Thái Bình: Hồi sinh làng nghề dệt đũi Nam Cao Vươn ra biển lớn, đem lại ấm no trên “quê hương năm tấn” |
Chùa Keo
Chùa Keo có tên chữ là Thần Quang tự là một ngôi chùa ở xã Duy Nhất, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình. Đây là một trong những ngôi chùa cổ, được công nhận là Di tích lịch sử - văn hoá Quốc gia và Di tích quốc gia đặc biệt.
Chùa Keo điểm đến yêu thích của người dân Thái Bình và du khách vào những dịp lễ, hội và những ngày đầu năm. Lễ hội chùa Keo được tổ chức hai lần hằng năm, lần đầu vào ngày mùng 4 tháng giêng Âm lịch, ngày hội chính tổ chức vào giữa tháng 9 Âm lịch.
Gác chuông chùa Keo cũng là biểu tượng của tỉnh Thái Bình. |
Đền Trần Thái Bình
Đền Trần Thái Bình là một quần thể di tích gồm các đền thờ, lăng mộ thờ các vị vua quan nhà Trần. Đền thờ các vua Trần trên đất phát tích Thái Bình (còn gọi là Thái Đường Lăng) thuộc làng Tam Đường, xã Tiến Đức, huyện Hưng Hà. Hệ thống các di tích lịch sử ở đây gồm Khu lăng mộ và đền thờ các vị vua triều Trần đều đã được chính phủ Việt Nam xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt quan trọng.
Theo thông lệ hàng năm, lễ hội đền Trần được tổ chức từ ngày 13 - 17 tháng Giêng với nhiều nghi thức tế lễ và trò chơi dân gian độc đáo. Đây cũng là điểm đến yêu thích của người dân và du khách mỗi khi đến Thái Bình vào những ngày đầu năm.
Đền Trần Thái Bình nằm tại xã Tiến Đức, huyện Hưng Hà. |
Quảng trường Thái Bình và Tượng đài Bác Hồ với nông dân Việt Nam
Theo đó, công trình Quảng trường Thái Bình và Tượng đài Bác Hồ với nông dân Việt Nam nằm tại phường Hoàng Diệu, TP. Thái Bình. Đây là một công trình mang ý nghĩa to lớn và là điểm nhấn của tỉnh Thái Bình trong những năm qua.
Từ khi hoàn thành, công trình này được rất nhiều người dân đến tham quan, chụp ảnh, ghi hình. Vì thế, nếu là người dân và du khách đến với Thái Bình, đây là một điểm check-in không thể bỏ qua.
Quảng trường Thái Bình và Tượng đài Bác Hồ với nông dân Việt Nam là điểm check-in yêu thích của người dân và du khách đến với Thái Bình trong thời gian qua. |
Đền Tiên La
Đền Tiên La thuộc xã Đoan Hùng, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình. Ngôi đền thờ Bát Nạn Tướng Quân (Tướng quân phá nạn cho dân - có nơi gọi là Bát Nàn hay Bát Não) Vũ Thị Thục sinh năm 17, mất năm 43, một nữ danh tướng trong khởi nghĩa Hai Bà Trưng có công đánh Tô Định, được phong: “Đông Nhung Đại Tướng Quân” có từ gần 2.000 năm nay.
Đền Tiên La là một trong số ít ngôi đền cổ có kiến trúc đá đồ sộ bậc nhất vùng châu thổ sông Hồng. Sự độc đáo của nghệ thuật kiến trúc và thế đất thiêng huyền bí nơi tọa lạc ngôi đền đã tạo ra sự cộng hưởng diệu huyền thu hút du khách muôn phương.
Đền Quan
Đền Quan, thuộc phường Hoàng Diệu, TP. Thái Bình được xây dựng vào năm 905, thờ quan Hà Đê Sứ - Nam Đạo Đại thần tướng, có công giúp nhân dân khai khẩn đất đai, đắp đê ngăn lũ, củng cố thủy lợi. Để tướng nhớ công đức của vị quan có công dốc lòng "Sinh vì Nam đạo", nhân dân đã lập đền thờ sau khi Ngài tạ thế.
Đây cũng là điểm đến tâm linh nổi tiếng ở TP. Thái Bình được du khách mọi nơi trong và ngoài tỉnh đến du xuân, cầu một năm mới bình an.
