Temu và câu chuyện phản ứng nhanh nhạy của thương mại điện tử Việt Nam
Tháng 10/2024, trên các ứng dụng mạng xã hội, sàn thương mại điện tử Temu đã tạo ra cơn lốc hàng hoá giá rẻ đến độ “giật mình” tại Việt Nam với hy vọng xác lập một thế cờ mới cho cuộc cạnh tranh trên thị trường mua sắm online tại Việt Nam, vốn hấp dẫn nhưng cũng đầy cạnh tranh.
Hoạt động mang tính tốc chiến đó của Temu với hy vọng tạo hiệu ứng tràn ngập thị trường đã gặp phải sự phản ứng nhanh mà chính Temu có thể cũng không ngờ tới.
Nhiều người tiêu dùng Việt Nam sau những ấn tượng phần nào mang tính choáng ngợp trước làn gió mới Temu đã rất tỉnh táo bóc mẽ những điểm yếu, những bất cập của sàn thương mại điện tử này nhất là về chất lượng hàng hoá, phương thức thanh toán có thể đem lại không ít rủi ro. Ở đây có thể nói là lần đầu tiên người tiêu dùng Việt Nam thể hiện rõ vai trò làm chủ thị trường thương mại điện tử, chứ không phải các ứng dụng bán hàng.
Temu cần tuân thủ pháp luật Việt Nam về hoạt động thương mại điện tử. Ảnh minh hoạ |
Điểm yếu nhất của Temu chính là hoạt động không phép cũng như chưa có động thái đăng ký hoạt động với các cơ quan chức trách Việt Nam. Và cuối cùng thì chính Temu cũng nhận ra rằng, sau những sự tốc chiến mà họ thể hiện, ứng dụng này cũng đã phải có động thái luật pháp trước sự cảnh báo của cơ quan chức năng Việt Nam. Ngày 24/10/2024, Temu đã có văn bản chính thức gửi cơ quan chức năng Việt Nam, cụ thể là Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) về việc thực hiện các yêu cầu tuân thủ pháp luật Việt Nam khi gia nhập thị trường.
Được biết, hiện Temu đang làm thủ tục đăng ký hoạt động tại thị trường Việt Nam. Sau khi hồ sơ được hoàn tất, cơ quan quản lý sẽ xét duyệt.
Các cơ quan chức năng của Việt Nam trong trường hợp Temu đã cho thấy một phản ứng nhanh, kể cả việc sẵn sàng áp dụng các giải pháp kỹ thuật cần thiết để quản lý. Bộ Công Thương đã kịp thời đưa ra khuyến cáo về sự thận trọng khi mua hàng trên sàn thương mại điện tử với những trường hợp như Temu, đặc biệt là không thực hiện giao dịch với các nền tảng khi chưa được Bộ Công Thương xác nhận đăng ký tại Cổng thông tin quản lý hoạt động thương mại điện tử.
Ngay trước mắt, các cơ quan chức năng của Bộ Công Thương được Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên chỉ đạo việc tiến hành số soát các yếu tố pháp lý, đề xuất phương án xử lý các nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới hoạt động trái phép; đề xuất phương án kiểm soát hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam thông qua kênh thương mại điện tử cũng như phương án xử lý đối với những hình thức khuyến mại không tuân thủ quy định của pháp luật đối với các nền tảng thương mại điện tử.
Thời gian qua, vũ khí chủ lực của các nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới thường sử dụng là quảng cáo và khuyến mại vượt quá 50% giá trị hàng hóa, dịch vụ. Điều này không chỉ vi phạm các quy định về hoạt động xúc tiến thương mại, ảnh hưởng đến quyền lợi của người tiêu dùng mà còn gây ra tình trạng cạnh tranh không lành mạnh đối với các doanh nghiệp trong nước.
Trường hợp của Temu cũng cung cấp một điểm nhìn tham chiếu để có những động thái cần thiết về việc có những quy định cụ thể liên quan trách nhiệm của thương nhân, tổ chức nước ngoài có website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử tại Việt Nam phải phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước trong việc ngăn chặn các giao dịch hàng hóa, dịch vụ vi phạm pháp luật Việt Nam. Đồng thời thực hiện các nghĩa vụ về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, chất lượng sản phẩm, hàng hóa theo quy định của pháp luật Việt Nam... cũng như thực hiện nghĩa vụ báo cáo theo quy định.