Tạo xung lực mới cho hợp tác song phương Việt Nam - Hàn Quốc
Quan hệ Việt Nam - Hàn Quốc xây dựng trên 2 nền tảng đặc biệt
Theo Đại sứ Việt Nam tại Hàn Quốc Nguyễn Vũ Tùng, việc Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol chọn Việt Nam là nước đầu tiên ở khu vực Đông Nam Á để tới thăm và ông sang Việt Nam chỉ trong vòng 6 tháng khi hai nước vừa nâng cấp quan hệ trong khi Chủ tịch nước ta vừa đi thăm Hàn Quốc, việc này hàm ý rằng ý tưởng Tổng thống Yoon Suk Yeol thăm Việt Nam đã hình thành từ rất sớm. "Điều đó thể hiện tính chất đặc biệt của mối quan hệ giữa hai nước" - Đại sứ Nguyễn Vũ Tùng nhận định.
Quan hệ Việt Nam - Hàn Quốc được xây dựng trên hai nền tảng đặc biệt là lòng tin và lợi ích đan xen. Chuyến thăm này trước hết mang ý nghĩa thể hiện và đồng thời đóng góp cho cả hai nền tảng đó.
Theo thông cáo báo chí của Bộ Ngoại giao, Tổng thống Đại Hàn Dân Quốc Yoon Suk Yeol và Phu nhân sẽ thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam từ ngày 22-24/6 theo lời mời của Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Võ Văn Thưởng. |
Về xây dựng lòng tin, các chuyến thăm, trao đổi cấp cao luôn là biện pháp hiệu quả để tăng cường lòng tin, trước hết là qua sự quen biết ở tầm cá nhân lãnh đạo cấp cao. Đại sứ Việt Nam tại Hàn Quốc cho biết, từ khi Tổng thống Yoon lên cầm quyền hơn một năm nay, các cuộc điện đàm và gặp gỡ giữa lãnh đạo hai nước đã diễn ra dày đặc, và Tổng thống bạn thăm Việt Nam là minh chứng sinh động cho sự coi trọng đặc biệt của Chính phủ Hàn Quốc và cá nhân Ngài Tổng thống đối với quan hệ hai nước. Điều này đánh thêm một dấu mốc quan trọng trong quan hệ giữa lãnh đạo cao cấp hai nước, từ đó mở ra sự trao đổi/thăm viếng thường xuyên hơn giữa các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp và người dân hai bên.
Quan hệ Việt Nam - Hàn Quốc được xây dựng trên hai nền tảng đặc biệt là lòng tin và lợi ích đan xen |
Về đan xen lợi ích, chuyến thăm và các kết quả cụ thể đạt được trong chuyến thăm (các biên bản ghi nhớ hợp tác - MoU, hiệp định, hợp đồng, chương trình hành động...) đã thực sự thể hiện tầm cao mới của quan hệ theo khuôn khổ mới là Đối tác chiến lược toàn diện. Quan hệ hai bên ngày càng mở rộng và đi vào chiều sâu, vì lợi ích của hai nước, cũng như người dân, địa phương và doanh nghiệp.
Chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh quan hệ Việt - Hàn phát triển đặc biệt tốt đẹp trên tất cả các mặt, trên tất cả các lĩnh vực trọng yếu, từ chính trị, ngoại giao đến an ninh, quốc phòng, kinh tế, giáo dục đào tạo, khoa học, công nghệ, văn hóa, thể thao, du lịch, lao động, giao lưu nhân dân...
Trên cơ sở triển khai hiệu quả các thỏa thuận cấp cao mà hai nước đạt được trong chuyến thăm này, quan hệ giữa hai nước sẽ ngày càng phát triển, từ đó càng làm nổi bật tính chất đặc biệt của mối quan hệ song phương. Do đó, chuyến thăm chắc chắn sẽ góp phần tạo xung lực mới cho hợp tác giữa hai nước trong thời gian tới.
Ý nghĩa đặc biệt còn thể hiện trong bối cảnh chuyến thăm. Sự kiện diễn ra trong bối cảnh Việt Nam đang thực hiện các mục tiêu Đại hội XIII của Đảng, trong đó có mục tiêu phát triển đất nước đến năm 2030 trở thành nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; và đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao.
Về đối ngoại, Việt Nam kiên trì đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ; thúc đẩy quan hệ với các đối tác ngày càng đi vào chiều sâu, nhất là với các đối tác chiến lược, trong đó có Hàn Quốc.
