năm 2018, TP. Hồ Chí Minh đặt mục tiêu sẽ đào tạo nghề cho 10.500 lao động nông thôn; trong đó, có 2.556 người học nghề nông nghiệp và 7.944 người học nghề phi nông nghiệp. Ngoài ra, thành phố còn đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ, kiến thức kinh doanh và khởi sự doanh nghiệp, nghiệp vụ quản lý, tư vấn đào tạo nghề, tư vấn việc làm cho 100 giáo viên, người dạy nghề, cán bộ quản lý đào tạo nghề quận, huyện và cán bộ hội, đoàn thể… Đồng thời, hỗ trợ đầu tư, mua sắm thiết bị đào tạo nghề cho 4 cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập tại các huyện nông thôn mới trên địa bàn. Tổng kinh phí thực hiện đào tạo nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn thành phố năm 2018 từ ngân sách nhà nước dự kiến hơn 38 tỷ đồng.
Mới đây, UBND TP. Hồ Chí Minh tiếp tục ban hành Quyết định số 4721/QĐ-UBND về việc bổ sung danh mục nghề đào tạo cho lao động nông thôn; trong đó, nghề đào tạo có thời gian thấp nhất là 100 ngày, cao nhất 624 ngày; mức đóng học phí từ 1,8 - 6 triệu đồng/người/khóa học. Cụ thể, có 32 nghề đào tạo cho lao động nông thôn gồm: 7 nghề nông nghiệp; 25 nghề phi nông nghiệp như trồng hoa ứng dụng công nghệ cao, nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao, điện dân dụng, may giày, cắt tóc nam căn bản, kỹ thuật đắp móng, chế biến hải sản khô… Trong đó, trình độ sơ cấp có 13 nghề gồm 1 nghề nông nghiệp, 12 nghề phi nông nghiệp. Đào tạo nghề dưới 3 tháng gồm 6 nghề nông nghiệp và 13 nghề phi nông nghiệp.
Định hướng đào tạo gắn với giải quyết việc làm, UBND TP. Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm sau đào tạo người lao động phải có việc làm, thu nhập đủ sống và tích lũy. Vì vậy, trước thực tế quỹ đất nông nghiệp của TP. Hồ Chí Minh ngày càng bị thu hẹp, đại diện ngành nông nghiệp, nông thôn và lao động - thương binh và xã hội thành phố đều hướng tới đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn theo hướng chuyên sâu, phát triển của nền nông nghiệp công nghệ cao.
Trên định hướng này, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP. Hồ Chí Minh đã và đang xây dựng, điều chỉnh lại quy trình đào tạo nghề nông cho lao động nông thôn phù hợp hơn. Theo đó, việc đào tạo nghề phải gắn với nhu cầu của người học nghề, tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới. Thời gian đào tạo phải phù hợp với nghề đào tạo, đặc điểm của quy trình sản xuất, quy trình sinh trưởng của cây trồng, vật nuôi ở từng vùng, từng địa phương…
Đối với ngành lao động - thương binh và xã hội, để các mục tiêu đào tạo nghề cho lao động nông thôn đạt hiệu quả, ông Nguyễn Văn Lâm - Phó giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP. Hồ Chí Minh - cho biết, cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là các cơ quan truyền thông nhằm tuyên truyền, cung cấp thông tin về chính sách đào tạo nghề cho lao động nông thôn thường xuyên, sát với thực tế. Qua đó, giúp cho số lao động được đào tạo tăng lên và nâng cao tỷ lệ người học có việc làm. "Nhằm tạo việc làm cho lao động sau đào tạo, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp cần chủ động hơn nữa, chuyển từ dạy theo năng lực sẵn có sang đào tạo theo nhu cầu, tránh lãng phí thời gian cũng như tài chính của học viên và ngân sách..." - ông Nguyễn Văn Lâm nhấn mạnh.
Giai đoạn 2016 - 2020, TP. Hồ Chí Minh đặt chỉ tiêu đào tạo 55.000 lao động nông thôn đạt trình độ trung cấp, cao đẳng nghề; tỷ lệ có việc làm sau khi học nghề đạt 80% trở lên. |