Tập trung xây dựng Thừa Thiên - Huế thành trung tâm văn hóa, du lịch lớn, đặc sắc
Thừa Thiên - Huế có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng, là vùng đất văn hiến, có bề dày lịch sử, truyền thống cách mạng vẻ vang, văn hóa đặc sắc với nhiều di sản văn hóa, di tích lịch sử - văn hóa tiêu biểu, đặc biệt là 7 di sản được UNESCO ghi danh có 5 di sản của riêng Huế và 2 di sản chung với các địa phương khác; là địa điểm du lịch hấp dẫn với nền văn hóa vô cùng đặc sắc, là sự hòa quyện của văn hóa đô thị với văn hóa làng, chùa, văn hóa cung đình với văn hóa dân gian.
Thủ tướng Phạm Minh Chính làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Thừa Thiên - Huế ngày 25/3/2023. Ảnh: Dương Giang/TTXVN |
Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ biểu dương nỗ lực và kết quả đạt được của Đảng bộ, chính quyền, quân và dân tỉnh Thừa Thiên - Huế về phát triển kinh tế - xã hội thời gian qua, góp phần quan trọng vào thành tựu chung của cả nước. Năm 2022, tỉnh đạt và vượt 14/14 chỉ tiêu kế hoạch chủ yếu. GRDP tăng 8,56%; GRDP bình quân đầu người tăng 10% so với năm 2021. Thu ngân sách nhà nước đạt trên 12,7 nghìn tỷ đồng, tăng 12%. Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 8,5%; tổng mức bán lẻ hàng hóa tăng 20,4%; lượng khách du lịch tăng gần 3 lần cùng kỳ.
Tuy nhiên, kết quả phát triển kinh tế - xã hội chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của tỉnh. Quy mô kinh tế còn nhỏ; chưa thu hút được nhiều tập đoàn quốc tế lớn đến đầu tư. Một số công trình di tích có nguy cơ bị xuống cấp, hư hỏng. Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao chưa đáp ứng nhu cầu; còn thiếu chuyên gia giỏi, đầu ngành một số lĩnh vực. Đời sống vật chất của một bộ phận người dân còn khó khăn.
Cơ cấu lại nền kinh tế, ưu tiên nguồn lực cho phát triển kinh tế xanh, kinh tế số
Trong thời gian tới, Thừa Thiên - Huế cần tập trung thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm sau: Bám sát các chủ trương, đường lối, Nghị quyết của Đảng, Nhà nước, nhất là các chỉ tiêu, tiêu chuẩn thành phố trực thuộc Trung ương; tiếp tục thực hiện có hiệu quả các Nghị quyết số 54-NQ/TW ngày 10/12/2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên - Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Làm tốt công tác quy hoạch và phát triển kết cấu hạ tầng, coi đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm và ưu tiên của tỉnh; khẩn trương hoàn thành lập quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 trong Quý II/2023. Chú trọng đầu tư phát triển hạ tầng giao thông, bảo đảm kết nối thông suốt nội tỉnh, liên tỉnh, liên vùng và quốc tế. Chú trọng phát triển hạ tầng chuyển đổi số. Hoàn thiện và triển khai hiệu quả Đề án xây dựng Thừa Thiên - Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.
Cơ cấu lại nền kinh tế; ưu tiên nguồn lực cho phát triển kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn; cơ cấu lại sản xuất công nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ cao, tăng tỷ trọng công nghiệp chế biến chế tạo trên cơ sở tận dụng nguồn nguyên liệu tại chỗ và công nghiệp phụ trợ; cơ cấu lại nông nghiệp theo hướng tăng năng suất, chất lượng, giá trị và thương hiệu nông sản.