Có thể thấy, việc đón đoàn Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol thăm cấp Nhà nước cho thấy Việt Nam coi trọng cao độ ý nghĩa đặc biệt của hợp tác Việt Nam - Hàn Quốc nói chung và tầm quan trọng của mối quan hệ này trong tổng thể chiến lược phát triển đất nước nói chung và chính sách đối ngoại của Việt Nam nói riêng.
Chuyến thăm cũng diễn ra trong bối cảnh Hàn Quốc đạt nhiều thành tựu quan trọng trong xây dựng và phát triển đất nước thời gian qua nói chung và nhiều thành quả về phục hồi kinh tế - xã hội sau đại dịch Covid-19 nói riêng. Hàn Quốc đã trở thành một trong 10 nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Về đối ngoại, Hàn Quốc đang thúc đẩy nhiều chính sách quan trọng, nổi bật là tầm nhìn chính sách Quốc gia trọng điểm toàn cầu (GPS), Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, Sáng kiến đoàn kết ASEAN - Hàn Quốc. Đồng thời, Hàn Quốc cũng đăng ký ứng cử vào các vị trí quan trọng trong các cơ chế đa phương như Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, Toà án Luật biển quốc tế... "Do đó, việc Việt Nam đón Tổng thống Hàn Quốc thăm cấp Nhà nước cũng là thông điệp Việt Nam ủng hộ và tin tưởng Chính phủ và nhân dân Hàn Quốc sẽ thực hiện thành công các chính sách và mục tiêu phát triển trong tương lai, đóng góp vào hòa bình, thịnh vượng, ổn định của khu vực và thế giới" - Đại sứ Việt Nam tại Hàn Quốc Nguyễn Vũ Tùng nhấn mạnh.
Quan trọng hơn, trong bối cảnh vận động địa chính trị, địa kinh tế rất phức tạp, khó lường gần đây, chuyến đi càng làm nổi bật tầm quan trọng của hợp tác Việt Nam - Hàn Quốc trên các lĩnh vực:
Một là, hợp tác giữa các nước vừa và nhỏ trong việc thượng tôn pháp luật quốc tế, giữ ổn định trật tự quốc tế dựa trên các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế. Đây là những cơ sở quan trọng để bảo vệ quyền lợi của các nước vừa và nhỏ cũng như để các nước này đóng góp vào việc củng cố hòa bình, ổn định và hợp tác quốc tế trong bối cảnh cạnh tranh nước lớn đang gia tăng, toàn cầu hóa bị thách thức bởi các vấn đề toàn cầu và chủ nghĩa bảo hộ.
Hai là, nâng cao vai trò trung tâm của ASEAN trong việc xây dựng và củng cố cơ chế an ninh khu vực cũng như hòa bình, thịnh vượng khu vực dựa trên sự chủ động và tích cực ngày càng cao của Việt Nam trong ASEAN, vai trò Việt Nam điều phối quan hệ ASEAN-Hàn Quốc trong 2 năm tới, và chính sách ngày càng ưu tiên hợp tác với ASEAN của Hàn Quốc thông qua chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và sáng kiến đoàn kết ASEAN (KASI) mà chính quyền Tổng thống Yoon vừa thông qua.
Ba là, lôi kéo sự can dự của các bên thứ ba vào hợp tác song phương Việt - Hàn trong các vấn đề thuộc lợi ích chung như Biển Đông, hòa bình ổn định, hợp tác trên bán đảo Triều Tiên, tiểu vùng Mekong, xây dựng chuỗi cung ứng ổn định, chống biến đổi khí hậu...
Như vậy, chuyến thăm này không những thể hiện tính chất đặc biệt của mối quan hệ và tạo ra xung lực mới mà còn góp phần mở ra không gian khu vực và quốc tế mới cho hợp tác song phương Việt Nam - Hàn Quốc.
Đặt mục tiêu nâng kim ngạch thương mại song phương Việt Nam - Hàn Quốc lên 100 tỷ USD vào năm 2023
Trong thư mời Tổng thống Yoon Suk Yeol, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng nêu rõ: “Tôi mong muốn cùng Ngài Tổng thống trao đổi các biện pháp cụ thể thúc đẩy quan hệ hai nước phát triển mạnh mẽ, thực chất và toàn diện hơn nữa trong thời gian tới, góp phần vào việc duy trì hòa bình, ổn định, hợp tác, phát triển ở khu vực và trên thế giới".
