Chủ tịch Quốc hội: Việt Nam vững vàng vượt qua thách thức trước “những cơn gió ngược” Hóa giải thách thức trong kiểm toán đầu tư xây dựng |
Chính phủ vừa có Báo cáo đánh giá giữa kỳ kết quả thực hiện Nghị quyết số 31/2021/QH15 của Quốc hội về Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 - 2025 nhằm phục vụ Phiên họp thứ 27 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự kiến khai mạc ngày 11.10. Rất đáng lo ngại khi hơn nửa số chỉ tiêu đặt ra được đánh giá là khó hoàn thành.
Nghị quyết số 31/2021/QH15 đề ra 7 nhóm mục tiêu về cơ cấu lại nền kinh tế đến năm 2025 với 27 chỉ tiêu cụ thể.
Trong Tờ trình số 496/TTr-CP, Chính phủ cho biết, kết quả sơ bộ sau gần hai năm thực hiện cho thấy có khoảng 10 trong số 23 chỉ tiêu (có thông tin đánh giá) có khả năng hoàn thành. Cụ thể, một số chỉ tiêu đạt kết quả khả quan như tổng vốn đầu tư toàn xã hội bình quân hai năm 2021 - 2022 so với GDP đạt 33,9 - 34,2% (mục tiêu đặt ra là 32 - 34%); năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) đóng góp vào tăng trưởng giai đoạn 2021 - 2023 ước đạt 35,03 - 46,09%. Các chỉ tiêu về tổng vốn đầu tư toàn xã hội so với GDP, tỷ trọng giá trị tăng thêm của kinh tế số trong GDP cũng có khả năng hoàn thành.
Tuy nhiên, với 13 chỉ tiêu còn lại, khả năng đạt được gặp thách thức rất lớn, thậm chí có một số chỉ tiêu rất khó đạt, đặc biệt là các chỉ tiêu quan trọng như tăng năng suất lao động, số lượng các doanh nghiệp.
Chính phủ cho biết, tốc độ tăng năng suất lao động bình quân năm 2021 - 2022 ước lần lượt đạt 4,58% và 4,75%, thấp hơn khá nhiều so với tốc độ tăng năng suất lao động trung bình giai đoạn 2016 - 2020 (6,05%) và thấp hơn mục tiêu đặt ra (mục tiêu là 6,5%/năm). Tốc độ tăng năng suất lao động của các vùng kinh tế trọng điểm năm 2022 bình quân ước đạt 5,3% (mục tiêu là hơn 6,5%/năm). Tốc độ tăng năng suất lao động của 3 trong 5 thành phố trực thuộc trung ương chưa đạt mục tiêu. Tốc độ tăng năng suất lao động của khu vực công nghiệp - xây dựng, khu vực dịch vụ năm 2022 tăng thấp, đạt 3,47% và 3,41%; trong khi mục tiêu tăng năng suất lao động ngành công nghiệp chế biến, chế tạo là 6,5 - 7%/năm và trong khu vực dịch vụ là 7 - 7,5%/năm.
Bên cạnh đó, hết năm 2023, cả nước ước có 903,1 nghìn doanh nghiệp - còn rất xa mục tiêu 1,5 triệu doanh nghiệp vào năm 2025. Tương tự, đến hết năm 2022, cả nước mới có hơn 29,3 nghìn hợp tác xã, để nâng con số này lên 35 nghìn hợp tác xã như mong muốn đề ra là không hề đơn giản trong hai năm tới. Cả chỉ tiêu về số lượng hợp tác xã nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất tiêu thụ nông sản cũng được đánh giá là “rất thách thức để có thể hoàn thành”. Đồng thời, chỉ tiêu về tỷ trọng chi cho khoa học và công nghệ được đặt mục tiêu không dưới 1% GDP, kết quả thực hiện năm 2021 chỉ đạt 0,42%, thấp hơn nhiều so với mục tiêu.
Ngoài ra, các nhóm chỉ tiêu về xử lý nợ xấu và bảo đảm an toàn vốn tại các tổ chức tín dụng tuy vẫn trong tầm kiểm soát nhưng khả năng hoàn thành cũng gặp nhiều khó khăn. Khách quan mà nói, nhiệm vụ cơ cấu lại nền kinh tế theo Nghị quyết số 31/2021/QH15
được thực thi trong bối cảnh kinh tế quốc tế và trong nước đều diễn biến phức tạp, thách thức nhiều hơn so với dự báo. Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp phải dành nhiều thời gian, nguồn lực để phục hồi và ứng phó, xử lý tình huống phát sinh, chưa bám sát nhiệm vụ này. Vậy nhưng, nếu không đạt được phần lớn các chỉ tiêu của kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế, trong đó có nhiều chỉ tiêu quan trọng, thì rất khó tạo bứt phá về năng lực cạnh tranh của một số ngành kinh tế chủ lực; khó tạo chuyển biến thực chất, rõ nét về mô hình tăng trưởng.
Phát biểu bế mạc Hội nghị Trung ương 8, Khóa XIII, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng yêu cầu trong những tháng còn lại của năm 2023 và năm 2024 phải tiếp tục “tập trung ưu tiên thúc đẩy, nâng cao chất lượng tăng trưởng, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động”.
Trước đó, tại Diễn đàn Kinh tế - Xã hội năm 2023 do Ủy ban Kinh tế chủ trì tổ chức, nhiều diễn giả nhấn mạnh rằng, cơ cấu lại nền kinh tế là một động lực thúc đẩy tăng trưởng bền vững; nhiệm vụ này nếu làm tốt sẽ rất hữu hiệu trong củng cố và làm tăng năng lực nội sinh của nền kinh tế. Vì vậy, thời gian tới, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp cần dành nhiều thời gian, nguồn lực hơn nữa để triển khai các nhiệm vụ, giải pháp cơ cấu lại nền kinh tế với quyết tâm cao nhất để đạt kết quả tốt nhất có thể!