Tập trung xây dựng Thừa Thiên - Huế thành trung tâm văn hóa, du lịch lớn, đặc sắc, có điểm nhấn
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tập trung xây dựng Thừa Thiên - Huế thành trung tâm văn hóa, du lịch lớn, đặc sắc, có điểm nhấn, tạo sự khác biệt mang nét đặc trưng riêng có; phát triển du lịch thông minh; gắn kết với tuyến du lịch "Con đường di sản miền Trung" và "Hành lang kinh tế Đông - Tây". Xúc tiến các tập đoàn lớn, có thương hiệu đến đầu tư; làm tốt quảng bá, tuyên truyền, nhất là các chương trình Festival Huế.
Huy động tối đa mọi nguồn lực cho phát triển; nâng cao hiệu quả thu hút và sử dụng vốn đầu tư (đặc biệt vốn FDI và hình thức đối tác công tư). Xây dựng cơ chế, chính sách mở đường cho phát triển, thu hút đầu tư, nhất là các tập đoàn, tổng công ty lớn trong nước và quốc tế. Tiếp tục thực hiện tốt giải ngân vốn đầu tư công, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, 3 Chương trình mục tiêu quốc gia.
Tập trung tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết số 33/NQ-CP ngày 11/3/2023 của Chính phủ về một số giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững. Trong đó, cần khẩn trương rà soát và tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về pháp lý, thủ tục chuẩn bị đầu tư cho các dự án nhà ở trên địa bàn tỉnh, đồng thời đẩy mạnh triển khai thực hiện các dự án nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, đáp ứng nhu cầu về nhà ở cho người dân.
Khẩn trương hoàn thiện Đề án "Thành lập thành phố trực thuộc Trung ương trên cơ sở địa giới hành chính tỉnh Thừa Thiên - Huế"
Đối với một số kiến nghị của tỉnh, Thông báo nêu rõ, về việc xây dựng Đề án "Thành lập thành phố trực thuộc Trung ương trên cơ sở địa giới hành chính tỉnh Thừa Thiên - Huế": Tỉnh khẩn trương rà soát các tiêu chí, tiêu chuẩn thành lập thành phố trực thuộc Trung ương theo quy định của pháp luật để hoàn thiện Đề án "Thành lập thành phố trực thuộc Trung ương trên cơ sở địa giới hành chính tỉnh Thừa Thiên - Huế"; giao Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với Bộ Xây dựng và các cơ quan liên quan hướng dẫn Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên - Huế xây dựng Đề án và thực hiện các trình tự, thủ tục theo quy định, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
Về Đề án Phát triển kinh tế - xã hội vùng đầm phá Tam Giang - Cầu Hai: Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên - Huế bám sát các chủ trương, cơ chế, chính sách mới ban hành của Đảng và Nhà nước để xây dựng và khẩn trương hoàn thiện Đề án mới sát thực tế, có tính khả thi cao, trình Hội đồng nhân dân tỉnh thông qua, gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các bộ, ngành có liên quan tham gia ý kiến, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
Về việc bổ sung nguồn vốn vượt thu ngân sách Trung ương năm 2022 dự án tuyến đường bộ ven biển cầu Thuận An: Căn cứ ý kiến của đồng chí Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại buổi làm việc, đề nghị tỉnh có văn bản báo cáo rõ tình hình thực hiện vốn của dự án; trên cơ sở đó, giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan xem xét, đề xuất hỗ trợ vốn cho Dự án, báo cáo cấp có thẩm quyền theo quy định.
Về đầu tư xây dựng Bảo tàng cổ vật cung đình Huế: Việc gìn giữ bảo tồn các giá trị cổ vật cung đình Huế qua các thời đại là cần thiết, Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên - Huế phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch lập Dự án đầu tư xây dựng Bảo tàng và xác định vị trí phù hợp; việc trưng bày, giới thiệu cổ vật cung đình Huế cần nghiên cứu, tham khảo kinh nghiệm quốc tế, phải khoa học, hiện đại; kiến trúc phải có sự kế thừa truyền thống, hài hoà, phù hợp với tổng thể di tích cố đô Huế; đồng thời nghiên cứu xây dựng trung tâm ẩm thực Huế theo quy định.