Trên cương vị là Đại sứ Việt Nam tại Hàn Quốc, ông Nguyễn Vũ Tùng có một số kỳ vọng từ nội dung mà hai nước Việt Nam - Hàn Quốc thảo luận và nhất trí trong chuyến đi này. Theo Đại sứ, về kinh tế - thương mại, Việt Nam và Hàn Quốc đặt mục tiêu nâng kim ngạch thương mại song phương lên 100 tỷ USD vào năm 2023 và hướng tới mục tiêu 150 tỷ USD vào năm 2030 theo hướng cân bằng.
Theo đó, hợp tác giữa hai nước trong thời gian tới cho thấy điểm nhấn kinh tế là trụ cột chính trong tổng thể quan hệ hợp tác hai nước với mục tiêu 100 tỷ USD thương mại hai chiều và hướng tới mục tiêu 150 tỷ vào năm 2030 song song với việc cải thiện tình trạng mất cân bằng cán cân thương mại.
Đại sứ Nguyễn Vũ Tùng cho biết, trong thời gian vừa qua, quan hệ kinh tế song phương có chiều hướng suy giảm do tổng cầu của thị trường thế giới đối với hàng xuất khẩu từ hai nước giảm mạnh.Tuy nhiên, tình hình gần đây đã có dấu hiệu cải thiện. Trong bối cảnh này, Đại sứ Nguyễn Vũ Tùng cho rằng, hai nước Việt Nam - Hàn Quốc cần tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động hợp tác kinh tế, tập trung vào một số hướng lớn sau.
Thứ nhất, hai bên cần tiếp tục khai thác hiệu quả tính chất bổ sung cho nhau của hai nền kinh tế để đẩy mạnh hợp tác hiệu quả trên các lĩnh vực hợp tác truyền thống, nhất là trên các lĩnh vực lao động, chế tạo, tài chính, xây dựng cơ sở hạ tầng.
Thứ hai, doanh nghiệp hai nước cần khai thác tốt hơn các cơ hội mới xuất hiện từ chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của hai bên. Theo đó, việc đẩy mạnh hợp tác theo các dự án lớn liên quan đến phát triển năng lượng mới, công nghệ số, công nghệ xanh và sạch cần được đề cao. Tôi chỉ xin đơn cử việc Chính phủ Việt Nam thông qua Sơ đồ điện VIII đã mở ra nhiều cơ hội cho các dự án đầu tư lớn về năng lượng sạch, rất hấp dẫn đối với các doanh nghiệp Hàn Quốc.
Thứ ba, hai bên cần khai thác hiệu quả các hiệp định tự do thương mại khu vực và toàn cầu (như RCEP, CPTPP), các khuôn khổ hợp tác kinh tế mới như IPEF. Đặc biệt, hai nước cần quan tâm đẩy mạnh hợp tác trên một số lĩnh vực mới như khai thác các thị trường mới (như thị trường châu Phi, Halal), tham gia xây dựng các chuỗi cung ứng mới, hợp tác trong ngành công nghiệp quốc phòng.
Bên cạnh đó, hai bên cần tiếp tục quan tâm thúc đẩy việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thông qua hợp tác giáo dục, đào tạo và nghiên cứu, tiếp tục đẩy mạnh cải cách cơ chế, hướng vào giải quyết hiệu quả những vướng mắc về thủ tục hành chính.
Đại sứ Nguyễn Vũ Tùng cũng cho rằng, cần mở cửa hơn nữa thị trường hàng Việt Nam vào Hàn Quốc, tăng khả năng tiếp cận hàng hóa của Việt Nam vào các chuỗi và nền tảng phân phối tại Hàn Quốc, trong đó có nền tảng thương mại điện tử, và chuyển giao công nghệ để các doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi sản xuất của các doanh nghiệp Hàn Quốc.
Hợp tác kinh tế là nhân tố then chốt và đóng góp hết sức to lớn cho quan hệ Việt Nam - Hàn Quốc. Hiện, Hàn Quốc duy trì vị trí số 1 về đầu tư trực tiếp (FDI) hợp tác thương mại; Hàn Quốc là nước bạn hàng lớn thứ 3 của Việt Nam (sau Trung Quốc và Mỹ); thương mại của Hàn Quốc với Việt Nam đứng đầu trong thương mại với các nước ASEAN, chiếm từ 45-50% tổng thương mại của Hàn Quốc với toàn bộ khối ASEAN. Đầu tư của Hàn Quốc ở Việt Nam đứng đầu ASEAN, chiếm khoảng 35% tổng đầu tư của Hàn Quốc trong toàn bộ khối và 45% doanh nghiệp Hàn Quốc tại ASEAN đang hoạt động tại Việt Nam. |