Đền Đồng Bằng
Đền Đồng Bằng nằm tại xã An Lễ, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình. Ngôi đền này nổi tiếng và có từ thời vua Hùng Vương thứ 18. Theo ghi chép, Đền Đồng Bằng còn là nơi tưởng niệm Hưng Đạo Vương và các tướng sĩ nhà Trần trong ba lần đại phá quân Nguyên Mông và lập nên tám trang Đào Động xưa.
Không chỉ mang những giá trị lịch sử đáng trân trọng, đền Đồng Bằng còn là di tích kiến trúc nghệ thuật có giá trị như một bảo tàng mỹ thuật đồ đồng, đồ đá và đồ gỗ với diện tích nội tự là 6.000m2, gồm 13 tòa, 66 gian liên hợp chặt chẽ với nhau tạo thành quần thể ngôi đền với kết cấu theo kiểu “tiền nhị hậu đinh” khép kín, bề thế. Đây cũng là điểm đến tâm linh được nhiều du khách gần xa hay ghé thăm mỗi khi đến Thái Bình.
Đền A Sào
Đền A Sào có tên gốc là A Cảo, một vùng đất nằm ven sông Hóa (nay thuộc xã An Thái, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình). Đây là một vùng đất cổ, hội tụ khí thiêng sông biển, địa thế hiểm yếu, nên đã được Triều Trần chọn làm thái ấp của Phụng Càn Vương Trần Liễu, thân phụ của Trần Quốc Tuấn).
Hiện tại, Khu di tích A Sào là nơi thờ Quốc Công Tiết chế Hưng Đạo Đại Vương cùng hai tướng Yết Kiêu và Dã Tượng. Theo đánh giá, Khu di tích A Sào sẽ là một điểm đến hấp dẫn trên con đường du lịch tâm linh vùng châu thổ sông Hồng.
Bảo tàng Thái Bình
Bảo tàng Thái Bình và Quảng trường 14-10 nằm tại trung tâm của TP. Thái Bình. Hàng năm, đây là điểm đến yêu thích và được nhiều người dân trong và ngoài tỉnh ghé thăm nhất bởi tại đây có nhiều hoạt động vui chơi, giải trí hấp dẫn.
Để mừng xuân Giáp Thìn 2024, tỉnh Thái Bình đã cho dựng mô hình linh vật rồng tại giữa Quảng trường này, đây cũng là điểm check-in thu hút nhiều người dân đến nhất trong những ngày qua.
Linh vật rồng tại Quảng trường 14/10 thu hút được người dân đến tham quan và chụp ảnh. |
Công viên Kỳ Bá
Thêm một điểm đến được yêu thích trong thời gian qua tại tỉnh Thái Bình đó chính là Công viên Kỳ Bá (phường Kỳ Bá, TP. Thái Bình). Công trình này mới đưa vào sử dụng trong vài tháng qua, đây cũng là điểm check-in với mô hình linh vật rồng được du khách và người dân tại tỉnh đến nhất.
Công viên Kỳ Bá được đầu tư đồng bộ với các phân khu văn hóa, thể thao, vui chơi, giải trí đa năng cùng các hạng mục công trình phụ trợ và hệ thống giao thông nội bộ, điện chiếu sáng, hệ thống cây xanh và vườn hoa đa dạng. Các hạng mục công trình của công viên được thiết kế mang bản sắc văn hóa của vùng đất Thái Bình.
Nhà thờ chính tòa Thái Bình
Nhà thờ chính tòa Thái Bình nằm tại đường Trần Hưng Đạo, phường Lê Hồng Phong, TP. Thái Bình, công trình được xây dựng với tổng diện tích lên tới hơn 1.500m2. Nhà thờ được phong tước hiệu là Thánh Tâm Chúa Giesu.
Nơi đây được biết tới là một trong những nhà thờ có lối kiến trúc đẹp và độc đáo nhất tại Việt Nam. Vừa mang nét đẹp hiện đại, vừa cổ kính, mang đậm phong cách kiến trúc của Gothic và Phương Đông. Tất cả điều này mang tới sự hài hòa, giúp nhà thờ trở thành điểm đến vô cùng ấn tượng cho người dân và du khách check-in trong các dịp lễ và đầu xuân năm mới.